Thay mặt Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam trân trọng ghi nhận nỗ lực của toàn ngành tài nguyên và môi trường (TN&MT), đã góp phần quan trọng cùng với Chính phủ, cả nước hoàn thành cơ bản các chỉ tiêu đã đề ra trong điều kiện rất nhiều khó khăn.
"Chúng ta đã đạt được kết quả toàn diện, nhiều mặt nổi bật, có sự đóng góp không thể thiếu của ngành TN&MT", Phó Thủ tướng nói và tin tưởng với bề dày truyền thống, tích lũy được nhiều kiến thức, kinh nghiệm quý báu, ngành TN&MT sẽ tiếp tục phát triển mạnh mẽ trong giai đoạn tới, đáp ứng được yêu cầu phát triển của đất nước.
Theo Phó Thủ tướng, ngành TN&MT là ngành có vai trò, vị trí rất quan trọng, không chỉ quản lý các nguồn lực, tài nguyên là đầu vào của nền kinh tế mà còn liên quan nhiều mặt đến đời sống của từng người dân, từng gia đình.
Trong quá trình chuyển đổi nền kinh tế, ngay từ đầu, lĩnh vực TN&MT vừa là đối tượng, vừa là chủ thể mở đường cho nhiều chính sách đổi mới. Dù vậy, đến nay, vấn đề tài nguyên, trong đó đặc biệt là đất đai, còn hiện hữu nhiều bất cập, khó khăn, bởi vì phải giải quyết hài hòa mối quan hệ lợi ích công cộng, doanh nghiệp và từng người dân. Đây cũng là khó khăn của nhiều nước trên thế giới.
Tuy nhiên, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, ngành TN&MT đã hết sức nỗ lực, trách nhiệm, trí tuệ, bám sát chủ trương của Đảng, dần hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật về tài nguyên, đất đai, môi trường.
Đồng tình với định hướng, mục tiêu, nhiệm vụ mà Bộ TN&MT đã xác định trong năm 2023 "bước sang một bậc thang mới", Phó Thủ tướng chia sẻ về việc phải khơi dậy khát vọng và tinh thần sáng tạo để đạt được những mục tiêu rất cao mà Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng đã đề ra. Đó là trở thành nước công nghiệp phát triển vào năm 2045, người dân có cuộc sống hoà bình, an toàn, văn hoá và một nền sản xuất hiện đại.
Cụ thể, để thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình, giai đoạn 2021-2030, Việt Nam phải tăng trưởng trung bình 7%/năm, từ năm 2031 trở đi phải tăng trưởng trung bình 6,5-7%/năm.
Điểm lại tốc độ tăng trưởng trung bình hàng năm trong hơn 30 năm Đổi mới, Phó Thủ tướng cho rằng những mục tiêu đặt ra không hề đơn giản, chưa kể khi quy mô nền kinh tế càng lớn thì tăng trưởng tốc độ cao càng khó khăn.
Bên cạnh đó, yêu cầu phát triển hiện nay không chỉ tăng trưởng nhanh, đơn thuần mà còn phải bền vững, từ bảo vệ môi trường đến chú trọng các vấn đề văn hóa, xã hội; không để ai bị bỏ lại phía sau; xây dựng môi trường sống hoà bình, hợp tác, hoà hợp với thiên nhiên.
Phó Thủ tướng phân tích: Hiện nay, dân số Việt Nam đứng thứ 15 trên thế giới nhưng thu nhập GDP bình quân đầu người ở vị trí ngoài 120 trên thế giới, là nước thu nhập trung bình thấp. Vì vậy, tất cả các chỉ số phát triển của Việt Nam theo đánh giá của các tổ chức quốc tế, chỉ số nào từ thứ 70 trở xuống là đáng khen, thứ dưới 50 là rất tốt (giáo dục phổ thông, đổi mới sáng tạo). Các chỉ số về phát triển bền vững của Việt Nam luôn được xếp hạng ở vị trí cao, nhiều năm ở vị trí dưới 50, năm nay là thứ 55.
