In bài viết

Căn cứ chi trả trợ cấp thôi việc

(Chinhphu.vn) - Năm 2008, ông Tiến Minh (tienminhca@...) ký hợp đồng lao động với 1 công ty TNHH, mức lương 1.250.000 đồng/tháng. Đến nay mức lương của ông là 7.000.000 đồng/tháng. Ông vừa bị công ty sa thải và trả trợ cấp thôi việc bằng 2 tháng lương.

19/06/2013 09:02

Mức lương trả trợ cấp thôi việc được công ty tính tại thời điểm ký hợp đồng năm 2008. Ông Minh hỏi, công ty chi trả trợ cấp như vậy có đúng quy định không?

Ngoài ra, ông Minh muốn được biết, người nước ngoài vào Việt Nam làm việc không có giấy phép lao động thì cơ quan nào xử lý?

Vấn đề ông Minh hỏi, Luật sư Lê Văn Đài, Văn phòng Luật sư Khánh Hưng - Đoàn Luật sư Hà Nội trả lời như sau:

Theo quy định tại Điều 36 Bộ luật Lao động năm 2012, các trường hợp chấm dứt hợp đồng lao động (HĐLĐ) gồm:

- Hết hạn HĐLĐ.

- Đã hoàn thành công việc theo HĐLĐ.

- Hai bên thoả thuận chấm dứt HĐLĐ.

- Người lao động đủ điều kiện về thời gian đóng bảo hiểm xã hội và tuổi hưởng lương hưu.

- Người lao động bị kết án tù giam, tử hình hoặc bị cấm làm công việc ghi trong HĐLĐ theo bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật của Toà án.

- Người lao động chết, bị Toà án tuyên bố mất năng lực hành vi dân sự, mất tích hoặc là đã chết.

- Người sử dụng lao động là cá nhân chết, bị Toà án tuyên bố mất năng lực hành vi dân sự, mất tích hoặc là đã chết; người sử dụng lao động không phải là cá nhân chấm dứt hoạt động.

- Người lao động bị xử lý kỷ luật sa thải.

- Người lao động đơn phương chấm dứt HĐLĐ theo quy định.

- Người sử dụng lao động đơn phương chấm dứt HĐLĐ theo quy định; người sử dụng lao động cho người lao động thôi việc do thay đổi cơ cấu, công nghệ hoặc vì lý do kinh tế hoặc do sáp nhập, hợp nhất, chia tách doanh nghiệp, hợp tác xã.

Mức lương để tính trợ cấp thôi việc

Điều 48 Bộ luật Lao động năm 2012 quy định: Khi HĐLĐ chấm dứt theo quy định tại các khoản 1, 2, 3, 5, 6, 7, 9 và 10 Điều 36 của Bộ luật này thì người sử dụng lao động có trách nhiệm chi trả trợ cấp thôi việc cho người lao động đã làm việc thường xuyên từ đủ 12 tháng trở lên, mỗi năm làm việc được trợ cấp một nửa tháng tiền lương (trừ trường hợp chấm dứt HĐLĐ do người lao động bị kỷ luật sa thải quy định tại khoản 8 Điều 36).

Thời gian làm việc để tính trợ cấp thôi việc là tổng thời gian người lao động đã làm việc thực tế cho người sử dụng lao động trừ đi thời gian người lao động đã tham gia bảo hiểm thất nghiệp theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội và thời gian làm việc đã được người sử dụng lao động chi trả trợ cấp thôi việc.

Tiền lương để tính trợ cấp thôi việc là tiền lương bình quân theo HĐLĐ của 6 tháng liền kề trước khi người lao động thôi việc.

Trường hợp ông Tiến Minh hỏi, theo quy định tại khoản 3 Điều 125 và Điều 126 Bộ luật Lao động năm 2012 thì sa thải là một hình thức kỷ luật lao động.

