In bài viết

Cải thiện kỹ năng lao động, đáp ứng nhu cầu thị trường

(Chinhphu.vn) - Ưu tiên cải thiện kỹ năng của lực lượng lao động là một nhiệm vụ quan trọng khi Việt Nam đối mặt với những thay đổi về bản chất công việc trong thời đại công nghệ - thời điểm những lao động tay nghề thấp có nguy cơ bị thay thế bởi tự động hóa.

14/12/2016 07:53
Theo ILO, Việt Nam nên cải thiện kỹ năng cần thiết cho lực lượng lao động thông qua sự phối hợp giữa các nhà hoạch định chính sách, người sử dụng lao động và các cơ sở đào tạo. Ảnh minh họa 
“Việt Nam cần làm gì để đáp ứng được thay đổi về công nghệ và nhu cầu kỹ năng lao động” là chủ đề của đối thoại chính sách quốc gia lần đầu tiên về việc làm được Bộ LĐTB&XH và Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) tổ chức ngày 13/12 tại Hà Nội.

Gần 80% lao động chưa qua đào tạo

Thứ trưởng Bộ LĐTB&XH Đào Hồng Lan cho biết đến năm 2016, trong tổng số 54,36 triệu lao động cả nước, chỉ có hơn 11,21 triệu qua đào tạo có bằng cấp/chứng chỉ, chiếm 20,6%. Như vậy, vẫn còn trên 43,15 triệu người chưa qua đào tạo có bằng cấp/chứng chỉ (chiếm 79,4% tổng số lao động) và chất lượng lao động có sự chênh lệch rõ rệt giữa khu vực nông thôn và thành thị.

Bên cạnh đó, cơ cấu lao động qua đào tạo chưa phù hợp với nhu cầu thực tế, chưa cân đối giữa các ngành đào tạo. Đáng lưu ý là lao động được đào tạo trong các ngành kỹ thuật-công nghệ còn chiếm tỷ trọng thấp.

Việt Nam đang thiếu hụt lao động có trình độ kỹ thuật cao, công nhân lành nghề, đặc biệt là cho các ngành trọng điểm như cơ khí, điện tử, kỹ thuật điện, cũng như nhân lực trình độ cao làm việc trong các ngành, các lĩnh vực có tác động mạnh tới tốc độ tăng trưởng cao và bền vững trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế như chuyên gia dự báo, tư vấn pháp luật quốc tế, chuyên gia cấp cao…

Theo nghiên cứu “ASEAN trong giai đoạn chuyển đổi - Công nghệ đang thay đổi việc làm và doanh nghiệp như thế nào” của ILO, 86% người lao động Việt Nam trong ngành dệt may-da giày có thể phải đối mặt với nguy cơ mất việc cao do tự động hóa. Trong khi đó, 3/4 lao động làm công ăn lương trong ngành sản phẩm điện-điện tử có thể sẽ bị robot thay thế.

Theo ILO, Việt Nam nên cải thiện các kỹ năng cần thiết cho lực lượng lao động thông qua sự phối hợp giữa các nhà hoạch định chính sách, người sử dụng lao động và các cơ sở đào tạo để hiện đại hóa hệ thống phát triển kỹ năng nghề nhằm đón đầu những xu hướng đang thay đổi tại nơi làm việc và những đổi mới công nghệ.

Cần kỹ năng cốt lõi

Khảo sát mới nhất của Viện Khoa học Lao động và Xã hội về nhu cầu kỹ năng của doanh nghiệp trong kỷ nguyên công nghệ mới cho thấy, nhu cầu kỹ năng mà doanh nghiệp cần bao gồm cả kỹ năng kỹ thuật và kỹ năng cốt lõi, như khả năng tư duy sáng tạo, ngoại ngữ, kỹ năng làm việc nhóm, kỹ năng giải quyết vấn đề.

Nghiên cứu này chỉ ra rằng đối với các doanh nghiệp, việc thiếu các kỹ năng cốt lõi ở mức nghiêm trọng hơn. Các kỹ năng kỹ thuật có thể được đào tạo, nhưng các kỹ năng cốt lõi cần cả một quá trình đào tạo dài hạn mới có thể đạt được.

Trong khi đó, sự kết nối giữa doanh nghiệp và các cơ sở đào tạo hầu như chỉ dừng lại ở hình thức doanh nghiệp nhận sinh viên đến thực tập và sự hợp tác trong quá trình phát triển giáo trình, học liệu, việc xây dựng kế hoạch đào tạo lao động có kỹ năng còn tương đối yếu.

Thực trạng kỹ năng nghề không phù hợp với thị trường lao động cũng được chỉ ra trong Báo cáo xu hướng thị trường lao động Việt Nam mới của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI).

Báo cáo đưa ra các khuyến nghị chính sách, bao gồm cải thiện tính linh hoạt của thị trường lao động; nâng cao chất lượng của lực lượng lao động; cải thiện đào tạo nghề và giáo dục phổ thông; xây dựng liên kết giữa các cơ sở giáo dục, đào tạo, trường cao đẳng với các người sử dụng lao động tại địa phương; củng cố các mối quan hệ lao động tại nơi làm việc.

Thu Cúc