Ông Cường hỏi, cách trả phụ cấp thường trực như vậy có đúng không?
Về vấn đề này, Luật sư Trần Văn Toàn, Văn phòng luật sư Khánh Hưng, Đoàn luật sư Hà Nội trả lời như sau:
Ngày 28/11/2011, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 73/2011/QĐ-TTg quy định một số chế độ phụ cấp đặc thù đối với công chức, viên chức, người lao động trong các cơ sở y tế công lập và chế độ phụ cấp chống dịch (tình trạng còn hiệu lực).
Nguyên tắc thực hiện chế độ thường trực: Thủ trưởng cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có giường bệnh căn cứ vào tình hình thực tế về nhân lực và hoạt động của từng bộ phận trong đơn vị để quyết định hình thức bố trí người lao động làm việc theo ca kíp hoặc làm thêm giờ; trường hợp thiếu nhân lực, không thể bố trí người làm việc theo ca kíp hoặc làm thêm giờ, thì phải bố trí người lao động thường trực 24/24 giờ.
Đối với khoa, khu vực đặc biệt gồm: Khoa hồi sức cấp cứu, khoa phẫu thuật gây mê hồi sức, khoa hồi sức sơ sinh, khoa điều trị tích cực, khoa cấp cứu, khoa chống độc; chăm sóc trẻ sơ sinh non tháng tại bệnh viện hạng đặc biệt, hạng I, hạng II; khu vực chăm sóc bệnh nhân tâm thần cấp tính ở bệnh viện và trung tâm chuyên khoa tâm thần thì thủ trưởng cơ sở khám bệnh, chữa bệnh căn cứ vào điều kiện thực tế để bố trí người lao động làm việc theo ca như sau: Ngày làm việc gồm 3 ca, mỗi ca làm việc 8 giờ; ngày làm việc gồm 2 ca, một ca làm việc 8 giờ theo giờ hành chính và một ca làm việc 16 giờ hoặc mỗi ca làm việc 12 giờ.
Chế độ phụ cấp thường trực: Điểm a, Khoản 3, Điều 2 Quyết đinh số 73/2011/QĐ-TTg, quy định chế độ phụ cấp đối với người lao động tham gia thường trực:
Người lao động thường trực 24/24 giờ được hưởng mức phụ cấp như sau: 115.000 đồng/người/phiên trực đối với bệnh viện hạng I, hạng đặc biệt; 90.000 đồng/người/phiên trực đối với bệnh viện hạng II; 65.000 đồng/người/phiên trực đối với các bệnh viện còn lại và các cơ sở khác tương đương; 25.000 đồng/người/phiên trực đối với trạm y tế xã, trạm y tế quân dân y, bệnh xá quân dân y.
Người lao động thường trực theo ca 12/24 giờ được hưởng mức bằng 0,5 lần mức phụ cấp thường trực 24/24 giờ;
Người lao động thường trực theo ca 16/24 giờ được hưởng mức bằng 0,75 lần mức phụ cấp thường trực 24/24 giờ.
Nếu thường trực tại khu vực hồi sức cấp cứu, khu vực chăm sóc đặc biệt thì mức phụ cấp thường trực được tính bằng 1,5 lần mức quy định trên; thường trực vào ngày nghỉ hằng tuần thì mức phụ cấp thường trực được tính bằng 1,3 lần mức quy định trên; thường trực vào ngày lễ, ngày Tết thì mức phụ cấp thường trực được tính bằng 1,8 lần mức quy định trên.
Theo ông Nguyễn Mạnh Cường, làm việc tại Bệnh viên đa khoa tỉnh Gia Lai (bệnh viện cấp II) phản ánh, nhân viên y tế được phân công phiên trực 24/24 giờ trong ngày làm việc bình thường, trong đó có 8 giờ hành chính (là giờ làm việc bình thường của ngày làm việc trong tuần) và 16 giờ ngoài giờ hành chính, nên chỉ được Bệnh viện chi trả mức phụ cấp thường trực theo ca 16/24 giờ, bằng 75% mức phụ cấp thường trực 24/24 giờ. Cụ thể, mức hưởng thường trực 16/24 giờ tại Bệnh viên cấp II là 90.000 đồng x 75% = 60.000 đồng.
Căn cứ Điểm a, Khoản 3, Điều 2 Quyết định số 73/2011/QĐ-TTg, theo luật sư, mức phụ cấp thường trực đối với nhân viên y tế theo phân hạng bệnh viện, tương ứng với thời gian (giờ) của mỗi phiên trực 24/24 giờ, 16/24 giờ, 12/24 giờ, mà nhân viên y tế có mặt thường trực, không phân biệt đó là giờ hành chính hay ngoài giờ hành chính.
Theo đó, trường hợp nhân viên y tế tại bệnh viện hạng II, được phân công phiên trực 24/24 giờ trong ngày làm việc bình thường, trong đó có 8 giờ hành chính (là giờ làm việc bình thường của ngày làm việc trong tuần) và 16 giờ ngoài giờ hành chính phải được hưởng mức phụ cấp thường trực 24/24 giờ bằng 90.000 đồng/người/phiên trực mới đúng.
Luật sư Trần Văn Toàn
VPLS Khánh Hưng, Đoàn luật sư Hà Nội
* Thông tin chuyên mục có giá trị tham khảo với người đọc, không dùng làm tài liệu trong tố tụng pháp luật.