Chiều 12/5, UBND TPHCM tổ chức hội thảo về đề án nghiên cứu xây dựng Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ.
Theo Phó Chủ tịch UBND Thành phố Bùi Xuân Cường, lịch sử phát triển hơn 300 năm của Sài Gòn-TPHCM gắn liền với sự phát triển của cảng biển, vận tải biển. Đến nay, cảng biển TPHCM đã được đầu tư xây dựng cơ bản hoàn chỉnh theo quy hoạch. Các cảng được đồng bộ, hiện đại, khai thác hiệu quả, đóng góp rất lớn vào sự phát triển kinh tế-xã hội của Thành phố và khu vực. Đặc biệt, cảng Cát Lái với sản lượng 5 triệu teu/năm, nằm trong top 22 cảng lớn nhất thế giới.
Phó Chủ tịch UBND Thành phố khẳng định, huyện Cần Giờ có vị trí tiếp giáp với Biển Đông, nằm giữa 2 cửa sông lớn là sông Soài Rạp, sông Lòng Tàu và tiếp giáp sông Thị Vải, là các tuyến hàng hải quan trọng của cảng biển nhóm 4, hội tụ đủ điều kiện để phát triển cảng biển cửa ngõ quốc gia và trung chuyển quốc tế.
UBND TPHCM đã giao Sở GTVT lập đề án nghiên cứu xây dựng Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ. Vì vậy, hội thảo được tổ chức để tham vấn ý kiến các chuyên gia, nhà khoa học, hội nghề nghiệp, các bộ, ngành, các tỉnh, thành phố để đánh giá tiềm năng, nhu cầu, xu hướng phát triển của cảng biển quốc tế trên địa bàn gắn với sự phù hợp quy hoạch về cảng biển hiện nay và quy hoạch quốc gia.
Các ý kiến tại hội thảo đều đánh giá việc xây dựng Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ là rất cần thiết trong bối cảnh hiện nay. Thành phố cần xem xét, chỉ định phân công các doanh nghiệp có kinh nghiệm tham gia vào công tác đầu tư, vận hành để nâng cao tính cạnh tranh.
Theo TS. Trần Du Lịch, cần có góc nhìn liên vùng, không nên chỉ xem Cần Giờ là của riêng TPHCM, mà là của cả vùng Đông Nam bộ và quốc gia. Vị chuyên gia này cho rằng, Ban Điều phối vùng Đông Nam Bộ và TPHCM phải phối hợp ngay từ đầu để mang lại lợi ích chung của cả vùng.
Còn ông Lê Duy Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam khẳng định, dự án này là động lực để phát triển đội tàu container Việt Nam, đồng thời tạo ra một khu đô thị biển Cần Giờ, một trung tâm logistics để gắn liền với cảng trung chuyển Cần Giờ và cũng sẽ tạo ra một lượng lớn công ăn việc làm cho hàng nghìn lao động; là nơi khởi nghiệp, mở rộng cho hàng trăm doanh nghiệp logistics và hàng trăm doanh nghiệp dịch vụ khác.
Theo đơn vị tư vấn đề án là Công ty cổ phần Tư vấn thiết kế cảng-kỹ thuật biển, Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ sẽ thúc đẩy mạnh mẽ hoạt động của cảng Cái Mép-Thị Vải. Theo đó, định hướng là xây dựng cảng xanh, thân thiện môi trường, sử dụng hoàn toàn bằng năng lượng điện.
Thực tế hiện nay, khoảng 70-80% hàng hoá xuất nhập khẩu được vận chuyển đến, đi khỏi khu vực cảng Cái Mép-Thị Vải ở bờ đối diện được vận chuyển theo đường thuỷ. Do đó, Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ sẽ tập trung hoàn toàn vận tải biển vào trước năm 2030 và sau năm 2030 sẽ nghiên cứu vận tải đường bộ, kết nối cảng vào đường Rừng Sác.
Dự kiến kinh phí thực hiện dự án Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ là gần 129.000 tỷ đồng. Tổng công suất hàng hóa thông qua dự kiến đạt 4,8 triệu Teu vào năm 2030 và tăng trưởng dần đạt tới 16,9 triệu Teu khi dự án hoạt động hết công suất (dự kiến năm 2047).
Vũ Phong