Các đại biểu cho rằng cần chế tài mạnh, đủ sức răn đe để quản lý vật liệu nổ, giảm thiểu rủ ro gây ra tai nạn lao động. |
Cần chế tài đủ mạnh
Theo thống kê của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội tại buổi tọa đàm trực tuyến Mô hình kinh tế chia sẻ trong hoạt động cung ứng vật liệu nổ công nghiệp do Truyền hình Thông tấn tổ chức ngày 23/8, tai nạn trong khai thác đá đang chiếm gần 20% tổng số vụ tai nạn đặc biệt nghiêm trọng, trong đó, các sự cố, tai nạn do khâu nổ mìn trên mỏ đã gây ra thiệt hại lớn về người.
Gần đây nhất, ngày 1/6/2020, tại khu vực khai thác mỏ đá của Công ty trách nhiệm hữu hạn Đầu tư Thương mại và Dịch vụ Hoàng Anh (Điện Biên) đã xảy ra vụ tai nạn nghiêm trọng khiến 2 người chết, 1 người mất tích. Nguyên nhân là do trong quá trình rải dây để đấu nối nổ mìn phá đá tại công trường, mưa dông kèm theo sét đánh đã khiến mìn nổ bất ngờ, khối lượng lớn đá sạt xuống chôn vùi ba người.
Theo ông Hà Tất Thắng – Cục trưởng Cục An toàn lao động, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, mối nguy hiểm có thể đến từ ngay khâu lưu trữ vật liệu nổ tại các kho, sơ suất trong việc vận chuyển tới địa điểm nổ, tai nạn trong quá trình nổ mìn, bớt xén quy trình trong khi xử lý và thu hồi vật liệu thừa… Nguyên nhân chủ quan chính là do sự đầu tư của doanh nghiệp không bài bản, ý thức của những người sử dụng lao động không chú ý tới an toàn lao động, thiếu các biện pháp phòng chống cháy nổ, nhất là tại các kho nhỏ, kho tạm. Đội ngũ công nhân tham gia nổ mìn chưa được đào tạo, cấp chứng chỉ, thiếu kinh nghiệm làm việc… cũng là nguyên nhân khiến cho nhiều tai nạn đáng tiếc xảy ra, nhất là với các doanh nghiệp nhỏ.
Tính đến năm 2020, cả nước còn 1.282 kho vật liệu nổ công nghiệp, với nhiều kho chứa vật liệu nổ công nghiệp nhỏ lẻ. Điều này đặt ra nhiều thách thức đối với công tác quản lý và sử dụng vật liệu nổ công nghiệp hiện nay. Về vấn đề này, ông Phùng Đức Thắng – Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát Quản lí hành chính về trật tự xã hội, Bộ Công an nhấn mạnh, quản lý các kho VLNCN không tốt còn làm xảy ra nguy cơ thất thoát, gây ảnh hưởng đến tình hình an ninh trật tự. Hoặc làm phức tạp hơn tình hình mua bán, vận chuyển và sử dụng VLNCN trái phép.
Ông Nguyễn Văn Sáng, Tổng Giám đốc Tổng Công ty công nghiệp Hóa chất mỏ - Vinacomin cũng cho rằng, giải pháp để bảo đảm an toàn lao động trong quá trình sử dụng vật liệu nổ công nghiệp phải thực hiện đồng bộ từ yếu tố con người, cơ sở kỹ thuật, quản trị và giám sát, cơ chế giảm thiểu rủi ro.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp có thể lựa chọn loại vật liệu nổ phù hợp, lành tính hơn, tăng cường cơ giới hóa, ứng dụng công nghệ thông tin để thay thế cho phương pháp làm thủ công, giảm nguy cơ mất an toàn, chống thất thoát vật tư.
Tuy nhiên, biện pháp quan trọng nhất là phải có chế tài xử lý những vụ việc liên quan đến hoạt động vật liệu nổ công nghiệp cứng rắn hơn thì mới đủ tính răn đe, hạn chế tối đa những vụ việc liên quan.
