|
Rừng phòng hộ Ba Rền đang ngày đêm bị tàn phá. Việc khai thác và vận chuyển gỗ trái phép diễn ra thường xuyên, dù có mặt các lực lượng chức năng. Thuê một thuyền máy chạy dọc sông Long Đại, sau hơn 3 giờ, chúng tôi cập bến Khe Cập, đến với rừng nguyên sinh Ba Rền. Thường ngày, vào mỗi buổi chiều, Khe Cập là điểm tập kết gỗ lậu.
Trong vai đi khảo sát mỏ địa chất, chúng tôi tiếp cận một lán nhỏ có 6 lâm tặc. Những người này tỏ ra rất thận trọng với người lạ. Nhưng với cách ngụy trang khéo léo, sau một vài câu chuyện, họ rót rượu đãi khách “địa chất”. Qua câu chuyện, chúng tôi được biết, trong nhóm này có một đầu nậu gỗ có tiếng ở Cổ Hiền (xã Hiền Ninh, huyện Quảng Ninh). Với lý do đi công việc, chúng tôi men theo con đường mòn có dấu gỗ kéo lê trên đất, đi sâu vào rừng.
Đi sâu chừng 15km thì bắt đầu nghe thấy tiếng cưa máy. Tới nơi, đập vào mắt chúng tôi là một quang cảnh tan hoang. Nhiều cây gỗ bị cưa hạ để lại trơ gốc, nhựa cây ứa khô. Để khai thác một cây gỗ hàng chục năm tuổi, lâm tặc phải phát quang những thân cây nhỏ hơn và tạo đường để đưa gỗ ra, mỗi cây như thế chúng triệt hạ một khoảnh rừng khoảng 50 m2. Cứ cách 100m lại có những khoảng rừng trống như thế.
Tại đây, nhiều chủ nậu tiếp cận rừng rất tinh vi, bằng cách trả lương cho các đội sơn trang. H., một thợ được thuê thú nhận, được trả lương tháng ba triệu đồng, mỗi tháng phải cật lực khai thác mới nhận được hai triệu đồng, một triệu bị giữ lại để “làm tin”.
Trời về chiều, chúng tôi về lại Khe Cập. Từ mọi nơi, gỗ đã ra đầy bến. Một nguồn tin cho biết, mỗi đêm, nhiều bè gỗ sẽ về xuôi, việc này thường thực hiện sau 24 giờ. Số lượng gỗ được vận chuyển về xuôi chủ yếu của các chủ đầu nậu ở các bản Câm Sen, bản Lâm Sinh, trước đó, họ dùng trâu tập kết về Khe Cập, Khe Chuối, Khe Lùi. Được biết, ở các bản, các khe hiện có hàng trăm người tham gia khai thác, vận chuyển gỗ, thậm chí có cả đại gia đình chuyên đi khai thác gỗ.
Theo chỉ dẫn, gần nửa đêm, chúng tôi có mặt tại trụ cầu Long Đại. Cách đó không xa là trạm kiểm lâm Long Đại, chốt ngay bờ sông. Từng chiếc thuyền cole, đóng máy Honda “cân” hai bên mạn thuyền từ hai đến ba khối gỗ, cứ khoảng 20 phút chúng vượt trạm một lần. Người dẫn đường cho biết, “chi phí mỗi đò lọt xuôi không ít hơn hai triệu đồng”.
Rừng Ba Rền đang ngày đêm bị chặt phá, gỗ lậu thường xuyên được vận chuyển bằng tuyến đường sông từ Ba Rền về Quảng Ninh. Điều này khiến dư luận không khỏi băn khoăn khi ở đầu nguồn có trạm kiểm soát thuộc Lâm trường Ba Rền, cuối sông có trạm Kiểm lâm Long Đại.
Đại diện Hạt Kiểm lâm Quảng Ninh cho biết, họ có biết sự việc phá rừng Ba Rền và đã tiến hành truy quét trong hai tuần, thu được… 2m3 gỗ lậu(!) Trong khi đó UBND huyện Quảng Ninh đã yêu cầu chủ rừng là Ban Quản lý rừng phòng hộ Ba Rền tập trung truy quét lâm tặc để giữ rừng. Tuy nhiên, qua tìm hiểu, Ban Quản lý gần như bất lực trước đám lâm tặc.
Nguyễn Oanh