Năm 1984-1985, bác của bà Tuyết được cử đi học bổ túc văn hóa tại Trường Trung học Xây dựng số 1. Năm 1985-1991 học Đại học Bách Khoa Hà Nội, chuyên ngành thiết bị điện.
Từ khi được cử đi học đến khi ra trường (1984-1991), bác của bà không còn lưu trữ bất kỳ hồ sơ gốc nào.
Bác của bà Tuyết đến Liên hiệp các xí nghiệp lắp máy, Bộ Xây dựng để tìm hồ sơ và xin xác nhận nhưng tại đây không lưu trữ hồ sơ nào. Bà Tuyết hỏi, bác của bà cần làm gì để được cộng nối thời gian công tác nói trên vào phần đã đóng BHXH sau năm 1995?
Về vấn đề này, Bảo hiểm xã hội Việt Nam trả lời như sau:
Căn cứ Điểm 2, Mục I Công văn số 3595/LĐTBXH-BHXH ngày 18/9/2020 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội về việc hướng dẫn tính thời gian công tác đối với người lao động không còn hồ sơ gốc thể hiện thời gian làm việc trước ngày 1/1/1995, trường hợp người lao động không còn hồ sơ gốc thể hiện thời gian làm việc trong khu vực nhà nước trước ngày 1/1/1995 thì việc xem xét, quyết định tính hoặc không tính thời gian công tác trước ngày 1/1/1995 là thời gian công tác đã đóng BHXH đối với người lao động dựa trên cơ sở đơn đề nghị của người lao động, văn bản xác nhận của cơ quan quản lý người lao động và các giấy tờ có liên quan đến thời gian công tác đề nghị tính hưởng BHXH để đối chiếu như: Lý lịch Đảng viên, Lý lịch đoàn viên, số lao động, danh sách lao động, sổ theo dõi, danh sách chi trả lương, số lương thực, giấy khen, bằng khen, kỷ niệm chương, văn bằng, chứng chỉ, hồ sơ giải quyết chế độ của người lao động khi thực hiện cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước.
Đề nghị bác của bà có đơn kèm theo các loại hồ sơ, giấy tờ... theo hướng dẫn nêu trên gửi cơ quan BHXH địa phương xem xét, giải quyết.
Chinhphu.vn