Theo trả lời của chủ đầu tư, căn hộ do ông Bách và người bạn nước ngoài cùng góp vốn mua thì việc làm chủ quyền sẽ được áp dụng như với trường hợp người nước ngoài mua nhà, mà hiện tại thủ tục này Văn phòng Đăng ký đất đai đang tạm ngừng, chờ hướng dẫn.
Ông Bách hỏi, chủ đầu tư trả lời như vậy là đúng hay sai? Nếu sai thì việc cấp chủ quyền căn hộ thuộc trường hợp nào? Thời hạn sở hữu của căn hộ như thế nào?
Nếu Giấy chứng nhận ghi thời hạn sở hữu căn hộ là thời hạn còn lại của dự án, hoặc ghi 50 năm (như cấp với đối tượng người nước ngoài), vậy, sau khi ông Bách và người bạn nước ngoài chuyển nhượng cho cá nhân khác là công dân Việt Nam thì người nhận chuyển nhượng có được cấp Giấy chứng nhận ổn định lâu dài hay không?
Bộ Xây dựng trả lời vấn đề này như sau:
Pháp luật về nhà ở hiện hành chỉ quy định về việc công nhận quyền sở hữu nhà ở tại Việt Nam của cá nhân nước ngoài hoặc cá nhân nước ngoài kết hôn với công dân Việt Nam ở trong nước (không có quy định đối với trường hợp cá nhân nước ngoài cùng góp vốn với công dân Việt Nam để mua và sở hữu nhà ở tại Việt Nam).
Do vậy, trong trường hợp này các bên có thể thỏa thuận để một trong hai bên đại diện đứng tên trong Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất đối với nhà ở đã mua.
Trường hợp người đại diện đứng tên trong Giấy chứng nhận là người Việt Nam thì thực hiện các quyền và nghĩa vụ như người Việt Nam ở trong nước.
Trường hợp cá nhân nước ngoài đại diện đứng tên trong Giấy chứng nhận thì thực hiện như đối với trường hợp cá nhân nước ngoài mua và sở hữu nhà ở tại Việt Nam quy định trong Luật Nhà ở 2014 và các văn bản hướng dẫn thi hành.
Chinhphu.vn