In bài viết

Cách tính mức hỗ trợ đội phòng cháy, chữa cháy tại cơ quan

(Chinhphu.vn) – Ông Nguyễn Duy Hưng (Hà Nội) công tác tại đơn vị sự nghiệp hành chính trực thuộc Bộ Y tế. Ông Hưng hỏi, phụ cấp cho đội trưởng, đội phó đội phòng cháy chữa cháy cơ sở tại đơn vị ông tính theo cách nào (theo mức lương cơ sở 1.800.000 đồng hay lương tối thiểu vùng 4.680.000 đồng)?

11/01/2024 07:45

 Về vấn đề này, Bộ Công an trả lời như sau:

Tại Khoản 3 Điều 34 Nghị định số 136/2020/NĐ-CP ngày 24/11/2020 của Chính phủ đã quy định rõ việc hỗ trợ thường xuyên cho đội trưởng, đội phó đội phòng cháy và chữa cháy cơ sở, chuyên ngành hoạt động theo chế độ không chuyên trách được tính theo lương tối thiểu vùng.

Tại thời điểm Nghị định số 136/2020/NĐ-CP có hiệu lực (ngày 10/1/2021), việc chi trả hỗ trợ thường xuyên này được áp dụng theo Nghị định số 90/2019/NĐ-CP ngày 15/11/2019 của Chính phủ quy định mức lương tối thiểu vùng đối với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động.

Từ ngày 1/7/2022, việc chi trả hỗ trợ thường xuyên này được áp dụng theo Nghị định số 38/2022/NĐ-CP ngày 12/6/2022 của Chính phủ quy định mức lương tối thiểu đối với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động. 

Thành viên của đội phòng cháy và chữa cháy cơ sở, chuyên ngành là những người thường xuyên làm việc tại cơ sở (quy định tại Khoản 3 Điều 31 Nghị định số 136/2020/NĐ-CP) nên việc chi trả hỗ trợ thường xuyên được tính theo mức lương tối thiểu tháng theo vùng (mức lương tối thiểu tháng theo vùng quy định tại Khoản 1 Điều 3 Nghị định số 38/2022/NĐ-CP).

Như vậy, trụ sở cơ quan của ông Nguyễn Duy Hưng ở vùng nào thì việc chi trả hỗ trợ thường xuyên đối với đội trưởng, đội phó đội phòng cháy chữa cháy cơ sở của cơ quan ông được tính theo lương tối thiểu tháng của vùng đó.

Chinhphu.vn