Tháng 10/2011, ông Nam tốt nghiệp đại học, hệ từ xa, chuyên ngành Quản trị kinh doanh và được UBND huyện chuyển xếp lương sang bậc 1, ngạch chuyên viên; mã số 01.003; hệ số lương 2,34; phụ cấp chức vụ 0,20 từ ngày 4/10/2011.
Ngày 4/10/2014, ông được nâng lương lên bậc 2, ngạch chuyên viên; mã số 01.003; hệ số lương: 2,67; phụ cấp chức vụ 0,20.
Thực hiện theo Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015, thị trấn của ông Nam thuộc xã loại II nên chỉ được bố trí 1 Phó Chủ tịch UBND. Do đó, tháng 8/2016, ông được Huyện ủy, UBND huyện bố trí sang làm Chủ tịch Hội Cựu chiến binh thị trấn.
Vì tuổi đời còn trẻ, tuổi quân thấp, cấp hàm trong quân đội nhỏ (hạ sĩ) không phù hợp cho công tác lãnh đạo Hội Cựu chiến binh thị trấn. Tháng 7/2017, Sở Nội vụ đồng ý cho UBND huyện tuyển dụng ông vào công chức Văn hóa-Xã hội cấp xã, theo trình độ chuyên môn là Trung cấp Quản lý văn hóa; xếp vào ngạch cán sự (01.004); bậc 3 hệ số 2,26 và hệ số chênh lệch bảo lưu 0,41 (hệ số này giảm tương ứng khi được nâng lương theo quy định); bảo lưu phụ cấp chức vụ 0,15 trong 6 tháng kể từ ngày 6/7/2017. Thời gian để tính nâng lương lần sau kể từ ngày 7/1/2016.
Ông Nam hỏi, việc chuyển xếp lương đối với ông như nêu trên có đúng quy định không?
Luật sư Trần Văn Toàn, Văn phòng luật sư Khánh Hưng - Đoàn luật sư Hà Nội trả lời vấn đề này như sau:
Điểm b, Khoản 5, Điều 3 Thông tư liên tịch số 03/2010/TTLT-BNV-BTC-BLĐTB&XH ngày 27/5/2010 của Bộ Nội vụ, Bộ Tài chính và Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội quy định, trường hợp thôi giữ chức danh cán bộ cấp xã và được bố trí làm công chức cấp xã, nếu đang xếp lương theo ngạch, bậc công chức hành chính và hưởng phụ cấp chức vụ lãnh đạo thì tiếp tục hưởng lương theo ngạch, bậc công chức hành chính đã được xếp và hưởng bảo lưu phụ cấp chức vụ lãnh đạo đang hưởng trong 6 tháng, sau đó thôi hưởng phụ cấp chức vụ lãnh đạo.
Ngày 5/12/2011, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 112/2011/NĐ-CP về công chức xã, phường thị trấn. Khoản 2, Điều 21 Nghị định này quy định, trường hợp người được tuyển dụng vào công chức cấp xã đã có thời gian công tác có đóng BHXH bắt buộc, chưa nhận trợ cấp BHXH một lần, được bố trí chức danh theo đúng chuyên ngành đào tạo hoặc theo đúng chuyên môn nghiệp vụ trước đây đã đảm nhiệm thì thời gian công tác có đóng BHXH bắt buộc được tính để làm căn cứ xếp lương phù hợp với chức danh công chức được tuyển dụng (trừ thời gian tập sự, thử việc theo quy định), thời gian công tác có đóng BHXH bắt buộc nếu đứt quãng thì được cộng dồn.
Ngày 20/10/2012, Bộ Nội vụ ban hành Thông tư số 06/2012/TT-BNV hướng dẫn về chức trách, tiêu chuẩn cụ thể, nhiệm vụ và tuyển dụng công chức xã, phường, thị trấn. Điều 19 Thông tư này hướng dẫn việc xếp lương đối với trường hợp đã có thời gian công tác có đóng BHXH bắt buộc khi được tuyển dụng vào công chức cấp xã quy định tại Khoản 2, Điều 21 Nghị định số 112/2011/NĐ-CP được xếp lương theo ngạch công chức hành chính quy định tại Điều 3 Thông tư liên tịch số 03/2010/TT-BNV-BTC-BLĐTB&XH.
