Cấm lưu hành xe công nông, xe tự chế 3, 4 bánh: Hỗ trợ toàn bộ hay chỉ xe có đăng ký?
Việc cấm lưu hành xe công nông, xe tự chế 3, 4 bánh của Chính phủ bắt đầu từ ngày 01/01/2008 được triển khai thực hiện trên địa bàn tỉnh ta nhìn chung khá nghiêm túc. Tuy nhiên, điều đáng nói hiện nay là nhiều hộ gia đình nghèo trước đây đều sống dựa cả vào cái “cần câu cơm” - xe công nông, nay không có tiền để mua sắm phương tiện khác thay thế hoặc chuyển đổi nghề, dẫn đến tình trạng xe công nông vẫn chạy lén lút vào giờ thấp điểm, hay ban đêm...
Việc cấm lưu hành xe công nông, xe tự chế 3, 4 bánh của Chính phủ bắt đầu từ ngày 01/01/2008 được triển khai thực hiện trên địa bàn tỉnh ta nhìn chung khá nghiêm túc. Tuy nhiên, điều đáng nói hiện nay là nhiều hộ gia đình nghèo trước đây đều sống dựa cả vào cái “cần câu cơm” - xe công nông, nay không có tiền để mua sắm phương tiện khác thay thế hoặc chuyển đổi nghề, dẫn đến tình trạng xe công nông vẫn chạy lén lút vào giờ thấp điểm, hay ban đêm...
Thực trạng
Theo thống kê từ các huyện, thành, thị, toàn tỉnh có 3.124 xe công nông; 415 xe tự chế; 1.097 máy kéo nhỏ. Lượng xe đông đảo này đã tạo nên sự đan ken trên các tuyến đường gây mất an toàn đối với người và các phương tiện tham gia giao thông. Xuất phát từ thực tế xe công nông, xe tự chế không đảm bảo kỹ thuật, gây mất an toàn khi tham gia giao thông, năm 1994 UBND tỉnh đã đưa ra bàn việc cấm lưu hành xe công nông và các loại xe có 1 xi lanh được lắp ráp từ các xe tải hư hỏng. Năm 2003, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 46 về tăng cường giải pháp đảm bảo an toàn giao thông, trong đó có giải pháp đình chỉ các cơ sở sản xuất xe công nông, xe tự chế. Các cơ sở sản xuất các loại xe này tuy đã chuyển sang hoạt động dưới hình thức sửa chữa nhưng thực ra vẫn sản xuất, tự chế các loại xe 3, 4 bánh và xe công nông, gây khó khăn cho các cơ quan chức năng trong việc kiểm tra, giám sát và xử lý. Đặc biệt, khi chủ trương đưa cơ giới hóa vào nông nghiệp với việc nhập khẩu các loại máy kéo nhỏ nông nghiệp từ các nước vào Việt Nam hầu hết lại được cải tạo thành xe tự chế, chỉ cần lắp một thùng rơ móc, 2 bánh ô tô phía sau là chạy được trên đường bộ, dùng từ việc chở các loại vật liệu xây dựng cho đến rơm rạ, thóc lúa ngày mùa....
Thực hiện chủ trương của Chính phủ về việc cấm lưu hành xe công nông, xe tự chế 3, 4 bánh kể từ ngày 01/01/2008, ở tỉnh ta đã triển khai khá nghiêm túc. UBND tỉnh chỉ đạo các ngành chức năng, các huyện, thành, thị tổ chức tuyên truyền về chủ trương này; đồng thời tiến hành rà soát, thống kê về số hộ, lượng xe công nông, xe tự chế, máy kéo nhỏ trên địa bàn; tăng cường kiểm tra và xử lý. Nhiều địa phương có số lượng xe lớn như Quỳnh Lưu, Yên Thành, Diễn Châu, Nam Đàn... đã có nhiều biện pháp tích cực nhằm thực hiện nghiêm chủ trương và kiên quyết tịch thu xử lý bán phế liệu, sung công quỹ đối với những trường hợp cố tình vi phạm. Qua đó, các chủ sở hữu phương tiện các loại xe này và nhân dân hầu hết đều đồng tình và thấy cũng cần phải có phương tiện cơ giới thay thế cho phương tiện thủ công vốn không đảm bảo kỹ thuật về độ an toàn này. Nhiều hộ gia đình, chủ phương tiện xe công nông, xe tự chế đã chuyển sang mua các loại xe trọng tải nhẹ để thay thế, hoặc chuyển đổi nghề khác. Điển hình như ở huyện Nam Đàn đã có tới 60% hộ đã mua được phương tiện thay thế.
Giải pháp nào mang tính khả thi?
