In bài viết

Cần có mức lương tốt hơn để đội ngũ giáo viên yên tâm công tác

(Chinhphu.vn) - Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn chia sẻ với những vất vả, nặng nhọc của đội ngũ giáo viên, trong khi chế độ chính sách, thu nhập chưa tương xứng.

15/08/2023 12:16
Cần có mức lương tốt hơn để đội ngũ giáo viên yên tâm công tác - Ảnh 1.

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT gặp gỡ nhà giáo, cán bộ quản lý, nhân viên ngành giáo dục - Ảnh: VGP/NN

Đề xuất mức lương tốt hơn cho nhà giáo

Tại sự kiện "Bộ trưởng Bộ GD&ĐT gặp gỡ nhà giáo, cán bộ quản lý, nhân viên ngành giáo dục" tổ chức sáng 15/8, nhiều ý kiến cho rằng hiện nay mức lương thu nhập của giáo viên còn thấp so với mức sống của toàn xã hội, dẫn đến việc nhiều giáo viên phải dành thời gian để đi làm thêm ngoài giờ lên lớp, từ đó hạn chế tới thời gian tự học, tự bồi dưỡng nâng cao chuyên môn, nghiệp vụ cho bản thân.

Mức lương thấp, không đủ trang trải cuộc sống là một trong những lý do khiến nhiều giáo viên muốn bỏ nghề và đã bỏ nghề rẽ sang hướng khác.

Các giáo viên đều mong muốn có giải pháp để giúp nâng cao hơn thu nhập, có thể toàn tâm toàn ý cho công việc dạy học.

Cô giáo Lê Thị Tuyết Hường, công tác tại Trường Mầm non xã Thanh Nưa, một trường thuộc xã biên giới của tỉnh Điện Biên, là giáo viên đầu tiên phát biểu ý kiến, đã nêu những băn khoăn, trăn trở và mong muốn được Bộ trưởng quan tâm, tháo gỡ.

Cô Hường cho hay: "Theo quy định là 8 giờ/ngày, nhưng thực tế chúng tôi đang phải làm việc 10 giờ/ngày. Tôi tin rằng ai đó chỉ cần trải nghiệm một ngày làm giáo viên mầm non sẽ hiểu được áp lực nặng nề của chúng tôi”, cô giáo nói.

Cô cũng nói đến những khó khăn khi đi dạy tại các điểm trường lẻ, nhiều điểm trường ở rất xa trung tâm nhưng lại chưa có kinh phí hỗ trợ việc đi lại.

Bên cạnh đó, hiện nay tuổi nghỉ hưu của giáo viên mầm non cũng đang được xác định như những ngành nghề khác. “Chúng tôi thấy độ tuổi nghỉ hưu trên 50 tuổi của giáo viên mầm non là không phù hợp, cần được xem xét”, cô giáo Lê Thị Tuyết Hường nói.

Cần có mức lương tốt hơn để đội ngũ giáo viên yên tâm công tác - Ảnh 3.

Gần 700.000 cán bộ giáo dục tham dự buổi gặp mặt - Ảnh: VGP/NN

Cô Lý Thị Trinh Nguyên, giáo viên mầm non ở thị xã Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang, cũng cho rằng giáo viên mầm non hiện nay gần như phải làm gấp đôi so với quy định 40 tiếng/tuần, từ sáng 6h30 tới 17h, thậm chí đến 18h. Trung bình mỗi ngày, giáo viên mầm non làm việc từ 10-12 tiếng, về đến nhà gần như kiệt sức.

Mặt khác, công việc của họ mang tính chất đặc thù, vừa nuôi vừa dạy, đồng thời là người phải xử lý trực tiếp những tình huống hay gặp của trẻ nhỏ như quấy khóc, lười ăn, những dấu hiệu của bệnh tự kỷ...

