Thực phẩm hữu cơ cần bộ tiêu chí chứng nhận. Ảnh: VGP/Đỗ Hương |
Sói Biển là chuỗi cửa hàng thực phẩm sạch có uy tín đang được khách hàng tại Hà Nội tin tưởng. Cửa hàng Sói Biển luôn đông khách, luôn sẵn có hải sản và các loại thực phẩm sạch tươi sống về hằng ngày. Tuy nhiên, khi phát triển ngành hàng rau sạch với định hướng sẽ trồng rau 100% hữu cơ thì doanh nghiệp này lại vướng phải khó khăn về vấn đề chứng nhận cho sản phẩm hữu cơ.
Đại diện chuỗi cửa hàng thực phẩm sạch Sói Biển đặt một loạt câu hỏi với các nhà hoạch định chính sách: “Khi nào Bộ NN&PTNT sẽ đưa ra được tiêu chuẩn sản phẩm hữu cơ và thành lập cơ quan chuyên trách cấp giấy chứng nhận sản phẩm hữu cơ, trong khi đây là là nền tảng cơ bản phát triển ngành hữu cơ của Việt Nam? Bao giờ thống nhất được một cơ quan kiểm tra giám sát cửa hàng kinh doanh thực phẩm sạch?”...
Hiện nay, doanh nghiệp vẫn có thể đăng ký với Tổ chức Control Union để họ kiểm định quá trình canh tác và cấp chứng nhận hữu cơ như cách Viễn Phú hay Tập đoàn TH đã làm. Tuy nhiên như ông Trần Mạnh Chiến, Giám đốc chuỗi cửa hàng thực phẩm sạch Bác Tôm chia sẻ: “Chi phí để các tổ chức nước ngoài cấp chứng nhận sản phẩm hữu cơ mỗi năm tính ra khoảng 4.000 đến 5.000 USD. Trong khi đó, sản xuất trong nước còn rất manh mún, nếu chỉ mời tổ chức nước ngoài chứng nhận cho khoảng 1 ha rau thì giá thành sẽ đội lên rất cao, sản phẩm sẽ kém cạnh tranh”.
Bên cạnh các chứng nhận từ Control Union, một chứng nhận hữu cơ khác được Liên đoàn quốc tế các phong trào nông nghiệp hữu cơ (IFOAM) phát triển cũng có mặt tại nước ta là PGS Việt Nam.
Điểm hạn chế là triết lý hệ thống chứng nhận hữu cơ PGS Việt Nam (Hệ thống bảo đảm các bên cùng tham gia) chỉ hướng đến những hộ nông dân nhỏ giúp họ canh tác và đưa sản phẩm hữu cơ ra thị trường chứ chưa hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất nhỏ. Một điểm hạn chế khác nữa của PGS Việt Nam là hiện cơ quan này mới chỉ có mặt ở Hà Nội, Hòa Bình, Hà Nam, Quảng Nam và Bến Tre.
Tuy nhiên, điều quan trọng nhất khiến nhiều doanh nghiệp còn thờ ơ với các chứng nhận nói trên là do đây chỉ là chứng nhận quá trình sản xuất còn thực tế chứng nhận một sản phẩm là sản phẩm hữu cơ thì đến nay Bộ NN&PTNT vẫn chưa có bộ tiêu chí cụ thể. Điều đó đồng nghĩa với việc các chứng nhận không có giá trị pháp lý để minh chứng các sản phẩm được sản xuất theo phương pháp hữu cơ... là các sản phẩm hữu cơ.
Xúc tiến xây dựng bộ tiêu chí nông sản hữu cơ
Nếu đánh đồng thực phẩm an toàn là thực phẩm hữu cơ thì người tiêu dùng sẽ thất vọng với tương lai hữu cơ hóa ngành trồng trọt. Thực tế, thực phẩm an toàn bao gồm cả những thực phẩm được canh tác có sử dụng các loại thuốc trừ sâu, thuốc bảo vệ thực vật... nhưng sử dụng đúng liều lượng, quy trình và thời gian cách ly trước khi đưa ra thị trường.
Quy trình này hiện đã được Bộ NN&PTNT đưa ra trong bộ tiêu chí trồng trọt theo VietGAP. Người tiêu dùng có thể an tâm sử dụng các thực phẩm được cung cấp từ các đơn vị thực hành nông nghiệp theo VietGAP, bởi quy chuẩn chất lượng này giúp người tiêu dùng có thể truy xuất được nguồn gốc của sản phẩm. Cùng với đó, toàn bộ quá trình chăm sóc và sản xuất của rau, quả đã được ghi trong nhật ký của người sản xuất...
Nhưng thực phẩm hữu cơ thì đòi hỏi một môi trường canh tác khá lý tưởng. Nông nghiệp hữu cơ không chỉ đơn thuần là sản xuất nông nghiệp không hóa chất mà nó đòi hỏi phải duy trì và tăng cường "sức khỏe" của đất, thực vật, động vật, con người. Không những vậy, nông nghiệp hữu cơ phải dựa trên hệ sinh thái và các chu trình sinh vật sống, cùng làm việc, đồng đẳng và giúp nhau tồn tại. Quan trọng hơn hết, nông nghiệp hữu cơ phải được quản lý một cách thận trọng và có trách nhiệm để bảo vệ sức khỏe con người, môi trường, phúc lợi cho thế hệ hiện tại và tương lai.
Chính những yêu cầu khắt khe như vậy khiến sản phẩm hữu cơ thực sự luôn có giá rất đắt so với các thực phẩm khác.
Tiến sĩ Nguyễn Quốc Vọng, một trong những người góp phần cùng Bộ NN&PTNN xây dựng VietGAP từ năm 2008 chia sẻ câu chuyện tại Australia - nơi ông gắn bó nhiều năm làm nghiên cứu về nông nghiệp.
Tại Australia, người tiêu dùng ít có nhu cầu hoặc không khao khát dùng sản phẩm hữu cơ vì sản phẩm bình thường của họ đã là an toàn rồi. Thêm nữa, giá thực phẩm hữu cơ đắt gấp 3-4 lần sản phẩm bình thường. Đối tượng dùng thực phẩm hữu cơ là những người thường quan tâm đến sức khỏe như phụ nữ hoặc những người dễ dị ứng với hóa chất. Vì vậy, thị trường thực phẩm hữu cơ không lớn. Nhưng ở Việt Nam, chúng ta đang đối mặt với vấn nạn thực phẩm “bẩn” nên người Việt lại “phát sốt” với nông nghiệp hữu cơ để tìm kiếm sự an toàn và an tâm.
Theo ông Ma Quang Trung, Cục trưởng Cục Trồng trọt, hiện nay Bộ NN&PTNT mới có tiêu chuẩn, quy chuẩn về VietGap (thực hành nông nghiệp tốt). Mới đây, Cục đã tập trung rà soát lại để giảm số tiêu chí trong VietGap từ hơn 60 xuống còn 19 tiêu chí. Tuy nhiên, cùng với việc phát triển ngày càng nhanh của lĩnh vực thực phẩm hữu cơ, Cục sẽ đẩy nhanh tiến độ xây dựng bộ tiêu chí nông sản hữu cơ trong thời gian tới.
Đỗ Hương