Thời gian hạn chế giao thông từ 17h30 chiều nay (10/9) đến khi Chi cục Đường thủy nội địa khu vực I có thông báo mới.
Cụ thể, hạn chế khu vực luồng qua khoang thông thuyền cầu Đáp Cầu, có lý trình Km 36+000 sông Cầu, thuộc địa bàn thành phố Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh và thị xã Việt Yên, tỉnh Bắc Giang.
Khu vực luồng qua khoang thông thuyền cầu Hồ, lý trình Km 31+000 sông Đuống, thuộc địa bàn thị xã Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh và huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh.
Khu vực luồng qua khoang thông thuyền cầu đường sắt Cẩm Lý, lý trình Km 12+000 sông Lục Nam, thuộc địa bàn huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang.
Khu vực luồng qua khoang thông thuyền cầu đường sắt Bắc Giang, lý trình Km 36+000 sông Thương, thuộc địa bàn thành phố Bắc Giang, tỉnh Bắc Giang.
Khu vực luồng qua khoang thông thuyền cầu đường sắt Đa Phúc, lý trình Km 04+000 sông Công, thuộc địa bàn huyện Sóc Sơn, thành phố Hà Nội và thành phố Phổ Yên, tỉnh Thái Nguyên.
Theo đó, cấm tất cả các phương tiện thủy lưu thông qua khu vực luồng khoang thông thuyền các cầu này, trừ các phương tiện thực hiện nhiệm vụ: cứu hộ, cứu nạn, điều tiết hướng dẫn bảo đảm an toàn giao thông.
Cơ quan này yêu cầu tất cả các phương tiện thủy nội địa khi đi đến khu vực trên phải tuyệt đối tuân theo sự hướng dẫn của lực lượng chức năng, điều tiết bảo đảm an toàn giao thông đường thủy nội địa, nghiêm chỉnh chấp hành Luật Giao thông đường thủy nội địa.
Cũng trong ngày hôm nay, Cục Đường thủy nội địa Việt Nam (Bộ GTVT) vừa có văn bản yêu cầu các cơ quan, đơn vị khẩn trương rà soát, kiểm tra, yêu cầu các phương tiện không neo đậu khu vực gần các công trình vượt sông.
Khi có phương tiện bị vướng vào trụ cầu, thông báo ngay về Cục Đường thủy nội địa Việt Nam và các cơ quan, đơn vị liên quan để kịp thời phối hợp xử lý, đảm bảo an toàn cho người, phương tiện và công trình cầu.
Cơ quan này cũng đề nghị các Sở Giao thông vận tải, Chi cục Đường thủy nội địa khu vực I kiểm tra, đôn đốc các đơn vị triển khai phương án phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, công tác điều tiết hướng dẫn giao thông, chống va trôi, đảm bảo an toàn cho người, phương tiện và công trình cầu vượt sông tại những vị trí trọng yếu trên tuyến đường thủy nội địa quốc gia; phối hợp xử lý các trường hợp phương tiện thuỷ nội địa trôi dạt, đắm trên đường thủy nội địa, hạn chế ảnh hưởng đến cầu đường bộ, cầu đường sắt để ra thông báo hạn chế giao thông kịp thời.
"Chỉ đạo lực lượng chức năng phối hợp với cơ quan liên quan tại địa phương kiểm tra các quy định về điều kiện hoạt động của phương tiện, việc trang bị, sử dụng áo phao cứu sinh, dụng cụ nổi cứu sinh tại các bến khách ngang sông trên địa bàn quản lý; yêu cầu chủ bến, chủ phương tiện phải neo đậu phương tiện trong thời gian ảnh hưởng của mưa, lũ để bảo đảm an toàn cho người và phương tiện.
Xử lý nghiêm các trường hợp không chấp hành Luật Giao thông đường thủy nội địa, phối hợp với cơ quan chính quyền địa phương trong quá trình mưa, lũ diễn biến phức tạp", văn bản nêu rõ.
Cục Đường thủy nội địa cũng yêu cầu cảng vụ đường thủy nội địa khu vực, cảng vụ đường thủy nội địa địa phương phối hợp với các cơ quan liên quan xử lý các phương tiện thủy nội địa trôi dạt, đắm trên đường thủy nội địa, hạn chế ảnh hưởng đến cầu đường bộ, cầu đường sắt.
Không cấp phép cho phương tiện rời cảng, bến trong thời gian, phạm vi ảnh hưởng của mưa, lũ; yêu cầu thuyền trưởng, người lái phương tiện hoặc chủ phương tiện phải có biện pháp khẩn cấp bảo đảm an toàn cho người, phương tiện và hàng hóa.
Phối hợp với các đơn vị liên quan của địa phương trong việc hướng dẫn nơi neo đậu, tránh trú an toàn cho các phương tiện và có các biện pháp đảm bảo an toàn về người, phương tiện khi có tình huống xảy ra.
Các đơn vị thực hiện công tác bảo trì, công tác điều tiết khống chế bảo đảm giao thông, chống va trôi trên các tuyến đường thủy nội địa quốc gia theo dõi chặt chẽ, nắm bắt kịp thời diễn biến của mưa, lũ trên các phương tiện thông tin đại chúng để triển khai phương án phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tại đơn vị, ứng phó với mọi diễn biến của thiên tai.
Có phương án bảo đảm an toàn hoặc thu hồi, bảo quản các đèn báo hiệu, biển hiệu, phao báo hiệu và phụ kiện; kịp thời triển khai lại hệ thống báo hiệu ngay sau lũ; kiểm tra, rà soát phao neo, trụ neo, báo hiệu khu vực neo đậu cho tàu, thuyền tránh trú bão, lũ trên tuyến đường thủy nội địa thuộc phạm vi quản lý; bố trí nhân lực, phương tiện, thiết bị phục vụ công tác phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn đảm bảo sẵn sàng ứng cứu.
Tăng cường công tác thường trực, kịp thời thông báo lực lượng chức năng khi phát hiện phương tiện neo đậu gần cầu (thượng lưu), thông báo kịp thời khi có sự cố, chủ động xử lý và phối hợp với các lực lượng khi có phương tiện trôi, vướng vào cầu.
PT