Phó Thủ tướng khẳng định phát triển bền vững là định hướng phát triển rất đúng đắn của Đảng, Nhà nước, trong đó có sự đột phá của ngành TN&MT. Đó là cân đối giữa vùng có động lực phát triển mạnh và vùng khó khăn, hài hòa trong từng bước phát triển thay vì chỉ ưu tiên chỗ thuận lợi thì vẫn dành đầu tư cho vùng khó khăn, dù hiệu quả, tốc độ tăng trưởng kinh tế bị chậm lại.
"Phát triển nhanh nhưng phải bền vững giống như gánh hai thùng nước đầy mà vẫn đi rất nhanh, không để sánh nước ra ngoài", Phó Thủ tướng ví von và nêu rõ yêu cầu phải khơi dậy khát vọng, quán triệt mục tiêu phát triển bền vững, đúng xu thế, tăng cường đổi mới sáng tạo.
Trước hết là đưa tất cả các yếu tố sáng tạo vào để khơi thông các nguồn lực trong xã hội, tháo gỡ các vướng mắc, phát triển một nền hành chính hiện đại, tăng cường phân cấp hơn nữa. "Các địa phương chờ hướng dẫn là đúng nhưng không thể chờ hướng dẫn những thứ cụ thể, chi tiết mà theo quy định có thể giải quyết được", Phó Thủ tướng nói và lưu ý đến xu thế chuyển đổi số mạnh mẽ hiện nay.
Ngành TN&MT là một trong những ngành thực hiện rất mạnh chuyển đổi số như xử lý hồ sơ công việc trên môi trường điện tử, xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai với mục tiêu "mỗi thửa đất cũng có một số định danh".
Bên cạnh đó, ngành TN&MT cần khuyến khích, cổ vũ những cách làm mới, những ý tưởng ban đầu dù nghe có vẻ lạ tai, hơi khác thường ngay từ cơ sở, của từng chuyên viên.
"Chỉ có bằng cách làm khác chúng ta mới vượt ra quy luật bình thường để duy trì tốc độ tăng trưởng cao khi quy mô nền kinh tế càng lớn", Phó Thủ tướng nói.
Phó Thủ tướng cũng chỉ ra những "dư địa" mà ngành TN&MT có thể làm tốt hơn từ đó tạo ra những nguồn lực tốt hơn cho nền kinh tế đất nước. Đó là quản lý tài nguyên môi trường biển, tài nguyên môi trường đất liền, công nghiệp hạ tầng cơ sở.
"Tuy nhiên đây không chỉ là nhiệm vụ, trách nhiệm của riêng Bộ TN&MT, và cần tăng cường sự phối hợp với các bộ, ngành, các cấp, cơ quan, đoàn thể để lan tỏa ra toàn xã hội, hình thành lối ứng xử phù hợp của từng công dân, từng tổ chức trong các lĩnh vực này", Phó Thủ tướng nói và đánh giá cao nỗ lực, tầm nhìn, tinh thần trách nhiệm rất mãnh liệt của Bộ TN&MT liên quan đến các vấn đề bảo vệ môi trường, phát triển bền vững.
Về một số nhiệm vụ trước mắt, Phó Thủ tướng đề nghị Bộ TN&MT kiên trì, trách nhiệm trong ghi nhận, tiếp thu tối đa, cầu thị, khoa học; có sự trao đổi, phân tích xu thế qua các ý kiến đóng góp về Luật Đất đai, Luật Tài nguyên nước.
Bộ TN&MT đẩy mạnh đầu tư nghiên cứu một số vấn đề mới đặt ra như đo đạc, quan trắc các khu vực có nguy cơ bị sạt lở, lụt quét; nghiên cứu, khảo sát địa chất, môi trường biển…
Trong hợp tác quốc tế về tài nguyên, môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu, Bộ TN&MT tiếp tục đẩy mạnh tổ chức thực hiện các cam kết quốc tế; khẳng định vị thế đi trước, đúng xu thế thế giới và đưa ra những sáng kiến, mô hình hợp tác mới của Việt Nam.
Đình Nam