In bài viết

Cần hỗ trợ doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ chuyển đổi số

(Chinhphu.vn) - Theo các chuyên gia, đóng góp vào hàm lượng công nghệ cao trong từng sản phẩm là ý nghĩa sâu xa mà công nghiệp hỗ trợ Việt Nam cần hướng tới.

21/10/2022 10:53
Cần hỗ trợ doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ chuyển đổi số - Ảnh 1.

Doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ trong nước cũng ngày càng tích cực áp dụng các tiêu chuẩn, công cụ quản lý hiện đại vào sản xuất, chế tạo

Mới đây, tại hội thảo "Cải thiện vị thế ngành công nghiệp hỗ trợ Việt Nam: Vai trò của nâng cao năng lực và đổi mới sáng tạo" tổ chức mới đây, bà Đỗ Thị Thúy Hương, Phó Chủ tịch Hiệp hội công nghiệp hỗ trợ Việt Nam cho hay, trong bối cảnh nền kinh tế hội nhập toàn cầu như hiện nay, thì tỉ lệ nội địa hóa bao nhiêu phần trăm không quan trọng bằng hàm lượng công nghệ đóng góp cho chuỗi giá trị là bao nhiêu. Đó mới là điều quan trọng và là mấu chốt. Và có thể khẳng định, đóng góp vào hàm lượng công nghệ cao trong từng sản phẩm mới là ý nghĩa sâu xa mà công nghiệp hỗ trợ Việt Nam cần hướng tới.

Thực tế cho thấy, một số doanh nghiệp sản xuất linh kiện của Việt Nam có năng lực tốt ở các lĩnh vực như sản xuất khuôn mẫu các loại; linh kiện xe đạp, xe máy; linh kiện cơ khí tiêu chuẩn; dây cáp điện; linh kiện nhựa - cao su kỹ thuật; săm lốp các loại… Các sản phẩm này đã đáp ứng tốt nhu cầu trong nước và được xuất khẩu sang nhiều quốc gia trên thế giới.

Doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ trong nước cũng ngày càng tích cực áp dụng các tiêu chuẩn, công cụ quản lý hiện đại vào sản xuất, chế tạo, trong đó, đã hình thành và phát triển được các tập đoàn kinh tế lớn hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp cơ bản, vật liệu, cơ khí chế tạo như Viettel, Vingroup, Trường Hải, Thành Công, Hòa Phát..., tạo nền tảng cho ngành công nghiệp hỗ trợ, giúp các doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào mạng lưới sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia, việc chuyển đổi số ở các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp vừa và nhỏ lại đang gặp nhiều khó khăn. Khó khăn nhất trong chuyển đổi số đối với các doanh nghiệp đó là con người vận hành trong hệ thống chuyển đổi này. Muốn chuyển đổi số thành công cần tối ưu hóa hệ thống, quy trình, quy định, biểu mẫu; xây dựng các hệ thống về tiêu chuẩn chất lượng, tiêu chuẩn về kiểm tra, kiểm soát hoặc những hệ thống về báo cáo.

Ngoài ra, cơ chế chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp trong công tác chuyển đổi số đã có nhưng để doanh nghiệp tiếp cận được nguồn hỗ trợ này còn nhiều vướng mắc. Bên cạnh đó, nguồn thông tin để tiếp cận những gói hỗ trợ cũng chưa đến được với doanh nghiệp.

Chia sẻ khó khăn với các doanh nghiệp trong chuyển đổi số, Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp (Bộ Công thương) Ngô Khải Hoàn cho biết, thời gian qua đã có nhiều cơ chế, chính sách được ban hành nhằm thúc đẩy phát triển công nghiệp nói chung và công nghiệp hỗ trợ nói riêng. Cục Công nghiệp cũng đã triển khai nhiều hoạt động hợp tác với các đơn vị, tổ chức trong nước, quốc tế, các doanh nghiệp FDI lớn tại Việt Nam nhằm hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam nâng cao năng lực cạnh tranh, tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu.

NT