Ông Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội cho rằng, thay vì công tác hậu kiểm như hiện nay, phải tăng cường thanh tra, giám sát từ khâu tiền kiểm. Cơ quan chức năng tại địa phương cần được đề cao để đào tạo lực lượng tại chỗ, kịp thời phát hiện, ngăn ngừa, chỉ ra sai sót để ngăn chặn. Thậm chí, trong quá trình thanh tra, kiểm tra, nếu doanh nghiệp triển khai có sai phạm thì cần rút giấy phép hoạt động.
Tiến tới quy hoạch mạng lưới kho vật liệu nổ công nghiệp
Các chuyên gia nhấn mạnh, hoạt động sử dụng, bảo quản và cung ứng sử dụng VLNCN có liên quan mật thiết đến an ninh quốc phòng, an toàn trật tự xã hội. Chính vì vậy, trong thời gian tới, cần đánh giá và quy hoạch lại mạng lưới kho chứa VLNCN trong toàn quốc, vừa đáp ứng nhu cầu sử dụng, vừa bảo đảm an toàn trong việc quản lý và sử dụng VLNCN.
Thống kê của ngành công thương cho thấy, năm 2010 là năm có số kho vật liệu nổ công nghiệp trong cả nước được cấp phép cao nhất là: 2116 cụm kho. Đến năm 2020, cả nước còn 1.282 kho vật liệu nổ. Dù số kho VLNCN trên cả nước đã có chiều hướng giảm, song tại một số địa phương vẫn còn tồn tại số kho vật liệu nổ rất lớn, như Thanh Hóa có gần 130 kho, Nghệ An gần 100 kho, nhiều tỉnh phía bắc như Cao Bằng 90 kho, Hà Giang 63 kho, Lào Cai 64 kho, Hòa Bình 66 kho... Các kho VLNCN nhỏ lẻ sẽ làm tăng sự phức tạp trong việc quản lý VLNCN, tiềm ẩn những nguy cơ mất an toàn trong việc quản lý và sử dụng VLNCN.
Theo ông Bùi Sỹ Lợi, nên từng bước giao toàn bộ kho chứa VLNCN cho đơn vị cung ứng vì đây là những đơn vị có chuyên môn cao, đủ năng lực cơ sở vật chất thì mới có thể tổ chức thực hiện có hiệu quả, giảm nguy cơ gây mất an toàn trong bảo quản VLNCN.
Trong đó các mô hình cung ứng, sử dụng VLNCN chuyên nghiệp, khép kín từ khâu thiết kế khai thác mỏ, đánh giá tác động nổ mìn, đánh giá tác động môi trường mỏ, đến vận chuyển VLNCN, khoan nổ mìn như Tổng Công ty Công nghiệp Hóa chất mỏ Vinacomin sẽ góp phần giảm thiểu nguy cơ mất an toàn lao động; bảo đảm an ninh, an toàn trật tự xã hội. Bản thân phía doanh nghiệp cũng giảm chi phí đầu tư xây dựng kho, giảm quỹ đất xây dựng kho, giảm chi phí vận hành kho hàng năm, đồng thời nâng cao chất lượng, năng suất lao động và tối ưu hóa sử dụng nguồn lực xã hội trong lĩnh vực này.
Tại hội thảo, các đại biểu nhấn mạnh để xây dựng, phát triển ngành VLNCN Việt Nam theo hướng bền vững, trở thành một ngành công nghiệp tiên tiến, ít tác động xấu đến môi trường thì trên hết cần xác định vị trí, vai trò quan trọng của VLNCN đối với phát triển kinh tế đất nước, an ninh, quốc phòng và trật tự an toàn xã hội. Đồng thời, cần hoàn thiện cơ chế, chính sách quản lý nhà nước đối với ngành VLNCN theo hướng luật hóa các quy định hiện hành, tạo hành lang pháp lý đầy đủ và có tính hệ thống cho quản lý và phát triển bền vững.