In bài viết

Cách tính thời điểm xét nâng lương trước thời hạn

(Chinhphu.vn) - Ông Nguyễn Anh Khoa (nakhoa_cm@...) có quyết định nâng lương bậc 3 ngạch chuyên viên (hệ số 3,0) từ ngày 1/1/2012. Vừa qua, cơ quan xét nâng bậc lương trước thời hạn cho những người lập thành tích xuất sắc năm 2013 và ông Khoa không được xét vì không đủ điều kiện theo quy định tại khoản 1 Điều 3 Thông tư số 08/

20/03/2014 08:02
Ảnh minh hoạ

Khoản 1 Điều 3 Thông tư số 08/2013/TT-BNV quy định: “…tính đến ngày 31/12 của năm xét nâng bậc lương trước thời hạn còn thiếu từ 12 tháng trở xuống để được nâng bậc lương thường xuyên thì được xét nâng một bậc lương trước thời hạn tối đa là 12 tháng so với thời gian quy định…”

Căn cứ nội dung trên, cơ quan ông Khoa cho rằng đến ngày 1/1/2015 ông Khoa mới đủ thời hạn 36 tháng để xét nâng lương thường xuyên, do đó tính ngày 31/12/2013, thời hạn để xét nâng bậc lương thường xuyên ông Khoa còn 12 tháng 1 ngày.

Còn theo ông Khoa, tính đến ngày 31/12/2013 ông đã giữ lương bậc 3 ngạch chuyên viên được 24 tháng và còn đúng 12 tháng thì được xét nâng lương thường xuyên, nên thuộc đối tượng được xét nâng bậc lương trước thời hạn năm 2013 do lập thành tích xuất sắc trong thực hiện nhiệm vụ theo quy định tại khoản 1, Điều 3 của Thông tư số 08/2013/TT-BNV.

Ông Khoa hỏi, quan điểm của cơ quan về cách tính thời hạn như vậy có đúng quy định không?

Luật sư Trần Văn Toàn, Văn phòng luật sư Khánh Hưng - Đoàn luật sư Hà Nội trả lời ông Khoa như sau:

Theo khoản 1, Điều 3 của Thông tư số 08/2013/TT-BNV, chế độ nâng bậc lương trước thời hạn do lập thành tích xuất sắc trong thực hiện nhiệm vụ thì, cán bộ, công chức, viên chức đạt đủ 2 tiêu chuẩn quy định tại Khoản 2 Điều 2 Thông tư này và lập thành tích xuất sắc trong thực hiện nhiệm vụ đã được cấp có thẩm quyền quyết định công nhận bằng văn bản, nếu chưa xếp bậc lương cuối cùng trong ngạch hoặc trong chức danh và tính đến ngày 31 tháng 12 của năm xét nâng bậc lương trước thời hạn còn thiếu từ 12 tháng trở xuống để được nâng bậc lương thường xuyên thì được xét nâng một bậc lương trước thời hạn tối đa là 12 tháng so với thời gian quy định.

Khái niệm về thời hạn, thời điểm bắt đầu thời hạn, thời điểm kết thúc thời hạn được quy định tại Điều 149; khoản 2 Điều 152 và khoản 3 Điều 153 Bộ Luật Dân sự như sau:

Thời hạn là một khoảng thời gian được xác định từ thời điểm này đến thời điểm khác. Thời hạn có thể được xác định bằng phút, giờ, ngày, tuần, tháng, năm hoặc bằng một sự kiện có thể sẽ xảy ra.

Về thời điểm bắt đầu thời hạn, khi thời hạn được xác định bằng ngày, tuần, tháng, năm thì ngày đầu tiên của thời hạn không được tính mà tính từ ngày tiếp theo của ngày được xác định.

Về thời điểm kết thúc thời hạn, khi thời hạn tính bằng tháng thì thời hạn kết thúc tại thời điểm kết thúc ngày tương ứng của tháng cuối cùng của thời hạn; nếu tháng kết thúc thời hạn không có ngày tương ứng thì thời hạn kết thúc vào ngày cuối cùng của tháng đó.

Căn cứ cách tính thời hạn nêu trên của Bộ Luật Dân sự, trường hợp ông Nguyễn Anh Khoa được nâng lương thường xuyên, hưởng bậc 3 ngạch chuyên viên (hệ số 3,0) từ ngày 1/1/2012, thì thời điểm bắt đầu thời hạn để xét nâng bậc lương thường xuyên lần sau được tính từ ngày tiếp theo của ngày 1/1/2012.

Thời hạn xét nâng bậc lương thường xuyên lần sau đối với ngạch chuyên viên, trình độ đại học (ngạch công chức, viên chức loại A1, theo bảng lương số 2, số 3 ban hành kèm theo Nghị định số 204/2004/NĐ-CP) là phải đủ 36 tháng.  Thời điểm kết thúc thời hạn 36 tháng là ngày 1/1/2015. Tính đến ngày 1/1/2013 ông Khoa giữ bậc 3 được 12 tháng. Tính đến ngày 1/1/2014, ông Khoa giữ bậc 3 được 24 tháng. Như vậy, với khoảng thời gian từ ngày 31/12/2013 đến ngày 1/1/2015 (ngày kết thúc thời hạn 36 tháng) thì ông Khoa còn 12 tháng 1 ngày mới đến thời hạn nâng bậc lương thường xuyên.

Theo luật sư, cách tính thời hạn của cơ quan là phù hợp với quy định về thời hạn của Bộ Luật Dân sự.

Căn cứ quy định tại khoản 1, Điều 3 Thông tư số 08/2013/TT-BNV, thì ông Khoa chưa đủ điều kiện xét nâng bậc lương trước thời hạn năm 2013, do tính đến ngày 31/12/2013, thời gian còn lại để xét nâng bậc lương thường xuyên là 12 tháng 1 ngày (trên 12 tháng) mà điều kiện là còn thiếu từ 12 tháng trở xuống.  

Theo quy định tại điểm d, khoản 1 Điều 3 Thông tư số 08/2013/TT-BNV thì, thành tích để xét nâng bậc lương trước thời hạn được xác định theo thời điểm ban hành quyết định công nhận thành tích đạt được trong khoảng thời gian 6 năm gần nhất đối với các ngạch và các chức danh có yêu cầu trình độ đào tạo từ cao đẳng trở lên tính đến ngày 31/12 của năm xét nâng bậc lương trước thời hạn.

Theo đó, thành tích xuất sắc mà ông Khoa đã đạt được trong thực hiện nhiệm vụ có thể được chuyển sang xét nâng bậc lương trước thời hạn năm 2014.

Luật sư Trần Văn Toàn

VPLS Khánh Hưng – Đoàn luật sư Hà Nội

* Thông tin chuyên mục có giá trị tham khảo với người đọc, không dùng làm tài liệu trong tố tụng pháp luật