In bài viết

Căn cứ đánh giá uy tín nhà thầu

(Chinhphu.vn) – Việc đánh giá về kinh nghiệm thực hiện hợp đồng bao gồm số lượng, quy mô, tính chất… của hợp đồng tương tự; việc đánh giá uy tín của nhà thầu bao gồm chất lượng hoàn thành… của nhà thầu đối với hợp đồng trước đó.

23/08/2019 09:02

Ông Nguyễn Văn Hùng (Bình Định) đề nghị cơ quan chức năng hướng dẫn tình huống như sau:

Trong giai đoạn chấm thầu về năng lực kỹ thuật một gói thầu xây lắp đấu thầu qua mạng, tổ chuyên gia của đơn vị tư vấn đấu thầu có nhận xét nhà thầu cung cấp trên hệ thống mạng 3 hợp đồng tại mục năng lực của nhà thầu, nhưng tại mục uy tín của nhà thầu, nhà thầu không cung cấp hợp đồng để xét.

Vậy tại mục uy tín của nhà thầu tổ chuyên gia chấm nhà thầu 0 điểm và kết quả này làm cho nhà thầu không trúng thầu, nhà thầu thứ hai được xét chênh lệch giá với nhà thầu thứ nhất là 1 tỷ đồng (giá trị gói thầu là 8,6 tỷ đồng).

Tổ thẩm định nhận xét, tại mục năng lực của nhà thầu vì 3 hợp đồng của nhà thầu đều đạt yêu cầu về năng lực của nhà thầu đối với 1 hợp đồng tương tự nên nhà thầu còn dư 2 hợp đồng, nhà thầu có quyền sử dụng 2 hợp đồng trên vào mục uy tín.

Ông Hùng hỏi, đối với tình huống trên nhận xét nào là phù hợp?

Bộ Kế hoạch và Đầu tư trả lời vấn đề này như sau:

Khoản 2, Điều 12 Nghị định số 63/2014/NĐ-CP quy định, hồ sơ mời thầu phải bao gồm tiêu chuẩn đánh giá về năng lực, kinh nghiệm và tiêu chuẩn đánh giá về kỹ thuật (trong đó bao gồm nội dung uy tín của nhà thầu trong việc thực hiện hợp đồng trước đó).

Theo đó, việc đánh giá về kinh nghiệm thực hiện hợp đồng bao gồm số lượng, quy mô, tính chất… của hợp đồng tương tự; việc đánh giá uy tín của nhà thầu bao gồm chất lượng hoàn thành… của nhà thầu đối với hợp đồng trước đó.

Đối với trường hợp của ông Hùng, việc lập hồ sơ mời thầu và đánh giá hồ sơ dự thầu phải căn cứ quy định nêu trên và thuộc trách nhiệm của tổ chuyên gia, bên mời thầu.

Chinhphu.vn