Theo số liệu từ Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV), khối lượng giao dịch hàng hóa của các doanh nghiệp và nhà đầu tư trong nước nửa đầu năm 2022 đã ghi nhận mức tăng 48% so với cùng kỳ năm ngoái. Những biến động lớn của giá cả hàng hóa nguyên liệu, cùng với sự đa dạng sản phẩm giao dịch trên thị trường hàng hóa phái sinh là các yếu tố đang thúc đẩy khối lượng giao dịch tăng đều đặn hằng tháng. Chỉ số hàng hóa MXV-Index, chỉ số thể hiện sự biến động của giá hàng hóa nguyên liệu thế giới, đã tăng 15% so với cuối năm 2021. Có thời điểm, chỉ số này vượt mức 3.000 điểm, là mốc chưa từng có kể từ khi bộ chỉ số hàng hóa được MXV ban hành. Trong đó, dầu thô vẫn là mặt hàng dẫn dắt xu hướng chung của thị trường, với mức tăng 35%.
Năm 2021, giao dịch hàng hóa chủ yếu là sân chơi của các nhà đầu tư lớn do mức ký quỹ của các hợp đồng kỳ hạn tiêu chuẩn đều rất cao. Có những thời điểm, mặt hàng có ký quỹ thấp nhất tại MXV cũng yêu cầu số vốn đầu tư trên 30 triệu đồng/hợp đồng. Tuy nhiên, kể từ sau khi MXV triển khai giao dịch các hợp đồng năng lượng mini và micro kể từ tháng 11/2021, giao dịch hàng hóa đã trở nên phù hợp hơn với các tài khoản có số vốn nhỏ. Điều này giúp giao dịch hàng hóa trở thành một kênh đầu tư phổ biến hơn, thể hiện qua sự tăng trưởng về khối lượng giao dịch. Tính đến hết tháng 6/2022, dầu thô WTI micro là sản phẩm có khối lượng giao dịch nhiều nhất tại Việt Nam, chiếm 17% tỉ trọng giao dịch toàn thị trường.
Không chỉ tăng về khối lượng, hoạt động giao dịch hàng hóa đang ngày càng được cải thiện về chất lượng. Ông Đặng Việt Hưng, Tổng Giám đốc MXV cho biết: "Kết quả giao dịch của các doanh nghiệp và nhà đầu tư trong nước đang ngày càng tốt hơn, là hệ quả của cả một quá trình hình thành và phát triển thị trường một cách bài bản, quy mô và chuyên nghiệp. Công tác đào tạo thị trường vẫn là nhiệm vụ trọng tâm được MXV đề ra đối với các thành viên thị trường, nhằm giúp thị trường hàng hóa tại Việt Nam trở thành một trong những thị trường giao dịch hiệu quả nhất khu vực".
Theo nhiều chuyên gia, thị trường hàng hóa từ năm 2020 đến nay đã ghi nhận những biến động lịch sử. Những sự kiện như giá dầu giảm xuống mức âm, hay Sở Giao dịch Kim loại London (LME) phải ngừng giao dịch, là những sự kiện đã thay đổi những yếu tố cốt lõi trong công tác tổ chức thị trường của các Sở giao dịch lớn trên thế giới. Bên cạnh đó, các yếu tố mang tính bước ngoặt như căng thẳng địa chính trị tại khu vực Biển Đen đã gây ra biến động mạnh tới giá cả hàng hoá trong năm 2022. Cụ thể, giá dầu đã có lúc tăng vọt hơn 36% chỉ trong vòng 5 ngày giao dịch. Bên cạnh dầu thô, giá lương thực, đặc biệt là lúa mì cũng trở thành vấn đề nóng, khi Nga và Ukraine lần lượt là các quốc gia xuất khẩu đứng thứ nhất và thứ 5 trên thế giới, vẫn đang có xung đột. Giá lúa mì đã đạt đỉnh cao nhất mọi thời đại vào hồi đầu tháng 3 năm nay. Dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp tại thị trường Trung Quốc sau đó tiếp tục khiến giá các mặt hàng này đảo chiều và biến động không ngừng.
Trong bối cảnh nêu trên, các thay đổi thiên về đề cao vai trò của công tác quản lý rủi ro đã liên tục được công bố và cập nhật đối với thị trường toàn cầu. 6 tháng đầu năm 2022 ghi nhận số lần thay đổi ký quỹ giao dịch nhiều nhất trong hàng chục năm qua. Biên độ giao dịch, vốn rất ổn định, cũng liên tục được các Sở giao dịch điều chỉnh để phù hợp với những biến động của giá hàng hóa.
