In bài viết

Cần chính sách đặc biệt chăm sóc trẻ tự kỷ

(Chinhphu.vn) – Chính sách đặc thù đối với trẻ tự kỷ đang được thúc đẩy xây dựng, trong đó ưu tiên bốn chính sách là bảo trợ xã hội, hỗ trợ giáo dục, hỗ trợ chăm sóc y tế phục hồi chức năng và hỗ trợ văn hóa, vui chơi.

02/12/2014 16:39
Trẻ tự kỷ được can thiệp sớm và đúng cách sẽ hòa nhập được và có đóng góp cho xã hội. Ảnh minh họa

Đây là thông tin được đưa ra tại hội thảo tham vấn quốc gia về luật pháp và chính sách liên quan đến tự kỷ ở Việt Nam do Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội phối hợp với Trung tâm phát triển Châu Á-Thái Bình Dương về khuyết tật (APCD) tổ chức ngày 2/12.

Phó Giám đốc Trung tâm Sáng kiến Sức khỏe và Dân số Vũ Song Hà cho rằng, tự kỷ cũng được coi là một dạng khuyết tật và nhiều quốc gia đã đưa vấn đề trẻ tự kỷ vào trong luật khuyết tật. Tuy nhiên, tại Việt Nam, tự kỷ chưa được đưa vào các văn bản pháp luật như một dạng khuyết tật để xây dựng các chính sách hỗ trợ cho nhóm trẻ này về bảo hiểm y tế, điều trị, hỗ trợ tạo việc làm.

Tại Việt Nam, hiện nay chưa có con số thống kê chính thức, nhưng số lượng trẻ đến thăm khám và được chuẩn đoán nguy cơ tự kỷ đang tăng nhanh chóng. Tự kỷ cũng được quan sát thấy là có tỷ lệ cao hơn hẳn các loại khuyết tật khác trong trường học. Ngoài ra, có rất nhiều trường hợp trẻ bị tự kỷ trong một thời gian dài nhưng không được phát hiện và can thiệp sớm. Bên cạnh đó, các cán bộ y tế, giáo dục hoặc cha mẹ cũng thiếu những kiến thức đầy đủ về việc phát hiện sớm và chăm sóc trẻ tự kỷ. Nhận thức của cộng đồng về chăm sóc, bảo vệ và đảm bảo quyền cho trẻ tự kỷ cũng còn nhiều hạn chế. Hậu quả là trẻ không nói được, không hòa nhập được với môi trường xã hội xung quanh và phải sống lệ thuộc và sự chăm sóc của người khác.

Mặc dù tự kỷ là một dạng rối loạn vận động gây ảnh hưởng tới sự phát triển các kỹ năng xã hội và giao tiếp của trẻ, nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng trẻ em tự kỷ hoàn toàn có thể hòa nhập với cộng đồng nếu như được phát hiện, chuẩn đoán và can thiệp sớm một cách bài bản, toàn diện, hợp lý, kiên trì quan tâm và định hướng đúng cách cũng như có các hỗ trợ thích hợp khác.

Chia sẻ kinh nghiệm về chính sách hỗ trợ cho người khuyết tật, trong đó có người bị tự kỷ ở Nhật Bản, ông Masafumi Hizume, Chuyên gia cao cấp về người khuyết tật của Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản cho biết, ở Nhật Bản, tự kỷ được coi là một dạng khuyết tật, từ đó Chính phủ Nhật xây dựng các chương trình hỗ trợ phát hiện sớm trẻ bị tự kỷ, hỗ trợ trẻ tự kỷ điều trị từ khi còn nhỏ đến lúc đi học, trưởng thành.

Theo ông Masafumi Hizume, Nhật Bản còn có những chính sách trợ cấp cho chủ doanh nghiệp từ 500.000-1.350.000 yen/năm nếu tuyển mới hoặc sử dụng người bị tự kỷ. Các cơ quan nhà nước cũng ưu tiên sử dụng những hàng hóa, dịch vụ của người tự kỷ như: Giấy tờ, đồ văn phòng, đồ ăn, in ấn, giặt, xử lý thông tin, ghi băng… để đảm bảo họ có việc làm phù hợp với khả năng.

Về định hướng chính sách cho trẻ tự kỷ tại Việt Nam, Tiến sỹ Nguyễn Ngọc Toản, Phó Cục trưởng Cục Bảo trợ xã hội (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội) cho biết, Bộ đang thúc đẩy việc xác định mức độ khuyết tật và cấp giấy xác nhận mức độ khuyết tật đối với trẻ em tự kỷ. Bộ cũng đang xây dựng để ban hành tài liệu hướng dẫn về vấn đề tự kỷ, tập huấn cán bộ của ngành để hướng dẫn các địa phương triển khai thực hiện xác định mức độ khuyết tật cho trẻ tự kỷ để các em được hưởng các chính sách dành cho người khuyết tật.

Bên cạnh đó, các mô hình chăm sóc, giáo dục trẻ tự kỷ cũng sẽ được nhân rộng và thúc đẩy nghiên cứu xây dựng chính sách đặc thù đối với trẻ tự kỷ. Trong đó, ưu tiên 4 chính sách là: Bảo trợ xã hội, hỗ trợ giáo dục, hỗ trợ chăm sóc y tế phục hồi chức năng và hỗ trợ văn hóa, vui chơi.

Thu Cúc