![]() |
Ảnh minh họa |
Hầu hết răng sâu không được điều trị
Ông Trịnh Đình Hải cho biết, các loại sâu răng ở Việt Nam gồm sâu răng sữa ở trẻ em từ 6-8 tuổi chiếm tỷ lệ cao; sâu răng vĩnh viễn gia tăng theo tuổi (lứa tuổi 18 chiếm 87,5%; từ 18-34 tuổi là 75,2%; từ 35-44 tuổi là 83,2% và trên 45 tuổi là 89,7%), xu hướng sâu răng gia tăng trong 10 năm qua …
Thống kê của Bệnh viện Răng Hàm Mặt Trung ương Hà Nội cho thấy tỷ lệ sâu răng ở trẻ em từ 6-8 tuổi cao và tăng dần, năm 2000 là 84,9%, năm 2008 là 90,9%. Người từ 45 tuổi trở lên có 9 răng bị sâu hoặc mất do sâu răng.
Việc điều trị răng sâu cho cả cộng đồng là rất khó khăn và tốn kém. Nếu cả cộng đồng đều có nhu cầu điều trị và làm răng giả thì chi phí sẽ rất lớn. Ông Hải đưa ra dẫn chứng, để làm 1 răng giả với chất lượng tốt nhất chi phí ở Việt Nam từ 10 – 20 triệu đồng/răng trong khi ở các nước chi phí lại cao hơn nhiều lần từ 3.000 – 5.000 USD/răng. Có những nước mỗi năm chi hàng chục tỷ USD để điều trị răng sâu và khắc phục hậu quả của răng sâu.
Ông Trịnh Đình Hải cũng chỉ ra rằng mối quan ngại lớn là hầu hết răng sâu không được điều trị, từ những ổ nhiễm khuẩn tiềm tàng trong khoang miệng có thể gây ra các bệnh toàn thân như viêm khớp, viêm cầu thận, viêm nội tâm mạc…
Triển khai Dự án muối fluor dự phòng sâu răng cho cộng đồng
Trước thực trạng trên, Bộ Y tế đặt nhiệm vụ phòng sâu răng cho cộng đồng là nhiệm vụ cấp bách.
Để tăng cường dự phòng sâu răng cũng như các bệnh răng miệng khác, trong những năm qua, Bộ Y tế đã chỉ đạo ngành Răng Hàm Mặt đẩy mạnh công tác Nha học đường. Đến nay đã có 8 tỉnh phủ kín chương trình này (Ninh Bình, Nam Định, Hải Dương, Thái Nguyên, Lạng Sơn, Thừa Thiên -_Huế, Đà Nẵng và Tuyên Quang) và nhiều tỉnh có chương trình Nha học đường rất phát triển như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, An Giang, Đồng Nai, Hà Nam.
Thông qua chương trình Nha học đường, đến nay đã có gần 10 triệu học sinh được chăm sóc răng miệng tại trường. Chương trình đã mang lại hiệu quả to lớn về phòng bệnh, kinh tế và xã hội.
Tuy nhiên, theo điều tra của Bệnh viện Răng Hàm Mặt Trung ương Hà Nội thì hiện nay, nguồn nước ăn thiếu fluor; mức độ tiêu thụ đường tăng nhanh, việc chăm sóc sức khỏe răng miệng ở một bộ phận còn hạn chế; điều kiện tiếp xúc dịch vụ chăm sóc răng miệng còn khó khăn trong cộng đồng... là những trở ngại trong công tác phòng sâu răng.
Mặt khác, thực tế chỉ có khoảng 30% tuyến huyện, quận có cơ sở Răng Hàm Mặt, hầu hết các tuyến xã, thôn bản không có cơ sở Răng Hàm Mặt.
Vì vậy, ông Trịnh Đình Hải cho rằng, cần tập trung cho dự phòng sâu răng cộng đồng ở tầm quốc gia. Trong đó, ông Hải đưa ra 2 giải pháp có thể ứng dụng rộng rãi là đưa fluor vào nước ăn và muối ăn.
Ông Hải cho biết, Việt Nam là nước đầu tiên ở châu Á đặt vấn đề chuẩn bị và triển khai Dự án muối fluor dự phòng sâu răng cho cộng đồng từ năm 2006 và đến nay đã chính thức triển khai tại Lào Cai.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cũng khuyến cáo Việt Nam nên sử dụng biện pháp muối flour để dự phòng sâu răng cho cộng đồng.
Giáo sư Paul Erik Petersen, phụ trách về sức khỏe răng miệng của WHO cho biết, kết quả sử dụng muối flour cho cộng đồng ở các nước đã có kinh nghiệm hơn 60 năm sử dụng như Thụy Sĩ, Pháp, Đức, Madagasca…cho thấy rất an toàn và hiệu quả giảm sâu răng tới 60%. Ông cũng đánh giá cao việc Việt Nam là nước châu Á đầu tiên đặt vấn đề chuẩn bị và triển khai dự án này.
Mai Chi