Với vai trò là Sở giao dịch hàng hóa có quy mô cấp quốc gia đầu tiên tại Việt Nam, MXV có nhiệm vụ và trách nhiệm liên tục cập nhật các thay đổi này và tổ chức, điều tiết thị trường trong nước phù hợp với những chuyển biến trên thị trường thế giới. Từ đầu năm 2022 đến nay, MXV đã ban hành hơn 600 văn bản, quyết định để điều hành, tổ chức thị trường giao dịch trong nước theo kịp thay đổi của thế giới. Bên cạnh các thay đổi về ký quỹ, biên độ giao dịch; các quy chế, quy trình, quy định cũng đã được MXV ban hành để giúp thị trường ngày càng minh bạch và chuyên nghiệp.
So với quãng thời gian hơn 10 năm hình thành, thị trường giao dịch hàng hóa mới chỉ thực sự phát triển kể từ năm 2018 tới nay. Nghị định 51/2018/NĐ-CP đã tháo nút thắt quan trọng nhất khi cho phép thị trường Việt Nam được giao dịch liên thông với các Sở giao dịch trên thế giới. Đây là bước ngoặt giúp hoạt động giao dịch trở nên minh bạch và chuyên nghiệp, thu hút sự đầu tư rất lớn từ các doanh nghiệp và nhà đầu tư trong nước. Tính đến nay, MXV đã liên thông giao dịch với hầu hết các Sở giao dịch lớn nhất trên thế giới như ở Sở Giao dịch Kim loại London (LME), Sở Giao dịch Hàng hóa Chicago (CME Group), Sở Giao dịch liên lục địa (ICE), Sở Giao dịch Hàng hóa Osaka Exchange (OSE), Sở Giao dịch Hàng hóa Singapore (SGX), Sở Giao dịch Phái sinh Bursa Malaysia Derivatives.
Các hội thảo, sự kiện do MXV và các Sở giao dịch quốc tế phối hợp tổ chức đã gây được tiếng vang lớn không chỉ đối với các doanh nghiệp và nhà đầu tư trong nước, mà còn gây ấn tượng mạnh đối với thị trường hàng hóa trong khu vực Đông Nam Á.
Việc thị trường hàng hoá Việt Nam bước ra sân chơi lớn trên toàn cầu trong bối cảnh hội nhập kinh tế ngày càng sâu rộng đồng nghĩa với việc sẵn sàng đương đầu với nhiều thách thức. Trong một thị trường liên thông với toàn thế giới, các chính sách được đặt ra cần phải bắt kịp với diễn biến trên toàn cầu. Bên cạnh đó, sự đồng bộ trong chính sách cũng là một yêu cầu tất yếu, không chỉ riêng quy định về tổ chức hoạt động của MXV mà còn của các bộ ngành khác có liên quan như chính sách thuế, chế độ hạch toán kế toán, quy định về quản lý ngoại hối hay các chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp tham gia bảo hiểm giá nguyên liệu.
"Với vai trò là Cơ quan quản lý Nhà nước liên quan đến hoạt động giao dịch hàng hóa, Bộ Công Thương luôn bám sát hoạt động để có những chính sách kịp thời với diễn biến thị trường, phù hợp với các quy định của pháp luật Việt Nam và thông lệ quốc tế, nhưng vẫn đảm bảo công tác Quản lý Nhà Nước đối với hoạt động này", ông Đặng Việt Hưng cho biết. Để thúc đẩy thị trường giao dịch hàng hóa trong nước phát triển các quy định liên quan cần phải sớm được hoàn thiện và ban hành phù hợp với thị trường quốc tế.
Theo kế hoạch đã được Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên phê duyệt, Nghị định 158/2006 và Nghị định 51/2018 liên quan đến hoạt động mua bán hàng hóa qua Sở giao dịch hàng hóa sẽ được Bộ Công Thương nghiên cứu, sửa đổi trong quý III năm 2022. Các văn bản quy phạm cần được điều chỉnh phù hợp với thực tiễn để hoạt động giao dịch hàng hóa thực sự được "cởi trói" và phát triển đúng với tiềm năng của thị trường. Giao thương hàng hóa, hội nhập kinh tế là nhiệm vụ trọng tâm và sẽ là bệ phóng giúp nền kinh tế Việt Nam vươn tầm trong khu vực và quốc tế.
Ngọc Mai