Năm nay lần đầu tiên Hội nghị AZEC được tổ chức theo sáng kiến của Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio. Xin ông cho biết ý nghĩa của hội nghị và sự tham gia của Việt Nam, mà đại diện là Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà?
Ông Nguyễn Đức Minh: Nhận lời mời của Chính phủ Nhật Bản, Phó Thủ tướng Chính phủ kiêm Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà sẽ tham dự Hội nghị AZEC tại Tokyo, Nhật Bản từ ngày 3-4/3.
Đây là cuộc họp cấp bộ trưởng đầu tiên trong lĩnh vực năng lượng giữa Nhật Bản, các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và Australia để trao đổi các biện pháp hỗ trợ phát triển và sử dụng năng lượng tái tạo, giảm phát thải khí nhà kính.
Sự tham gia của Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà tại Hội nghị AZEC có ý nghĩa quan trọng trong việc tái khẳng định quyết tâm thực hiện các cam kết của Việt Nam về giảm phát thải khí nhà kính, thích ứng với biến đổi khí hậu đã được nêu ra tại Hội nghị lần thứ 26 của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu (COP26); khẳng định ủng hộ của Việt Nam đối với các sáng kiến của Chính phủ Nhật Bản đối với mục tiêu giảm phát thải ròng khí nhà kính bằng 0 (Net Zero), khai thác tối đa các tiềm năng hợp tác trong lĩnh vực chuyển đổi năng lượng công bằng, chuyển đổi từ điện than sang năng lượng tái tạo, đào tạo và trao đổi nhân lực...
Dự kiến những nội dung, vấn đề gì sẽ được Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nêu lên tại Hội nghị AZEC, thưa ông?
Ông Nguyễn Đức Minh: Với vai trò Bộ trưởng Bộ TN&MT, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã tham gia quá trình thiết lập đối tác chiến lược với Nhật Bản, trong đó triển khai nghiên cứu về biển, vấn đề môi trường, chống biến đổi khí hậu, vấn đề khí tượng thuỷ văn... và nhiều lĩnh vực tiềm năng khác mà hai nước có thể hợp tác và hỗ trợ lẫn nhau. Phó Thủ tướng đã bày tỏ ủng hộ các sáng kiến của Chính phủ Nhật Bản đối với mục tiêu giảm phát thải ròng khí nhà kính bằng 0.
Việt Nam và Nhật Bản có nhiều nét tương đồng, cũng như mối liên hệ đặc biệt về văn hóa. Việt Nam là một trong những quốc gia có trách nhiệm rất cao và sẵn sàng hợp tác cùng Nhật Bản trong thực hiện các cam kết, mục tiêu toàn cầu; qua đó, góp phần thúc đẩy quan hệ Việt Nam-Nhật Bản trở thành hình mẫu trong mối quan hệ hợp tác giữa các nước đang phát triển và các nước phát triển.
Sự tham dự của Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà tại Hội nghị AZEC sẽ thúc đẩy hợp tác về môi trường, năng lượng, thảo luận về việc xây dựng những lộ trình cụ thể hiện thực hoá những sáng kiến.
Một trong các yếu tố tiên quyết để thực hiện chuyển đổi năng lượng, chuyển đổi nền kinh tế nhằm thực hiện mục tiêu Net Zero, cũng như bảo vệ người dân trước thiên tai, tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu là chuyển giao công nghệ và đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao. Việt Nam sẽ tập trung vào lĩnh vực này tại hội nghị và kêu gọi sự hợp tác từ các quốc gia phát triển, đặc biệt là Nhật Bản.
Những sáng kiến của Chính phủ Nhật Bản để thực hiện Net Zero theo hướng giảm phát thải khí nhà kính, song hành với phát triển kinh tế là khả thi, phù hợp với điều kiện cụ thể của các nước khu vực châu Á, cũng như nhiều nước đang phát triển.
