Về vấn đề này, Bảo hiểm xã hội Việt Nam trả lời như sau:
Theo quy định tại Khoản 11, 12 Điều 3 Nghị định số 146/2018/NĐ-CP ngày 17/10/2018 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật BHYT, thân nhân của các đối tượng người có công với cách mạng sau đây được ngân sách nhà nước đóng BHYT bao gồm:
- Thân nhân của người có công với cách mạng là cha đẻ, mẹ đẻ, vợ hoặc chồng, con của liệt sĩ; người có công nuôi dưỡng liệt sĩ.
- Thân nhân của người có công với cách mạng, trừ các đối tượng quy định tại Khoản 11 Điều này, gồm: Cha đẻ, mẹ đẻ, vợ hoặc chồng, con từ trên 6 tuổi đến dưới 18 tuổi hoặc từ đủ 18 tuổi trở lên nếu còn tiếp tục đi học hoặc bị khuyết tật nặng, khuyết tật đặc biệt nặng của các đối tượng: Người hoạt động cách mạng trước ngày 1/1/1945; người hoạt động cách mạng từ ngày 1/1/1945 đến ngày khởi nghĩa tháng 8/1945; anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, anh hùng lao động trong thời kỳ kháng chiến; thương binh, bệnh binh suy giảm khả năng lao động từ 61% trở lên; người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học suy giảm khả năng lao động từ 61% trở lên; con đẻ từ đủ 6 tuổi trở lên của người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học bị dị dạng, dị tật do hậu quả của chất độc hóa học không tự lực được trong sinh hoạt hoặc suy giảm khả năng tự lực trong sinh hoạt được hưởng trợ cấp hàng tháng.
Vì vậy, nếu ông thuộc một trong những đối tượng nêu trên thì đề nghị ông liên hệ với đơn vị có trách nhiệm lập danh sách cấp thẻ BHYT để được hướng dẫn (theo quy định tại Điều 11 Nghị định số 146/2018/NĐ-CP thì: UBND xã có trách nhiệm lập danh sách đối với đối tượng quy định tại Khoản 11, 12 Điều 3 Nghị định số 146/2018/NĐ-CP).
Trường hợp ông chỉ là thân nhân của người được tặng Huân, Huy chương kháng chiến theo quy định tại Điều 35, 38 Pháp lệnh số 02/2020/UBTVQH14 mà không đồng thời thuộc các đối tượng trên thì ông không được ngân sách nhà nước đóng BHYT.
Chinhphu.vn