Hình thức xử lý kỷ luật sa thải được người sử dụng lao động áp dụng trong những trường hợp sau:

- Người lao động có hành vi trộm cắp, tham ô, đánh bạc, cố ý gây thương tích, sử dụng ma tuý trong phạm vi nơi làm việc, tiết lộ bí mật kinh doanh, bí mật công nghệ, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ của người sử dụng lao động, có hành vi gây thiệt hại nghiêm trọng hoặc đe doạ gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng về tài sản, lợi ích của người sử dụng lao động;

- Người lao động bị xử lý kỷ luật kéo dài thời hạn nâng lương mà tái phạm trong thời gian chưa xóa kỷ luật hoặc bị xử lý kỷ luật cách chức mà tái phạm;

- Người lao động tự ý bỏ việc 5 ngày cộng dồn trong 1 tháng hoặc 20 ngày cộng dồn trong 1 năm mà không có lý do chính đáng.

Nếu sự việc đúng như ông Minh phản ánh là ông bị công ty sa thải thì ông không được hưởng trợ cấp thôi việc theo quy định tại Điều 48 Bộ luật Lao động.

Nếu công ty chấm dứt HĐLĐ đối với ông Minh theo các trường hợp khác (không phải là trường hợp kỷ luật sa thải) nêu tại Điều 36 Bộ luật Lao động, thì ông Minh được hưởng trợ cấp thôi việc như sau: Mỗi năm làm việc được trợ cấp ½ tháng tiền lương. Thời gian làm việc để tính trợ cấp thôi việc là tổng thời gian ông Minh đã làm việc thực tế cho công ty, trừ đi thời gian ông đã tham gia bảo hiểm thất nghiệp theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội. Tiền lương để tính trợ cấp thôi việc là tiền lương bình quân theo HĐLĐ của 6 tháng liền kề trước khi ông Minh thôi việc.

Về việc cấp phép cho lao động nước ngoài tại Việt Nam

Một vấn đề khác mà ông Minh quan tâm, đó là trường hợp người nước ngoài đang làm việc tại Việt Nam, không làm thủ tục cấp giấy phép lao động thì cơ quan nào có trách nhiệm xử lý, hình thức xử lý thế nào?

Khoản 16 Điều 1 Nghị định số 46/2011/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung khoản 3 Điều 14 Nghị định số 34/2008/NĐ-CP quy định như sau:

Người nước ngoài đang làm việc tại Việt Nam (trừ các đối tượng quy định tại khoản 1 Điều 9 Nghị định này, như người vào Việt Nam làm việc dưới 3 tháng, hoặc người là thành viên Công ty TNHH 2 thành viên trở lên, hoặc người là chủ sở hữu Công ty TNHH 1 thành viên…) mà chưa được cấp giấy phép lao động thì phải làm thủ tục đề nghị cấp giấy phép lao động theo quy định tại Nghị định này.

Sau 6 tháng, kể từ ngày 1/8/2011 (ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành), nếu người nước ngoài làm việc tại Việt Nam mà không có giấy phép lao động hoặc chưa nộp được hồ sơ đề nghị cấp giấy phép lao động theo quy định thì Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đề nghị cơ quan công an buộc xuất cảnh hoặc trục xuất theo quy định của pháp luật.

Luật sư Lê Văn Đài

VPLS Khánh Hưng – Đoàn Luật sư Hà Nội

* Thông tin chuyên mục có giá trị tham khảo với người đọc, không dùng làm tài liệu trong tố tụng pháp luật.

Tin liên quan:

- Tiền lương làm căn cứ tính trợ cấp thôi việc

- Chi trả trợ cấp thôi việc cho người lao động

- Trợ cấp thôi việc và trợ cấp mất việc làm

- Nhận trợ cấp thôi việc, có được hưởng chế độ hàng tháng?

- Quyền lợi khi chấm dứt hợp đồng lao động

- Trợ cấp thôi việc khi chấm dứt hợp đồng lao động