In bài viết

Cán bộ xã thôi việc có được hưởng trợ cấp?

(Chinhphu.vn) - Bà Trần Thị Phương Nhã làm cán bộ không chuyên trách ở UBND phường Long Bình, Quận 9, TPHCM từ tháng 4/2007. Tháng 10/2008, bà thi đỗ công chức. Tháng 12/2008, bà được luân chuyển sang UBND phường Long Thạnh Mỹ, chức danh công chức Văn phòng–Thống kê. Ngày 6/11/2017, bà làm Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ phường.

30/06/2019 07:02

Tháng 8/2018, bà Nhã xin thôi việc, nhưng không nhận được trợ cấp thôi việc, trợ cấp thất nghiệp mặc dù có thời gian công tác 11 năm 4 tháng (trong đó thời gian làm cán bộ không chuyên trách là 18 tháng, công chức phường là 9 năm 1 tháng, cán bộ chuyên trách phường là 9 tháng). Bà Nhã hỏi, cơ quan có giải quyết đúng chế độ thôi việc cho bà không?

Về vấn đề này, Luật sư Trần Văn Toàn, Văn phòng luật sư Khánh Hưng - Đoàn luật sư Hà Nội trả lời như sau:

Hiện nay, Nghị định số 92/2009/NĐ-CP ngày 22/10/2009 của Chính phủ quy định về chức danh, số lượng, một số chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức ở xã, phường, thị trấn và những người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã (tình trạng còn hiệu lực) và Thông tư liên tịch số 03/2010/TTLT-BNV-BTC-BLĐTBXH ngày 27/5/2010 của Bộ Nội vụ, Bộ Tài chính và Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, không thấy có quy định về chế độ trợ cấp thôi việc đối với cán bộ chuyên trách giữ chức vụ bầu cử theo nhiệm kỳ ở cấp xã và những người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã.

Trường hợp bà Trần Thị Phương Nhã, có thời gian 18 tháng (từ tháng 4/2007 đến tháng 10/2008) tham gia hoạt động không chuyên trách ở phường Long Bình, và trước khi xin thôi việc bà có thời gian 9 tháng (từ tháng 11/2017 đến tháng 8/2018) được luân chuyển từ chức danh công chức sang chức danh cán bộ chuyên trách phường Long Thạnh Mỹ (Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ phường), tổng cộng 27 tháng làm việc này không có căn cứ pháp luật để giải quyết chế độ thôi việc.

Đối với thời gian 9 năm 1 tháng (từ tháng 10/2008 đến tháng 11/2017) bà Nhã công tác với chức danh công chức ở phường (2 tháng ở phường Long Bình và 8 năm 11 tháng ở phường Long Thạnh Mỹ); áp dụng quy định tại Điểm a, Khoản 1 và  Khoản 2, Điều 29 Nghị định số 112/2011/NĐ-CP ngày 5/12/2011 của Chính phủ về công chức, xã, phường thị trấn và các Điều 4, 5, 6 và 8 Nghị định số 46/2010/NĐ-CP ngày 27/4/2010 của Chính phủ quy định về thôi việc và thủ tục nghỉ hưu đối với công chức, khi bà Nhã có đơn xin thôi việc theo nguyện vọng và được UBND Quận 9 đồng ý, thì được tính hưởng trợ cấp thôi việc.

Trợ cấp thôi việc đối với công chức cấp xã: Điểm a, Khoản 1 và  Khoản 2, Điều 29 Nghị định số 112/2011/NĐ-CP quy định: Công chức cấp xã được hưởng chế độ thôi việc trong trường hợp thôi việc theo nguyện vọng và được UBND cấp huyện đồng ý.

Thủ tục giải quyết thôi việc, trợ cấp thôi việc, thời gian làm việc được tính trợ cấp thôi việc, chế  độ BHXH khi thôi việc đối với công chức cấp xã được áp dụng theo quy định tại các Điều 4, 5, 6 và 8 Nghị định số 46/2010/NĐ-CP. Theo đó:

Công chức thôi việc được hưởng trợ cấp thôi việc như sau: Cứ mỗi năm làm việc được tính bằng ½ (một phần hai) tháng lương hiện hưởng, gồm: Mức lương theo ngạch, bậc, phụ cấp chức vụ lãnh đạo, phụ cấp thâm niên vượt khung, phụ cấp thâm niên nghề và hệ số chênh lệch bảo lưu lương (nếu có). Mức trợ cấp thấp nhất bằng 1 tháng lương hiện hưởng.

Thời gian làm việc được tính trợ cấp thôi việc là tổng thời gian tính theo năm có đóng BHXH (nếu đứt quãng thì được cộng dồn) chưa nhận trợ cấp thôi việc. Nếu có tháng lẻ thì được tính như sau: Dưới 3 tháng thì không tính, từ đủ 3 tháng đến đủ 6 tháng thì được tính bằng ½  năm làm việc, từ trên 6 tháng đến 12 tháng thì được tính bằng 1 năm làm việc.

Như vậy, đối với thời gian công tác 9 năm 1 tháng ở vị trí công chức phường, khi thôi việc theo nguyện vọng, được UBND quận đồng ý, bà Trần Thị Phương Nhã sẽ được tính hưởng trợ cấp thôi việc với thời gian làm tròn 9 năm, cứ mỗi năm làm việc được tính bằng 1/2 tháng lương hiện hưởng trước khi thôi việc (½ tháng lương x 9 năm = 4,5 tháng lương).

Nguồn kinh phí chi trả trợ cấp thôi việc được bố trí trong dự toán chi hoạt động thường xuyên được giao hàng năm của UBND phường nơi bà Nhã thôi việc.

Nếu chưa được giải quyết chế độ trợ cấp thôi việc đối với thời gian công tác ở vị trí công chức phường, bà Nhã cần có đơn đề nghị gửi Chủ tịch UBND quận, Chủ tịch UBND phường nơi thôi việc, yêu cầu giải quyết chế độ thôi việc theo quy định.

Ngoài ra, khi thôi việc bà Nhã được BHXH và cơ quan chốt sổ BHXH, xác nhận thời gian đã tham gia đóng BHXH tính đến thời điểm thôi việc.

Do người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, cán bộ chuyên trách cấp xã và công chức cấp xã không thuộc đối tượng tham gia BHTN, nên khi thôi việc bà Nhã không được hưởng chế độ BHTN.

Luật sư Trần Văn Toàn

VPLS Khánh Hưng, Đoàn luật sư Hà Nội

* Thông tin chuyên mục có giá trị tham khảo với người đọc, không dùng làm tài liệu trong tố tụng pháp luật.