In bài viết

Cần hoàn thiện khung pháp lý để phát triển kinh tế số

(Chinhphu.vn) – Ngày 29/9, Trường Đại học Kinh tế quốc dân phối hợp với Vụ Pháp luật Dân sự - Kinh tế (Bộ Tư pháp ) tổ chức tọa đàm “Hoàn thiện khung pháp luật về kinh tế và nâng cao hiệu quả tổ chức thi hành pháp luật trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4”.

29/09/2021 17:00

Toạ đàm được tổ chức trong khuôn khổ các hoạt động triển khai thực hiện Nghị quyết số 50/NQ-CP ngày 17/4/2020 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư và Quyết định số 2289/QĐ-TTg ngày 31/12/2020 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Chiến lược quốc gia về cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đến năm 2030.

Các chuyên gia cho rằng ngoài những bộ luật truyền thống, hiện nay đã có khá nhiều văn bản pháp luật từng bước được ban hành để điều chỉnh quan hệ của các chủ thể tham gia cuộc cách mạng 4.0 như: Luật Giao dịch điện tử năm 2005, Luật Công nghệ thông tin năm 2006, Luật An toàn thông tin mạng năm 2015, Luật An ninh mạng năm 2018.

Tuy nhiên, theo PGS.TS Trần Văn Nam (Trường Đại học Kinh tế quốc dân), khung pháp lý này hiện cũng bộc lộ một số tồn tại do môi trường pháp lý còn bất cập, thiếu đồng bộ giữa các văn bản pháp luật; còn có khoảng cách giữa quy định pháp luật với việc thực thi trong thực tế. Các quy định thường không theo kịp với tốc độ số hóa nhanh chóng của nền kinh tế.

Thực tế vừa qua cho thấy cơ quan quản lý còn lúng túng trong việc quản lý doanh thu để thu thuế cho loại hình kinh tế chia sẻ mà điển hình là sự tranh chấp giữa taxi truyền thống và taxi công nghệ. Bên cạnh đó, xu hướng mua hàng qua mạng đang phát triển mạnh nhưng tiềm ẩn nhiều rủi ro vì không kiểm tra được chất lượng, nguồn gốc sản phẩm, người tiêu dùng khó xác định đầu mối để khiếu nại, đòi bồi thường.

Trong khi đó, vấn đề quản lý thông tin người dùng hiện nay cũng chưa được thể chế hoá đồng bộ. Chưa có quy định chi tiết về bảo vệ dữ liệu cá nhân, nên thực tế chưa hướng tới thực hiện triệt để quy định “thông tin người dùng Việt Nam chỉ được tồn tại trong lãnh thổ Việt Nam” để bảo vệ thông tin người tiêu dùng có hiệu quả, đồng thời cần quan tâm đến luật hoá các vấn đề về bảo vệ thông tin cá nhân trong môi trường số.

Đồng tình với chủ trương đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính để tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp số hoạt động có hiệu quả, ông Trần Văn Nam cho rằng bản thân DN thuộc các ngành kinh tế cũng cần xây dựng và thực hiện các mục tiêu chiến lược chuyển đổi số phù hợp, dễ tiếp cận nhằm đáp ứng với các điều kiện thị trường liên tục thay đổi để tạo được lợi thế cạnh tranh, nâng cao giá trị và sự hài lòng của khách hàng.

Xác định tầm quan trọng của chuyển đổi số, Việt Nam là một trong những quốc gia đầu tiên trên thế giới ban hành chương trình, chiến lược về chuyển đổi số quốc gia, đưa Việt Nam trở thành quốc gia có nhận thức về chuyển đổi số song hành cùng các quốc gia tiên tiến trên thế giới. Đây là điều kiện thuận lợi để Việt Nam chủ động khai thác triệt để các cơ hội mà cuộc cách mạng công nghệ mang lại và bứt phá vươn lên. Năm 2021 và cả giai đoạn 2021 - 2025 sẽ là giai đoạn tăng tốc với những hành động triển khai cụ thể theo từng ngành, từng lĩnh vực, từng địa phương.

Các chuyên gia cho rằng cần tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý hỗ trợ cải thiện môi trường kinh doanh cần nghiên cứu các luật liên quan đến thị trường số, kinh tế số… Trong đó, TS. Lưu Hương Ly (Vụ Pháp luật Dân sự - Kinh tế, Bộ Tư pháp) gợi ý cần hoàn thiện khung pháp luật về hồ sơ, hợp đồng thông minh, những thỏa thuận được tự động thực thi bằng máy tính. Những hợp đồng như vậy được thiết kế nhằm bảo đảm việc thực thi mà không cần đến các tòa án cũng như loại bỏ sự tùy nghi của con người trong việc thực thi hợp đồng.

Với những ưu điểm như bảo đảm tính minh bạch, sự tin cậy, chắc chắn trong thực thi và giảm chi phí giao dịch, hợp đồng thông minh được coi là có tiềm năng phát triển rất lớn và đang rất được cộng đồng quốc tế quan tâm.

Theo TS Lưu Hương Ly, Luật Giao dịch điện tử năm 2005 chưa có quy định về việc giao kết và thực hiện hợp đồng thông qua việc sử dụng hệ thống thông tin tự động mà mới chỉ quy định khái niệm giao dịch điện tử tự động, quy định này chưa làm rõ giá trị pháp lý cũng như trách nhiệm của các bên khi tham gia vào các giao dịch điện tử tự động.

Từ những hạn chế trên, chuyên gia cũng đưa ra một số kiến nghị sửa đổi, trong đó, Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi) cần nêu định nghĩa rõ ràng, phân biệt các khái niệm “chữ ký điện tử”, “chữ ký điện tử an toàn”, “chữ ký số”. Trong đó cần quy định rõ chữ ký số cũng chỉ là một loại chữ ký điện tử an toàn. Luật mới sau khi sửa đổi cần quy định rõ các điều kiện, tiêu chuẩn để chữ ký điện tử được coi là chữ ký an toàn.

Bên cạnh đó, Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi) cũng cần có quy định đảm bảo giá trị pháp lý của chữ ký điện tử an toàn theo hướng chữ ký điện tử an toàn có giá trị chứng cứ (các bên không phải chứng minh tính xác thực và tính toàn vẹn của chữ ký điện tử an toàn), trừ trường hợp có chứng cứ chứng minh ngược lại.

Tại tọa đàm, các chuyên gia cũng trao đổi về kinh nghiệm của một số quốc gia trong việc thúc đẩy ứng dụng các công nghệ cốt lõi của cuộc cách mạng 4.0 trong hoạt động kinh doanh; kiến nghị giải pháp nhằm hoàn thiện các quy định pháp luật và nâng cao hiệu quả tổ chức thi hành pháp luật về giao dịch, hợp đồng, sở hữu, quyền tài sản và các vấn đề khác liên quan đến cuộc cách mạng 4.0 tại Việt Nam.

Anh Minh