In bài viết

Cần gửi kết quả phê duyệt cho vay hộ nghèo tới 3 đối tượng

(Chinhphu.vn) – Theo Tổ công tác chuyên trách cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ, sau khi có kết quả phê duyệt cho vay, Ngân hàng chính sách Xã hội (NHCSXH) nên gửi thông báo đồng thời tới UBND cấp xã, tổ chức Hội nhận ủy thác, Tổ Tiết kiệm vay vốn (TKVV) và Tổ sẽ thông báo đến người vay.

20/07/2010 15:45

Ảnh minh họa

Bởi nếu NHCSXH chỉ gửi cho UBND cấp xã, sau đó UBND cấp xã thông báo kết quả phê duyệt cho vay đến tổ chức hội nhận ủy thác cấp xã để thông báo tới Tổ TKVV và Tổ thông báo đến người cho vay (tức là phải qua 4 bước) thì sẽ mất nhiều thời gian hơn so với việc gửi đồng thời cho cả 3 đối tượng này.

Tổ công tác cũng đề xuất sửa đổi Giấy đề nghị vay vốn kiêm phương án sử dụng vốn vay. Cụ thể, bỏ những yếu tố như “Số tiền trả nợ, lãi suất, lãi suất nợ quá hạn, lãi tiền vay…” trên phần quy định của người vay và bổ sung thêm “Kỳ hạn trả nợ, số tiền trả nợ và lãi tiền vay được trả định kỳ hàng tháng, vào ngày…” vào phần phê duyệt của ngân hàng.

Vì Tổ công tác cho rằng có những thông tin quy định cụ thể cho từng chương trình, từng thời kỳ và thông báo công khai, rộng rãi (như lãi suất), có những thông tin lại phụ thuộc vào từng tổ TKVV (như lãi tiền vay được trả định kỳ…) nên không cần thiết yêu cầu người vay phải điền những thông tin đó. Thay vào đó, những thông tin này cần được Ngân hàng cung cấp ở phần phê duyệt của ngân hàng để người vay biết và thực hiện.

Đồng thời, cũng nên bỏ thủ tục xác nhận của Tổ trưởng Tổ TKVV vì Tổ trưởng Tổ TKVV đã ký xác nhận trên Danh sách hộ gia đình đề nghị vay vốn do vậy không cần thiết phải xác nhận vào từng Giấy đề nghị vay vốn kiêm phương án sử dụng vốn vay.

Tổ công tác đề xuất rút ngắn thời hạn giải quyết thủ tục là 3 ngày làm việc kể từ ngày NHCSXH cấp huyện nhận được hồ sơ vay vốn đầy đủ, hợp lệ.

Đề xuất sửa các giấy gốc chứng minh quyền sở hữu tài sản cầm cố

Tổ công tác đề xuất đơn giản hóa thành phần hồ sơ của thủ tục bảo đảm tiền vay bằng hình thức cầm cố tài sản. Cụ thể, nên sửa các giấy tờ gốc chứng minh quyền sở hữu, quyền sử dụng tài sản cầm cố. Theo đó, trường hợp đối với doanh nghiệp nhà nước phải có Quyết định của cơ quan có thẩm quyền đồng ý cho doanh nghiệp dùng tài sản để cầm cố.

Trường hợp tài sản cầm cố thuộc sở hữu tập thể, sở hữu của các công ty hoạt động theo Luật Doanh nghiệp khi đem cầm cố phải có nghị quyết bằng văn bản hoặc ý kiến của Đại hội đại biểu hội đồng thành viên, hoặc ý kiến chấp thuận của Hội đồng quản trị theo quy định của Điều lệ công ty về việc đồng ý giao cho người đại diện của công ty ký văn bản cầm cố.

Với trường hợp tài sản cầm cố thuộc sở hữu của nhiều người (từ 2 người trở lên) phải yêu cầu những người đồng sở hữu tài sản ký, ghi rõ họ tên trên phần Bên cầm cố của Hợp đồng bảo đảm tiền vay theo quy định của NHCSXH.

Với trường hợp tài sản cầm cố thuộc sở hữu chung của hộ gia đình, yêu cầu người chủ hộ đại diện hộ gia đình ký trên phần Bên cầm cố của Hợp đồng bảo đảm tiền vay theo quy định của NHCSXH. Trường hợp cầm cố đối với chứng chỉ tiền gửi, sổ tiết kiệm phải có xác nhận của cơ quan phát hành.

Lý do Tổ công tác đưa ra là đối với trường hợp tài sản cầm cố thuộc sở hữu tập thể, sở hữu của các công ty hoạt động theo Luật Doanh nghiệp khi  đem cầm cố phải có nghị quyết bằng văn bản hoặc ý kiến của Đại hội đại biểu của Hội đồng thành viên, hoặc ý kiến chấp thuận của Hội đồng quản trị theo quy định của pháp luật.

Đối với trường hợp tài sản cầm cố thuộc sở hữu chung của hộ gia đình thì theo quy định của pháp luật chủ hộ là người đủ tư cách pháp lý đại diện cho cả hộ thực hiện các giao dịch vì lợi ích của hộ, không cần thiết phải có chữ ký của các thành viên khác trong hộ.

Tổ công tác cũng đề xuất thời hạn giải quyết thủ tục này là 15 ngày làm việc sau khi NHCSXH nhận được đủ hồ sơ theo quy định.

Chí Kiên