Ông Hoài bày tỏ, hầu hết các trường hợp vi phạm khi bị cơ quan nhà nước có thẩm quyền tại huyện Hàm Thuận Nam ra quyết định xử phạt đều có đơn xin miễn giảm, hoặc xin nộp tiền phạt nhiều lần. Thay vì lúng túng khi xử lý các trường hợp này như trước đây, hiện cơ quan nhà nước có thẩm quyền đã chủ động ra quyết định phạt người có hành vi vi phạm hành chính và có văn bản cho phép người bị xử phạt được nộp tiền phạt nhiều lần trong năm. Cụ thể, trường hợp ông Huỳnh Văn X. sau khi bị Chủ tịch UBND huyện ra quyết định xử phạt 10 triệu đồng trong lĩnh vực quản lý, bảo vệ rừng và quản lý lâm sản, ông đã làm đơn xin nộp tiền phạt trong 12 tháng và đã được cơ quan chức năng căn cứ quy định tại Điều 27 của Nghị định 128/2008/NĐ-CP, cho phép thực hiện.
Tuy nhiên, theo ông Hoài, cần có biểu mẫu chung, thống nhất về biên bản, hoặc quyết định của cơ quan chức năng xử phạt vi phạm hành chính trong các lĩnh vực, trừ một số lĩnh vực riêng biệt, đặc thù.
Nghị định 128/2008/NĐ-CP quy định "biểu mẫu của các biên bản, quyết định để sử dụng trong xử phạt vi phạm hành chính được ban hành kèm theo các nghị định quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong các lĩnh vực quản lý nhà nước căn cứ vào các Điều 46, 47, 48, 49, 54, 55, 55a, 56, 61, 71, 78, 87, 96 của Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính". Ông Hoài cho rằng, thực tế một số nghị định xử phạt vi phạm hành chính theo ngành, từng lĩnh vực không có quy định về biểu mẫu, mà vẫn áp dụng các biểu mẫu quy định tại Nghị định 134/2003/NĐ-CP ngày 14/11/2003 của Chính phủ. Do đó, đã xảy ra nhiều trường hợp cùng một quyết định xử phạt vi phạm hành chính thuộc phạm vi đa ngành, đa lĩnh vực nhưng cơ quan xử lý vi phạm lại ra 2 văn bản xử phạt với các mẫu biên bản khác nhau theo ngành, lĩnh vực tương ứng.
Điều 27 của Nghị định 128/2008/NĐ-CP quy định cụ thể các điều kiện người bị xử phạt vi phạm hành chính được nộp tiền phạt nhiều lần, bao gồm: tiền phạt từ 10 triệu đồng trở lên đối với cá nhân và từ 100 triệu đồng trở lên đối với tổ chức; đang gặp khó khăn đặc biệt về kinh tế và có đơn đề nghị nộp tiền phạt nhiều lần đã có xác nhận của UBND cấp xã nơi người bị xử phạt cư trú; thời gian nộp tiền phạt nhiều lần không quá 12 tháng và số tiền chưa nộp phạt phải chịu lãi suất không kỳ hạn tính từ thời điểm quyết định xử phạt có hiệu lực. Người ra quyết định phạt tiền có quyền ra văn bản quyết định việc nộp tiền phạt nhiều lần. |
Ban Bạn đọc