In bài viết

Cần có tầm nhìn đồng bộ về phát triển văn hóa trong các quy hoạch phát triển kinh tế, xã hội

(Chinhphu.vn) - Không chờ đến khi chúng ta phát triển kinh tế đồng bộ, có điều kiện dư đủ mới tập trung xây dựng những công trình, thiết chế văn hóa quy mô, có giá trị nghệ thuật cao ở các thành phố lớn làm điểm nhấn, mà ngay trong giai đoạn hiện nay, phải tính toán, có tầm nhìn về văn hóa trong các quy hoạch phát triển kinh tế, xã hội.

27/09/2023 22:05
Cần có tầm nhìn đồng bộ về phát triển văn hóa trong các quy hoạch phát triển kinh tế, xã hội - Ảnh 1.

Hội thảo khoa học “Thực hiện Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030 - Những vấn đề đặt ra từ thực tiễn” - Ảnh: VGP/DA

Ngày 27/9, tại Hà Nội, Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) tổ chức Hội thảo khoa học “Thực hiện Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030 - Những vấn đề đặt ra từ thực tiễn”.

Tham gia Hội thảo có gần 100 đại biểu là lãnh đạo một số cục, vụ, cơ quan, đơn vị thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; lãnh đạo một số Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch/Sở Văn hóa và Thể thao một số tỉnh, thành phố; các chuyên gia, nhà nghiên cứu lý luận, nhà khoa học, cùng các phóng viên đến từ nhiều cơ quan báo chí Trung ương và Hà Nội.

Trong thời gian qua, triển khai thực hiện Kết luận của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021 và Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030, các địa phương đã tăng cường nguồn lực đầu tư cho văn hóa; nhiều di sản văn hóa được ghi danh, xếp hạng, tu bổ gắn kết với phát triển du lịch; các thiết chế văn hóa được tăng cường; công tác xây dựng môi trường văn hóa cơ sở được triển khai sâu rộng; tinh thần nhân ái, nghĩa đồng bào, những giá trị nhân văn tốt đẹp của con người Việt Nam trong dịch bệnh, khó khăn được lan tỏa, nhân lên…

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã xây dựng Kế hoạch hành động thực hiện Kết luận của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc và Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030 (giai đoạn 2023-2025) với nhiều chương trình, đề án nhiệm vụ trọng tâm, có ý nghĩa.  

Sau gần 2 năm triển khai, việc thực hiện Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030 đã đạt được những thành tựu quan trọng, góp phần xây dựng và phát triển bền vững đất nước. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, trong quá trình triển khai thực hiện Chiến lược, cũng đã xuất hiện những hạn chế, bất cập, về nhận thức, nguồn lực, chính sách, đào tạo… Những vấn đề đặt ra của văn hóa và phát triển hiện nay đang đòi hỏi cần phải được phân tích, giải quyết thấu đáo trên cơ sở mối tương quan, biện chứng với phát triển kinh tế, xã hội.

Chính vì vậy, Hội thảo được tổ chức nhằm đánh giá, phân tích vai trò, đóng góp quan trọng của việc thực hiện Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030 trong việc cụ thể hóa các nghị quyết, văn kiện của Đảng về văn hóa, góp phần xây dựng và phát triển bền vững đất nước. Bên cạnh đó, giúp các các nhà quản lý, nhà nghiên cứu khoa học, những người thực hành văn hóa nhận diện rõ hơn về thực trạng của việc thực hiện Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030 cũng như đề xuất các giải pháp để thực hiện Chiến lược đạt yêu cầu đề ra. Qua đó, đúc rút và bổ sung cho công tác phát triển lý luận về văn hóa, đề xuất các giải pháp thiết thực hoàn thiện chính sách văn hóa.

Hội thảo nhận được 35 tham luận tập trung vào 3 nội dung chính: Đánh giá thực trạng triển khai Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030 ở Trung ương và địa phương cả mặt ưu điểm và hạn chế; Phân tích nguyên nhân của những thành tựu và hạn chế; vấn đề đặt ra từ thực tiễn; bài học kinh nghiệm rút ra trong thực hiện Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030 trong thời gian qua; Đề xuất giải pháp phát huy nguồn lực xã hội, xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam toàn diện, thực hiện thành công Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030.

Các ý kiến thống nhất rằng không chờ đến khi chúng ta phát triển kinh tế đồng bộ, có điều kiện dư đủ mới tập trung xây dựng những công trình, thiết chế văn hóa quy mô, có giá trị nghệ thuật cao ở các thành phố lớn làm điểm nhấn, mà ngay trong giai đoạn hiện nay, phải tính toán, có tầm nhìn về văn hóa trong các quy hoạch phát triển kinh tế, xã hội, trong đó có các thiết chế, công trình văn hóa, nhằm góp phần nâng cao đời sống tinh thần cho người dân, tạo dựng môi trường văn hóa lành mạnh, đồng thời gắn kết với phát triển du lịch, tạo nguồn lực tái đầu tư cho văn hóa. 

Điều quan trọng là khi chúng ta triển khai các dự án về văn hóa phải có trọng tâm, trọng điểm, tránh dàn trải, bảo đảm chất lượng, hiệu quả đầu tư, trong đó cần chú ý đến đặc thù vùng miền, địa bàn dân cư, phong tục, tập quán, đồng bộ giữa cơ sở vật chất và con người vận hành...

Hội thảo khoa học "Thực hiện Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030 - Những vấn đề đặt ra từ thực tiễn" nhận được nhiều ý kiến trao đổi sôi nổi, thiết thực từ thực tiễn phong phú, sinh động. Đây sẽ là cơ sở để Ban Tổ chức Hội thảo báo cáo, đề xuất về phương diện chính sách đối với các cơ quan hữu quan trong thực hiện Chiến lược những năm tiếp theo, góp phần vào sự phát triển bền vững đất nước.

Diệp Anh