Trong đó phải kể đến việc các nước châu Á hầu hết mới bắt đầu phát triển vài thập kỷ gần đây; công nghệ sử dụng năng lượng hóa thạch tương đối hiện đại, nhu cầu năng lượng vẫn đang tăng rất nhanh nên phải có cách tiếp cận phù hợp để vừa bảo đảm anh ninh năng lượng, vừa góp phần giảm phát thải khí nhà kính.
Các công nghệ, biện pháp Nhật Bản đưa ra và sẵn sàng chia sẻ để thực hiện Net Zero có thể nói rất phù hợp. Tương tự như cơ chế chia sẻ vaccine trong phòng, chống đại dịch COVID-19, các nước đang phát triển chỉ có thể chuyển đổi năng lượng công bằng, thực hiện thành công Net Zero nếu các nước phát triển chủ động, tích cực thúc đẩy chuyển giao công nghệ về năng lượng tái tạo, tích điện, sản xuất hydro xanh, amoniac xanh… Việt Nam sẽ đóng góp tiếng nói của mình tại Hội nghị nhằm thúc đẩy hợp tác hơn nữa về vấn đề này giữa các quốc gia đang phát triển với các quốc gia phát triển.
Hợp tác trong vấn đề môi trường và chống biến đổi khí hậu là một trong những lĩnh vực hợp tác nổi bật giữa Việt Nam và Nhật Bản. Xin ông cho biết những thành phần nào trong hợp tác song phương về lĩnh vực này?
Ông Nguyễn Đức Minh: Việt Nam và Nhật Bản có lịch sử hợp tác lâu dài trên nhiều lĩnh vực, trong đó có môi trường và biến đổi khí hậu. Cả hai quốc gia đã nhận ra tầm quan trọng của việc hợp tác cùng nhau để giải quyết những thách thức toàn cầu này và đã thực hiện một số sáng kiến để giảm thiểu tác động của chúng.
Nhật Bản là quốc gia đồng sáng lập Chương trình Hỗ trợ ứng phó với biến đổi khí hậu (SPRCC) tại Việt Nam giai đoạn 2011-2020. Thông qua Chương trình SPRCC, 400 hành động chính sách ứng phó với biến dổi khí hậu đã được ban hành, gần 1,5 tỷ USD đã được huy động để thực hiện các chương trình, dự án ở 61 tỉnh, thành phố Việt Nam và các bộ, ngành.
Hàng loạt dự án, sáng kiến hỗ trợ Việt Nam đã được Nhật Bản triển khai trong các lĩnh vực năng lượng tái tạo, kiểm soát ô nhiễm môi trường, ứng phó với nước biển dâng, lũ lụt và hạn hán, bảo tồn rừng.
Việt Nam và Nhật Bản đã ký kết Kế hoạch Hợp tác chung về biến đổi khí hậu hướng tới mục tiêu trung hòa carbon vào năm 2050.
Nhìn chung, hợp tác giữa Việt Nam và Nhật Bản trong lĩnh vực môi trường và biến đổi khí hậu đã đạt được những thành tựu to lớn và tác động tích cực. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều việc phải làm để giải quyết những thách thức toàn cầu này và quan hệ đối tác giữa hai nước sẽ tiếp tục đóng một vai trò quan trọng trong việc đạt được sự phát triển bền vững.
Năm 2023, Nhật Bản và Việt Nam sẽ kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao. Mối quan hệ được cho là có "tiềm năng vô hạn" của hai nước đang tiến tới thời kỳ đánh dấu bước phát triển vượt bậc. Đây là dịp để nhìn lại quan hệ Việt Nam-Nhật Bản từ trước đến nay, và kiến tạo nền tảng cho mối quan hệ ấy phát triển vượt bậc hơn nữa hướng tới tương lai, vươn tầm khu vực và thế giới với tư cách là những đối tác có vị thế ngang bằng, cùng mang lại lợi ích cho nhau.
Xin cảm ơn ông!