In bài viết

Các trường ở TPHCM đang triển khai dạy-học trực tuyến thế nào?

(Chinhphu.vn) - So với việc còn bị động khi dịch COVID-19 bùng phát đợt đầu vào năm 2020, năm nay, các cơ sở giáo dục tại TPHCM đã triển khai kịp thời việc dạy-học trực tuyến. Sự chuẩn bị chu đáo đã giúp các trường hoàn toàn chủ động trong việc giảng dạy, quản lý người học từ xa.

20/02/2021 14:05

Thầy Mai Bảo Thịnh (giáo viên Toán) Trường THPT Nguyễn Du trong 1 giờ dạy trực tuyến cho học sinh. Ảnh: VGP/Gia Mỹ

Mấy ngày nay, thầy Mai Bảo Thịnh (giáo viên bộ môn Toán Trường THPT Nguyễn Du, Quận 10, TPHCM) cùng nhiều đồng nghiệp bận rộn hơn với các thao tác giảng dạy trực tuyến.

Việc dạy học thông qua Google Meet với camera được gắn sẵn của thầy giáo 58 tuổi khiến nhiều học sinh tỏ ra thích thú vì nhờ có công nghệ các kiến thức được diễn giải chi tiết, dễ hiểu hơn. Tại Trường THPT Nguyễn Du, các giáo viên đều được yêu cầu chuẩn bị tinh thần dạy học trực tuyến trước kỳ nghỉ Tết Nguyên đán của ban giám hiệu. Người dùng máy tính xách tay, người dùng ipad đều thành thạo sử dụng các phần mềm với thời khóa biểu chuẩn bị sẵn nên mọi thứ không còn cập rập như năm ngoái.

Ông Huỳnh Thanh Phú, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Du cho biết nhờ kinh nghiệm giảng dạy từ các lần dịch bùng phát trong năm 2020, năm nay trường chuẩn bị mọi thứ từ sớm. Mùng 1 Tết, Ban Giám hiệu đã họp để thống nhất kế hoạch dạy trực tuyến. Thời khóa biểu dạy trực tuyến được công bố vào ngày 14/2, đúng mùng 3 Tết.

“Với bộ môn chính, các thầy cô đến trường thực hiện các tiết dạy trực tuyến trên phần mềm đã tập huấn, những bộ môn khác thì giáo viên quay clip và đăng tải trên trang website của trường. Trong tuần đầu tiên, chúng tôi tập trung ôn tập cho học sinh; sang tuần cuối tháng 2 sẽ dạy kiến thức mới. Mỗi buổi sẽ có 2 ca, mỗi ca 2 tiết/môn, xen giữa là một tiết giải lao. Năm nay, chúng tôi dành các buổi chiều để dạy kỹ năng sống (trực tuyến), tư vấn tâm lý cho học sinh”, ông Phú cho biết thêm.

Cũng theo ông Phú, trong thời gian tới, khi tình hình dịch bệnh được kiểm soát, việc dạy trực tuyến sẽ được nhà trường kết hợp với hình thức tập trung để tận dụng tối đa lợi ích mà công nghệ mang lại. Hiện tại, mỗi giáo viên chủ nhiệm được nhà trường yêu cầu duy trì một nhóm giao lưu trên mạng với phụ huynh để cập nhật đầy đủ thông tin về lịch học, kiến thức, tình hình dịch bệnh… Các giáo viên bộ môn thì duy trì nhóm giao lưu với 1.550 học sinh để đốc thúc, dặn dò, cập nhật  thông tin cần thiết. Nhờ vậy, khi có chỉ đạo mới hay thông tin về dịch bệnh, chương trình học tập, học sinh và phụ huynh đều được nắm rõ, nếu cần sẽ trực tiếp trao đổi với giáo viên để được giải đáp. Sự phối hợp nhịp nhàng này giúp cho chất lượng các tiết học trực tuyến được nâng cao, sĩ số học sinh tham gia trễ, vắng mặt rất ít.

Giờ học trực tuyến của học sinh Trường THPT Nguyễn Du. Ảnh: VGP/Gia Mỹ

Kế hoạch dạy trực tuyến cũng được Ban Giám hiệu Trường THPT Nguyễn Hữu Huân (TP. Thủ Đức, TPHCM) ban hành từ sớm với những quy định rõ về thời gian, chương trình, kiến thức để giáo viên, học sinh chủ động tiếp cận. Theo đó, giáo viên khối 12 của 9 môn (Toán, Lý, Hóa, Sinh, Văn, Sử, Địa, Giáo dục công dân, tiếng Anh) và giáo viên dạy các bộ môn Toán, Lý, Hóa, Văn, tiếng Anh thuộc khối 10 và 11 của trường được yêu cầu dạy trực tuyến cho học sinh theo thời khóa biểu đã quy định từ ngày 17 đến hết ngày 28/2. Chương trình sẽ dạy theo thời khóa biểu riêng cho các lớp thông qua phần mềm Microsoft Teams.

Ban Giám hiệu Trường THPT Nguyễn Hữu Huân đã thành lập bộ phận hỗ trợ nhà trường giám sát tình hình dạy - học trực tuyến của giáo viên và học sinh, đồng thời sẽ thực hiện việc dự giờ theo thời khóa biểu đã phân công. Theo kế hoạch dài hạn, nhà trường sẽ lấy kết quả bài kiểm tra thường xuyên của học sinh thông qua hình thức dạy học trực tuyến.

