Sở Y tế là chủ đầu tư thực hiện dự án “Đầu tư xây dựng và phát triển hệ thống cung ứng dịch vụ y tế tuyến cơ sở - Dự án thành phần tỉnh Sơn La”, đầu tư xây dựng cơ sở cho 40 trạm y tế tại các xã, thuộc 10 huyện trên địa bàn tỉnh thuộc nhóm B theo tiêu chí của pháp luật về đầu tư công, không có yếu tố nhạy cảm về môi trường.
Số liệu cho từng hạng mục của Dự án nêu trên với diện tích đất là đất của trạm y tế xã, không thuộc đất phải chuyển đổi mục đích sử dụng đất, quy mô diện tích sử dụng đất, đất có mặt nước của dự án nhỏ (tổng diện tích sử dụng đất bao gồm cả đất cây xanh chỉ 6,19 ha); lượng chất thải nguy hại của từng trạm y tế 0,56 kg/ngày đêm (0,56 kg/ngày/trạm x 40 trạm = 22,4 kg/ngày; bình quân mỗi huyện có 4 trạm y tế (4 trạm x 0,56 kg/ngày = 2,24 kg/ngày tương đương 67,2 kg/tháng), không thuộc đối tượng phải cấp giấy phép môi trường mà chỉ thuộc đối tượng phải đăng ký môi trường theo quy định tại Điểm a Khoản 1 Điều 49 Luật Bảo vệ môi trường; lượng nước thải 2 m3/ngày đêm và có tính chất tương tự như nước thải sinh hoạt và được thu gom vào bể tự hoại để xử lý trước khi xả thải ra hệ thống thoát nước thải của địa phương.
Trước khi phê duyệt dự án, chủ đầu tư đã thực thiện thủ tục đăng ký môi trường cho các điểm trạm. Hiện trong quá trình lập điều chỉnh dự án, Sở Tài nguyên và Môi trường yêu cầu chủ đầu tư hoàn thiện thủ tục môi trường (lập hồ sơ cấp giấy phép môi trường cho dự án).
Ông Nguyễn Anh Phong hỏi, việc cấp giấy phép môi trường cho dự án (cho 40 điểm trạm nằm trên phạm vi 40 xã, vận hành độc lập với nhau) có phù hợp hay không? Công tác thủ tục môi trường nằm ở giai đoạn chuẩn bị dự án, vậy khi điều chỉnh dự án đưa nội dung công tác này vào có hợp lý không?
Bộ Tài nguyên và Môi trường trả lời vấn đề này như sau:
Câu hỏi của ông chưa có đủ thông tin để khẳng định dự án "Đầu tư xây dựng và phát triển hệ thống cung ứng dịch vụ y tế tuyến cơ sở - Dự án 5 thành phần tỉnh Sơn La" được phân loại thuộc dự án nhóm I, II, III hay IV, được thực hiện trong thời gian nào và đã hoàn thành những thủ tục môi trường gì? Theo Khoản 1 Điều 39 Luật Bảo vệ môi trường, dự án đầu tư nhóm I, nhóm II và nhóm III có phát sinh nước thải, bụi, khí thải xả ra môi trường phải được xử lý hoặc phát sinh chất thải nguy hại phải được quản lý theo quy định về quản lý chất thải khi đi vào vận hành chính thức thuộc đối tượng phải có giấy phép môi trường.
Trường hợp Dự án không thuộc đối tượng phải có giấy phép môi trường mới xét đến có thuộc đối tượng phải đăng ký môi trường theo quy định tại Điểm a Khoản 1 Điều 49 Luật Bảo vệ môi trường hay không.
Như vậy, ông cần căn cứ vào Điều 28 Luật Bảo vệ môi trường, Điều 25 và các Phụ lục số III, số IV, số V ban hành kèm theo Nghị định số 08/2022/NĐ-CP ngày 10/1/2022 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường để xác định Dự án thuộc nhóm nào trước khi xác định thủ tục môi trường tương ứng.
Việc xác định thủ tục môi trường phụ thuộc vào thời điểm triển khai dự án, nếu Dự án điều chỉnh được triển khai sau ngày 1/1/2022 thì thực hiện theo Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 và các văn bản quy định chi tiết thi hành.
Việc cấp giấy phép môi trường/đăng ký môi trường được thực hiện cho cả dự án đầu tư và cơ sở đang hoạt động nên yêu cầu thực hiện thủ tục môi trường là phù hợp các quy định của pháp luật.
Chinhphu.vn