Việc xếp lương khi tuyển dụng căn cứ vào thời gian công tác có đóng BHXH bắt buộc trước khi được tuyển dụng và trình độ đào tạo chuyên môn nghiệp vụ phù hợp với chức danh công chức được tuyển dụng.
Nếu có hệ số lương được xếp theo ngạch được tuyển dụng thấp hơn so với hệ số lương đã hưởng tại thời điểm được tuyển dụng vào công chức cấp xã thì được hưởng hệ số chênh lệch bảo lưu cho bằng hệ số lương đã hưởng. Hệ số chênh lệch bảo lưu này giảm tương ứng khi công chức cấp xã được nâng bậc lương.
Bằng cấp để xếp lương phải phù hợp vị trí công việc
Khoản 3, Điều 156 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 quy định, trong trường hợp các văn bản quy phạm pháp luật do cùng một cơ quan ban hành có quy định khác nhau về cùng một vấn đề thì áp dụng quy định của văn bản quy phạm pháp luật ban hành sau.
Trường hợp ông Lê Văn Nam có Bằng Đại học Quản trị kinh doanh và Bằng Trung cấp Quản lý văn hóa, khi thôi giữ chức danh cán bộ cấp xã, mà được tuyển dụng, bố trí vào chức danh công chức cấp xã phù hợp với Bằng Đại học Quản trị kinh doanh, thì ông sẽ tiếp tục được hưởng lương theo ngạch, bậc công chức hành chính đã được xếp và hưởng bảo lưu phụ cấp chức vụ lãnh đạo đang hưởng trong 6 tháng, sau đó thôi hưởng phụ cấp chức vụ lãnh đạo theo Điểm b, Khoản 5, Điều 3 Thông tư liên tịch số 03/2010/TTLT-BNV-BTC-BLĐTBXH và hướng dẫn tại Khoản 1, Điều 19 Thông tư số 06/2012/TT-BNV
Nhưng yêu cầu tuyển dụng là chức danh công chức Văn hóa–Xã hội cấp xã. Bằng Đại học Quản trị kinh doanh được cơ quan quản lý công chức đánh giá là không phù hợp với chức danh công chức được tuyển dụng. Bằng Trung cấp Quản lý văn hóa mới phù hợp với chức danh công chức được tuyển dụng, cho nên ông Nam được tuyển dụng, bổ nhiệm chức danh công chức Văn hóa–Xã hội cấp xã, xếp lương ngạch cán sự là có cơ sở.
Thời gian công tác cán bộ cấp xã của ông Nam từ tháng 7/2011 đến khi được tuyển dụng vào công chức cấp xã vào tháng 7/2017 là 6 năm. Việc xếp lương ở ngạch có trình độ đào tạo trung cấp thực hiện theo hướng dẫn tại Khoản 1, Điều 19 Thông tư số 06/2012/TT-BNV, cứ sau mỗi khoảng thời gian 2 năm (đủ 24 tháng) thì được xếp lên 1 bậc lương trong ngạch cán sự.
Khi được tuyển dụng vào công chức Văn hóa–Xã hội cấp xã ông Nam được xếp lương bậc 3 ngạch cán sự hệ số 2,26 tương ứng với thời gian đã công tác 6 năm là phù hợp quy định.
Thời điểm trước khi được tuyển dụng công chức, ông Nam là cán bộ cấp xã, giữ chức danh Chủ tịch Hội Cựu chiến binh, đang hưởng lương bậc 2 ngạch chuyên viên, hệ số 2,67, cộng với phụ cấp chức vụ 0,15. Căn cứ Khoản 2, Điều 19 Thông tư số 06/2012/TT-BNV, trường hợp ông Nam có hệ số lương được xếp theo ngạch cán sự thấp hơn so với hệ số lương đã hưởng tại thời điểm được tuyển dụng vào công chức cấp xã, nên được hưởng hệ số chênh lệch bảo lưu (0,41) cho bằng hệ số lương đã hưởng (2,67).
Hệ số chênh lệch bảo lưu này giảm tương ứng khi ông Nam được nâng bậc lương. Đồng thời, ông được bảo lưu phụ cấp chức vụ 0,15 trong 6 tháng kể từ ngày 6/7/2017 là phù hợp quy định.
Luật sư Trần Văn Toàn
VPLS Khánh Hưng, Đoàn luật sư Hà Nội
* Thông tin chuyên mục có giá trị tham khảo với người đọc, không dùng làm tài liệu trong tố tụng pháp luật.