Giáo viên phải đóng nhiều vai như chuyên gia về dinh dưỡng, chuyên gia về can thiệp sớm, chuyên gia về tư vấn tâm lý… Ngoài ra, vị trí việc làm của giáo viên mầm non cũng gặp nhiều nguy cơ và rủi ro. Không ít trường hợp phụ huynh nóng tính, có những hành động xâm hại thể chất và xúc phạm tinh thần đối với giáo viên

Dù vất vả, áp lực nhưng mức ưu đãi theo nghề hiện nay thấp so với công sức các thầy cô bỏ ra – chỉ 35%. Thu nhập không đủ trang trải cuộc sống nên vừa qua, có rất nhiều giáo viên mầm non không bám trụ được với nghề, bỏ việc hoặc chuyển sang ngành nghề khác.

Do đó, giáo viên này mong được tăng mức phụ cấp ưu đãi cho giáo viên mầm non lên 70% giống như các trường chuyên biệt để giáo viên yên tâm công tác.

Cô Nguyễn Thị Duyên, giáo viên Trường Tiểu học Tân Hòa Thành (huyện Tân Phước, tỉnh Tiền Giang) đại diện đội ngũ nhà giáo tỉnh Tiền Giang bày tỏ tâm tư, nguyện vọng đến Bộ trưởng Bộ GD&ĐT. Cô Duyên cho biết, nhiều nhà giáo mong muốn được giữ nguyên tuổi nghỉ hưu (nam 60, nữ 55), nhất là giáo viên mầm non. Đề nghị Bộ tham mưu Chính phủ có chính sách hỗ trợ cho đội ngũ nhà giáo được nghỉ hưu nhưng không bị thiệt so với chính sách chung.

Mỗi giáo viên khi tham gia lĩnh vực giáo dục đều rất tâm huyết với nghề, tận tâm trong công việc, nỗ lực không ngừng trau dồi kiến thức để nâng cao chất lượng dạy học. Do đó, cần có mức lương phù hợp hơn để giáo viên yên tâm công tác.

Tuy nhiên, với một giáo viên mới ra trường, mức lương hiện nay không đủ để trang trải cuộc sống nên có nhiều thầy cô phải chuyển ngành. Một số em ra trường nhưng không đi dạy mà xin làm ở một số ngành khác do mức lương thấp. Vì thế giáo viên hiện nay thiếu rất nhiều, nhất là những năm tiếp theo, dự báo số lượng thầy cô nghỉ hưu nhiều.

"Rất mong Bộ trưởng xem xét và đề xuất mức lương tốt hơn cho đội ngũ nhà giáo trong thời gian ngắn nhất", cô Nguyễn Thị Duyên phát biểu.

Kiến nghị từng bước, hợp lý về chế độ, chính sách cho nhà giáo

Trao đổi lại với những ý kiến phát biểu của giáo viên, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn chia sẻ với những vất vả, nặng nhọc của giáo viên mầm non, trong khi chế độ chính sách, thu nhập chưa tương xứng. “Lãnh đạo Bộ GD&ĐT thấu hiểu điều này”, Bộ trưởng chia sẻ và cho biết, thời gian qua, Chính phủ cũng đã có nhiều chính sách quan tâm đến giáo viên mầm non.

Theo đó, ngoài lương, giáo viên mầm non còn có phụ cấp ưu đãi, phụ cấp tính theo thâm niên, phụ cấp thu hút, trợ cấp lần đầu, trợ cấp 1 lần khi chuyển công tác với giáo viên vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn… Nhưng dù vậy, mức lương của giáo viên mầm non vẫn thấp so với mặt bằng thu nhập chung và so với công sức thầy cô bỏ ra.

Cần có mức lương tốt hơn để đội ngũ giáo viên yên tâm công tác - Ảnh 4.

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn chia sẻ với những vất vả, nặng nhọc của giáo viên mầm non, trong khi chế độ chính sách, thu nhập chưa tương xứng - Ảnh: VGP/NN

Theo Bộ trưởng, lãnh đạo Bộ GD&ĐT trong nhiều diễn đàn, nhiều cuộc làm việc với các bộ, ngành đã bày tỏ sự quan tâm đến vấn đề này. Chính phủ đã giao Bộ GD&ĐT làm việc với Bộ Nội vụ và các bộ, ngành; trước hết cân nhắc để có thể nâng phụ cấp ưu đãi cho giáo viên mầm non, tiểu học.