Việc cấm lưu hành xe công nông, xe tự chế 3, 4 bánh là một chủ trương đúng. Tuy nhiên qua tìm hiểu thực tế, chúng tôi thấy có một số vấn đề đang đặt ra, đòi hỏi Nhà nước cần có những giải pháp tích cực để chủ trương này có tính khả thi cao hơn. Nếu tính bình quân mỗi xe công nông, xe tự chế có 2 lao động với 3.937 xe công nông, xe tự chế ngừng hoạt động, có nghĩa là có khoảng gần 8.000 lao động không có việc làm. Ngoài những hộ có tiềm lực về kinh tế, có đủ điều kiện để vay vốn mua được phương tiện thì hiện đang còn nhiều hộ gia đình nghèo không đủ điều kiện vay vốn để mua (bình quân mỗi xe trọng tải nhẹ trị giá 120-150 triệu đồng) hoặc chuyển đổi nghề. Chính vì bức xúc về việc làm, về đời sống, bởi nhiều hộ gia đình trước đây đều sống dựa cả vào cái “cần câu cơm” - xe công nông, dẫn đến tình trạng xe công nông vẫn chạy lén lút vào giờ thấp điểm, thậm chí chạy cả vào ban đêm. Có trường hợp thì “đắp chiếu”, phủ bạt để nghe ngóng chờ dịp nếu các cấp, các ngành lơi lỏng sẽ tiếp tục đưa ra lưu hành...
Vừa qua, Chính phủ đã giao cho Bộ Tài chính nghiên cứu về cơ chế hỗ trợ bãi bỏ, thay thế xe công nông, xe tự chế để trình Chính phủ phê duyệt làm cơ sở cho các địa phương thực hiện. Song cho đến thời điểm này, Bộ Tài chính vẫn chưa có văn bản trình Chính phủ. Để kịp thời giải quyết những vấn đề đang đặt ra, UBND tỉnh vừa xây dựng dự thảo Tờ trình về chính sách hỗ trợ hủy bỏ, thay thế xe công nông, xe tự chế 3, 4 bánh trên địa bàn tỉnh để trình HĐND tỉnh khóa XV, tại kỳ họp thứ 13 sẽ diễn ra vào cuối tháng 7 này. Theo Tờ trình, đối tượng được hỗ trợ bao gồm những chủ sở hữu xe công nông (xe có kết cấu tương tự xe ô tô, lắp ráp máy ngang); xe tự chế 3, 4 bánh, đã được cơ quan có thẩm quyền đăng ký, cấp biển số trước ngày 31/12/2007. Vấn đề đặt ra là nếu chỉ hỗ trợ các xe được đăng ký (theo số liệu từ Phòng Cảnh sát giao thông tỉnh có 975 xe được đăng ký/ 3.937 xe) thì số hộ còn lại sẽ như thế nào?. Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, ông Võ Minh Đức - Chánh Văn phòng Ban ATGT tỉnh, cho biết: “Quan điểm chúng tôi là cố gắng có chính sách hỗ trợ cho những xe có đăng ký. Cũng đã có ý kiến cho rằng nên áp dụng chính sách hỗ trợ cho tất cả các chủ sở hữu xe công nông, xe tự chế 3, 4 bánh trên địa bàn tỉnh. Nếu thực hiện như vậy là trái với quy định của pháp luật vì theo quy định xe không có đăng ký cấp biển số, không đăng kiểm kỹ thuật thì không đảm bảo an toàn, không được phép lưu hành trên các tuyến đường bộ. Các chủ sở hữu cho lưu hành các xe không được đăng ký là trái pháp luật, bây giờ hỗ trợ cho họ thì chẳng khác nào chúng ta “tiếp tay” cho cái sai đó”.
Rõ ràng, hỗ trợ cho cả những chủ sở hữu xe công nông, xe tự chế 3, 4 bánh không có đăng ký là trái pháp luật. Song thực tế, những chủ sở hữu xe không được đăng ký phần lớn là những hộ nghèo. Vì nghèo nên họ mới sử dụng xe công nông, xe tự chế được lắp ráp từ các tổng thành ô tô cũ, động cơ từ máy bơm nước, động cơ 1 xi lanh. Nên chăng cần có chính sách hỗ trợ cho tất cả những chủ sở hữu xe công nông, xe tự chế 3, 4 bánh được thống kê trước ngày 31/12/2007. Vì thực tế số xe này đã được rà soát, thống kê, đóng khung lại, vĩnh viễn không còn phát sinh trong tương lai. Cùng với cơ chế chính sách hỗ trợ cần phải tiếp tục tổ chức thực hiện chủ trương này một cách đồng bộ, thống nhất trên địa bàn toàn tỉnh, tránh tình trạng nơi làm nghiêm, nơi thả nổi.
Mai Hoa
» Tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri (trước kỳ họp thứ 17, HĐND tỉnh)(20/12/2009) » Nghệ An: thu hút nhân tài - kinh phí đãi ngộ chưa tương xứng(20/12/2009) » Tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri trước kỳ họp thứ 13 - HĐND tỉnh khóa XV(15/08/2008) » Thường trực HĐND tỉnh yêu cầu UBND tỉnh giải quyết kiến nghị của cử tri và đại biểu HĐND tỉnh tại kỳ họp thứ chín(08/10/2007) » Thực hiện tốt quyền giám sát của nhân dân - cơ chế bảo đảm thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở(08/10/2007) » 6 nhóm vấn đề Cử tri kiến nghị đến kỳ họp thứ 8 - Hội đồng nhân dân Tỉnh khóa XV(23/12/2006) » Tất cả quyền lực thuộc về nhân dân(23/11/2006) » Nỗi niềm dân lòng hồ Thủy điện Bản Vẽ(14/10/2006) » Kỳ họp thứ 6 HĐND huyện Quỳ Hợp có bước chuyển biến mới(14/10/2006) » Ghi nhận từ Trung tâm Giáo dục - Dạy nghề người tàn tật Nghệ An(14/10/2006)