Đề cập đến các chính sách phát triển công nghiệp chế biến, chế tạo hiện nay, đại biểu Nguyễn Quang Huân (đoàn Bình Dương) đánh giá báo cáo của Chính phủ phân tích khá toàn diện, thẳng thắn; nêu rõ những kết quả đạt được và tồn tại hạn chế gắn với bối cảnh quốc tế và khu vực. Ở mặt tích cực những kết quả đạt được về KT-XH sẽ tạo niềm phấn khởi, niềm tin cho cử tri.
Tuy nhiên, về mặt hạn chế, chỉ có 10/15 chỉ tiêu đạt như Quốc hội giao còn 5 chỉ tiêu không đạt, chất lượng tăng trưởng thấp thể hiện ở chỉ tiêu năng suất lao động. Đồng thời, đây là năm thứ 3 liên tiếp không đạt chỉ tiêu về năng suất lao động.
Đại biểu Nguyễn Quang Huân, Phó Chủ tịch Hội Nước sạch và Môi trường Việt Nam cũng chỉ rõ, công nghiệp chế biến, chế tạo giảm tốc 3.56%. Theo đại biểu, giải pháp để khắc phục việc không đạt những chỉ tiêu này là cần phải có chính sách phát triển công nghiệp. Chính sách này sẽ tạo ra những giải pháp căn cơ để có thể phát triển công nghiệp phụ trợ, công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp chế biến, chế tạo…
Đại biểu phân tích, nếu chúng ta không đưa ra được chính sách toàn diện cả tầm vĩ mô và vi mô thì sẽ không nhằm vào được những ngành hàng mà Việt Nam có thế mạnh; những khâu trong chuỗi giá trị cũng không chắc chắn.
Hiện nay, ngành công nghiệp phụ trợ, công nghiệp chế biến, chế tạo vẫn chưa tập trung được nguồn lực. Do đó, nếu chúng ta có chính sách phát triển công nghiệp thì cũng được coi là động lực chính để thay đổi năng suất lao động trong vòng 3 đến 5 năm tới.
Đại biểu Nguyễn Đại Thắng (đoàn Hưng Yên) thống nhất cao với Báo cáo của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2023 và những tháng đầu năm 2024.
Theo đó, kinh tế - xã hội nước ta tiếp tục duy trì đà tăng trưởng phục hồi, nằm trong nhóm các nước có mức tăng trưởng cao nhất thế giới, kinh tế vĩ mô ổn định, kiểm soát tốt lạm phát, các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm, giải ngân vốn đầu tư công và xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông được đẩy mạnh.
Bên cạnh những kết quả đạt được, đại biểu cho rằng, tình hình kinh tế - xã hội năm 2023 và 4 tháng đầu năm 2024 còn một số hạn chế tồn tại, như: Tổng cầu trong nước còn yếu, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo giảm tốc mạnh, logistics trong nông nghiệp, tiêu thụ, xuất khẩu nông sản còn gặp nhiều khó khăn.
Để triển khai thực hiện có hiệu quả Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024, đại biểu đề xuất kiến nghị bổ sung một số giải pháp như sau:
Cần có cơ chế, chính sách để tạo sự đột phá trong phát triển chế biến, chế tạo. Công nghiệp chế biến, chế tạo là ngành quyết định chủ yếu đến tăng trưởng toàn ngành công nghiệp, tạo ra giá trị gia tăng lớn cho khu vực công nghiệp và là một động lực chính để tăng trưởng kinh tế của đất nước ta trong nhiều năm qua.
"Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trở thành ngành thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, lớn nhất trong tổng số 18 ngành kinh tế có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài", đại biểu nhấn mạnh.
Vì vậy, Đảng và Nhà nước cần tiếp tục có cơ chế, chính sách, pháp luật để thúc đẩy phát triển nhanh, tạo sự đột phá trong phát triển ngành công nghiệp chế biến, chế tạo để ngành công nghiệp này trở thành trụ đỡ của nền kinh tế và là nền tảng, là động lực dẫn dắt tăng trưởng của toàn ngành công nghiệp và nền kinh tế.
Nên nghiên cứu để thực hiện thí điểm một số cơ chế, chính sách có tính đột phá để thúc đẩy phát triển các ngành, lĩnh vực mới nổi và các mô hình kinh doanh mới hiệu quả, tạo động lực mới cho tăng trưởng kinh tế của đất nước. Chú trọng phát triển các ngành công nghiệp có tính nền tảng quan trọng và công nghiệp phụ trợ.
Đồng thời, ưu tiên phát triển một số ngành công nghiệp mũi nhọn, công nghiệp công nghệ mới, công nghệ cao như: Sản xuất chip, chất bán dẫn, khai thác, chế biến khoáng sản để trở thành một động lực mới thúc đẩy sự phát triển của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trong thời gian tới.
Lê Sơn