Ông Định làm nghề cơ khí sửa chữa thiết bị trong dây chuyền sản xuất ở Nhà máy Xi măng Holcim, trạm Cát Lái được 19 năm, đã qua các chức danh, kỹ thuật viên cơ khí, trưởng nhóm cơ khí, giám sát bảo trì ngăn ngừa cơ khí và kỹ sư cơ khí lâu năm. Tuy nhiên, Công ty không tính trường hợp của ông Định thuộc đối tượng lao động nặng nhọc, độc hại. Ông Định hỏi, như vậy có đúng không?
Về vấn đề này, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội trả lời như sau:
Việc xác định người làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm căn cứ vào Danh mục nghề nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm do Bộ lao động - Thương binh và Xã hội ban hành; ngoài tên gọi chức danh nghề có kèm theo mô tả đặc điểm điều kiện lao động.
Do các chức danh nghề, công việc ông Hoàng Gia Định nêu tại nội dung hỏi chưa mô tả rõ điều kiện lao động kèm theo, đồng thời tên các chức danh nghề, công việc này không có trong các danh mục nghề nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm do Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành nên không có cơ sở để trả lời đó là nghề nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm.
Để biết các chức danh nghề nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm trong lĩnh vực xi măng, ông Hoàng Gia Định có thể tham khảo Quyết định số 1453/LĐTBXH-QĐ ngày 13/10/1995 và Quyết định số 1629/LĐTBXH-QĐ ngày 26/12/1996 của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.