Bước đầu, Bộ GD&ĐT, Bộ Nội vụ đã có sự thống nhất, dự kiến tăng phụ cấp ưu đãi cho giáo viên mầm non thêm 10%, giáo viên tiểu học tăng thêm 5%. Còn lại, cần có sự thống nhất với Bộ Tài chính, sau đó thông qua Chính phủ… Mức tăng dù nhỏ nhưng cũng thêm một phần để động viên, bù đắp cho giáo viên mầm non, tiểu học.

Bộ trưởng bày tỏ mong muốn có thể tăng phụ cấp ưu đãi cho giáo viên các cấp học, tuy nhiên triển khai trước đối với mầm non, tiểu học; sau đó sẽ lần lượt có các kiến nghị khác.

Liên quan đến nội dung này, Bộ trưởng cũng chia sẻ: Ngành giáo dục có số lượng người hưởng lương, công chức, viên chức rất lớn, chiếm hơn 70% tổng số công chức, viên chức cả nước. Do đó, mỗi chính sách điều chỉnh, dù nhỏ, cũng cần tính toán các nguồn lực, điều kiện. Bởi vậy, chúng ta mong muốn, kiến nghị, nhưng cũng cần từng bước, hợp lý.

Ý kiến thầy cô trao đổi cũng nói đến giờ làm việc nhiều, chế độ trông trưa, số giờ trông trẻ dài hơn, đến sớm, về muộn… Theo Bộ trưởng, đây là một thực tế. Với số giờ lao động như vậy, thầy cô phải bỏ nhiều sức lực, ít còn thời gian phát triển chuyên môn, chăm sóc gia đình. Đó cũng là lý do nhiều người ngại ứng tuyển làm việc tại trường mầm non.

Một số địa phương đã có giải pháp huy động nguồn lực xã hội để hỗ trợ tiền ngoài giờ cho giáo viên mầm non, nhưng hiện còn thiếu hành lang pháp lý đầy đủ, bền vững bù đắp cho việc này. Thời gian tới, Bộ GD&ĐT tiếp tục lưu ý đến việc bù đắp thù lao giờ làm việc nhiều của giáo viên mầm non.

Liên quan đến độ tuổi nghỉ hưu của giáo viên mầm non, Bộ trưởng cho biết, hiện Chính phủ đang điều chỉnh Luật Bảo hiểm xã hội. Trong góp ý Luật này, Bộ GD&ĐT đã có ý kiến chính thức đề nghị đưa giáo viên mầm non vào đối tượng lao động nặng nhọc, từ đó liên quan đến tuổi hưu. Trong Diễn đàn Người lao động năm 2023, việc này tiếp tục được Bộ GD&ĐT nêu kiến nghị.

Về ý kiến liên quan đến phụ cấp nhân viên trường học, theo Bộ trưởng, đây là nhóm chịu nhiều thiệt thòi, lương thấp, dù đã được hưởng phụ cấp ưu đãi tương ứng với công việc chuyên môn, do đó sẽ phải tính đến việc điều chỉnh chính sách trong tương lai. Nếu thời gian tới sắp xếp lương theo chuẩn trình độ đào tạo theo Luật Giáo dục 2019, có thể là dịp điều chỉnh cho các đối tượng này.

Về ý kiến đề cập định mức giáo viên trên lớp, Bộ trưởng cho biết: "Khi chúng ta thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018, số môn học được điều chỉnh, thực hiện dạy học 2 buổi/ngày, hoạt động nhà giáo trong nhà trường có nhiều đổi mới, đương nhiên chúng ta cần điều chỉnh về định mức giáo viên/lớp và định mức số người làm việc trong cơ sở giáo dục. Hiện Bộ GD&ĐT đang chủ trì sửa đổi Thông tư 16 liên quan đến vấn đề này".

Phương Liên