In bài viết

Căn cứ xác định giá gói thầu

(Chinhphu.vn) - Ông Võ Thành Công (tỉnh Gia Lai) hỏi: Khi xây dựng giá gói thầu của kế hoạch lựa chọn nhà thầu theo hình thức mua sắm trực tiếp thì có phải thẩm định giá, phê duyệt dự toán không?

02/02/2016 11:02

Liên quan đến quy trình mua sắm trực tiếp, theo ông Công tham khảo, tại Điểm c, Khoản 4, Điều 60 Nghị định số 63/2014/NĐ-CP có quy định: “Bên mời thầu phải bảo đảm đơn giá của các phần việc thuộc gói thầu áp dụng mua sắm trực tiếp không được vượt đơn giá của các phần việc tương ứng thuộc gói thầu tương tự đã ký hợp đồng trước đó, đồng thời phù hợp với giá cả thị trường tại thời điểm thương thảo hợp đồng”. Ông Công hỏi, làm thế nào để chứng minh được đơn giá mua sắm trực tiếp phù hợp với giá cả thị trường tại thời điểm thương thảo hợp đồng?

Về vấn đề này, Bộ Kế hoạch và Đầu tư có ý kiến như sau:

Khoản 2, Điều 34 Luật Đấu thầu số 43/2013/QH13 quy định, một trong các căn cứ để lập kế hoạch lựa chọn nhà thầu đối với mua sắm thường xuyên là kết quả thẩm định giá của cơ quan, tổ chức có chức năng cung cấp dịch vụ thẩm định giá hoặc báo giá (nếu có).

Như vậy, việc thẩm định giá không phải là cách thức duy nhất để làm căn cứ xác định giá gói thầu. Theo đó, đối với loại hàng hóa phổ biến trên thị trường, đơn giản trong việc khảo sát, lấy báo giá thì không cần thiết phải thẩm định giá khi xây dựng giá gói thầu.

Việc chứng minh giá cả phù hợp với thị trường tại thời điểm thương thảo hợp đồng có thể thực hiện bằng nhiều phương thức khác nhau như cataloge, báo giá... và đáp ứng yêu cầu của chủ đầu tư khi thương thảo hợp đồng.

Chinhphu.vn