Ông Phạm Phương Bình, Phó Hiệu trưởng nhà trường cho biết so với năm 2020, năm nay việc dạy trực tuyến thuận lợi hơn nhiều. “Năm nay nhà trường chủ động cập nhật thông tin dịch bệnh và xây dựng kế hoạch từ sớm nên mọi việc khá thuận lợi. Học sinh và giáo viên cũng đã quen nên thích nghi kịp thời. Công nghệ cũng nâng cấp hơn, tập huấn kỹ càng và các giáo viên đã có nhiều thời gian làm quen rồi. Về kiểm tra, đánh giá, trường phân công giáo viên làm công tác giám sát kỹ, theo luôn lớp và báo cáo sau mỗi tiết”, ông Bình nói.

Ảnh: VGP/Gia Mỹ

Với khối đại học, cao đẳng, bên cạnh việc cho sinh viên nghỉ sớm để đảm bảo an toàn phòng dịch, ngay từ trước Tết Nguyên đán, nhiều trường đã thông báo lịch học trực tuyến ngay sau kỳ nghỉ.

Rút kinh nghiệm từ đợt dịch trước, năm nay, Trường Đại học Nguyễn Tất Thành đã có động thái kịp thời để không làm gián đoạn công tác dạy và học nhưng vẫn đảm bảo an toàn cho giảng viên và sinh viên trong tình hình dịch COVID-19 quay trở lại. Theo thông báo được ban hành cách đây vài ngày, nhà trường sẽ tiến hành tổ chức dạy trực tuyến trên hệ thống E-learning từ ngày 22/2 đến ngày 7/3. Ngoài ra, hơn 20.000 sinh viên thuộc các chương trình đào tạo của trường sẽ thi trực tuyến tại nhà qua nền tảng số LMS theo lịch được công bố trên trang web của Phòng Đào tạo.

Trường Đại học Kinh tế - Luật (ĐHQG TPHCM) cũng tổ chức dạy và học trực tuyến thông qua hệ thống E-Learning UEL từ ngày 22 đến ngày 28/2. Nếu dịch bệnh được kiểm soát tốt, thời gian sinh viên trở lại học tập trung tại trường dự kiến là ngày 1/3. Tuy nhiên, các kế hoạch dự phòng liên quan đến họp và giảng dạy trực tuyến cũng đã được nhà trường đưa ra nhằm đảm bảo cao nhất an toàn cho hơn 6.500 sinh viên cùng toàn thể cán bộ, giảng viên của trường.

Bà Nguyễn Hải Trường An, Giám đốc Trung tâm Truyền thông và Tư vấn tuyển sinh Trường Đại học Kinh tế - Luật cho biết năm nay, các khâu chuẩn bị nhanh chóng và chủ động hơn vì trong các đợt dịch trước, nhà trường đã cơ bản hoàn thiện các kênh dạy học trực tuyến. Năm nay, hệ thống được phát triển đa dạng các kênh giảng dạy và bảo đảm chất lượng hơn. Do thường xuyên được tập huấn, cập nhật công nghệ nên năm nay đội ngũ giảng viên không còn tình trạng hoang mang, bất cập khi sử dụng các tính năng của chương trình giảng dạy trực tuyến. “Năm nay, thông tin dịch bệnh và các văn bản hướng dẫn được cập nhật kịp thời nên nhà trường không còn bị động chờ đợi nữa. Sinh viên cũng đã được làm quen với việc học trực tuyến trong suốt năm 2020 nên cũng được trang bị tinh thần sẵn sàng ứng phó, chuyển đổi cách thức học tập phù hợp”, bà An cho hay.

Trong tuần lễ cuối cùng của tháng 2, khoảng 14.500 sinh viên của Trường Đại học Công nghiệp TPHCM cũng học trực tuyến tại nhà.

Theo đó nhà trường sẽ triển khai phương án dạy trực tuyến các môn lý thuyết, còn môn thực hành dời lại sau khi dịch được kiểm soát để dạy theo phương thức tập trung. Trước đó, nhà trường đã linh động kết hợp hình thức trực tuyến tập trung các môn chính trị và được sinh viên đánh giá rất cao về mô hình này. Cùng với kế hoạch được ban hành từ rất sớm, nhà trường còn nâng cấp hệ thống mạng để phục vụ tốt nhất cho việc dạy trực tuyến trong năm 2021.

Theo ông Phạm Thái Sơn, Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh và Truyền thông nhà trường, việc dạy và học trực tuyến năm 2021 gặp khá nhiều thuận lợi do có kinh nghiệm từ năm trước cũng như thời gian chuẩn bị không cập rập.

Ông Sơn cho hay” “Điều quan trọng nhất là sinh viên đã luôn trong tư thế sẵn sàng học trực tuyến nên chuẩn bị chu đáo. Tôi cho rằng nếu làm bài bản thì việc dạy và học trực tuyến la rất tốt vì giảng viên phải chủ động, sáng tạo trong cách truyền đạt kiến thức, quản lý người học còn sinh viên thì đầu tư nhiều hơn cho các giờ học. Khi đôi bên đều có sự chuẩn bị chu đáo, chắc chắn hiệu quả sẽ cao hơn việc bị động nghe thầy cô giảng rồi ghi chép lại để đó”.

Gia Mỹ