In bài viết

Cần cụ thể quyền của các nhóm yếu thế

(Chinhphu.vn) - Ngày 4/2 tại TP.HCM, Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) phối hợp với Bộ Tư pháp tổ chức hội thảo góp ý kiến hoàn thiện các quy định liên quan đến quyền của các nhóm yếu thế trong dự thảo Bộ luật Dân sự (sửa đổi).

04/02/2015 20:05
Theo các đại biểu tham dự hội thảo, hiện tại các nhóm yếu thế được xác định trên cơ sở giới tính, lứa tuổi, dân tộc, tình trạng sức khỏe… nhưng còn nhiều nhóm yếu thế khác chưa được quan tâm và ghi nhận. Chính vì vậy, để đảm bảo quyền của các nhóm yếu thế, trong Bộ luật Dân sự (BLDS) sửa đổi cần quy định rõ nhóm yếu thế là những nhóm nào.

Bên cạnh đó, các đại biểu cũng cho rằng, cần “nới” quyền về thay đổi giới tính và thay đổi nhân thân trên giấy tờ của người chuyển giới.

Cụ thể, tại Điều 36 về quyền xác định lại giới tính, theo BLDS năm 2005 quy định, cá nhân có quyền được xác định lại giới tính.Việc xác định lại giới tính của một người được thực hiện trong trường hợp giới tính của người đó bị khuyết tật bẩm sinh hoặc chưa định hình chính xác mà cần có sự can thiệp của y học nhằm xác định rõ về giới tính.

Các đại biểu đề nghị sửa thành "cá nhân có quyền được xác định lại giới tính và được thừa nhận giới tính mới sau khi phẫu thuật. Việc xác định lại giới tính được thực hiện theo quy định của luật. Nghiêm cấm việc xác định lại giới tính với người chưa thành niên, trừ trường hợp việc xác định lại giới tính là cần thiết để bảo vệ tính mạng, sức khỏe của cá nhân".

Bà Đinh Hồng Hạnh, cán bộ pháp luật của ICS - Tổ chức bảo vệ và thúc đẩy quyền của người LGBT (đồng tính, song tính và chuyển giới) tại Việt Nam cho rằng, việc sửa đổi này nhằm mở rộng khái niệm “xác định lại giới tính”, áp dụng cho cả người liên giới tính và người chuyển giới. Ghi nhận quyền, để pháp luật chuyên ngành hướng dẫn cụ thể.

Cũng tại hội thảo, các đại biểu cũng đề xuất trong BLDS sửa đổi lần này cần quan tâm tới quyền lợi của người khuyết tật hơn, có những quy định cụ thể nhằm đảm bảo về việc làm cũng như các quyền bình đẳng trong việc sử dụng các công trình công cộng.

Theo bà Lưu Thị Ánh Loan, Quyền Giám đốc Trung tâm khuyết tật và phát triển DRD, Điều 45 trong BLDS 2005 qui định mỗi cá nhân có quyền tự do đi lại và cư trú. Nhưng thực tế, người khuyết tật gặp rất nhiều khó khăn trong việc đi lại, ví dụ như vỉa hè đi bộ đã bị lấn chiếm để biến thành quán hàng hoặc nơi đậu xe. Ngoài ra, vỉa hè hoặc các nơi công cộng cũng không có các con dốc dành cho người đi xe lăn; nếu có, những nơi này được xây dựng không đúng quy chuẩn dành cho người khuyết tật. Chính những điều này ảnh hưởng đến quyền tự do đi lại của người khuyết tật.

Lê Anh