In bài viết

Cần hướng đến toàn bộ trẻ dưới 6 tuổi có thẻ BHYT

(Chinhphu.vn) – Phóng viên Cổng TTĐT Chính phủ đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Trọng An, Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ, chăm sóc trẻ em, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội xung quanh việc triển khai cấp thẻ bảo hiểm y tế (BHYT) cho trẻ em dưới 6 tuổi hiện nay, khi mà thực tiễn còn gần 2 triệu trẻ chưa có thẻ BHYT và mục tiêu cần hướng đến là toàn bộ trẻ dưới 6 tuổi đều được cấp thẻ BHYT.

18/08/2011 17:09

Ông Nguyễn Trọng An, Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ, chăm sóc trẻ em, Bộ Lao động, Thương Binh và Xã hội - Ảnh: Chinhphu.vn

Hơn 8,1 triệu trẻ em dưới 6 tuổi được cấp thẻ BHYT

PV: Theo Luật Bảo hiểm Y tế (BHYT), trẻ em dưới 6 tuổi có quyền tham gia BHYT, xin ông cho biết, sau 2 năm thực hiện Luật, hiện việc triển khai này đã đạt được những kết quả gì?

Ông Nguyễn Trọng An, Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ, chăm sóc trẻ em, Bộ Lao động, Thương Binh và Xã hội: Có thể khẳng định rằng, việc cấp thẻ BHYT thay cho thẻ khám-chữa bệnh miễn phí cho trẻ dưới 6 tuổi là hoàn toàn phù hợp với quy luật phát triển xã hội, phù hợp với chủ trương của Nhà nước.

Sau 2 năm thực hiện Luật BHYT cùng với sự quan tâm chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương, quyền lợi được chăm sóc sức khỏe của người tham gia BHYT nói chung và trẻ em nói riêng ngày càng được mở rộng và đảm bảo hơn, trẻ em dưới 6 tuổi ngày càng được tiếp cận thuận lợi hơn với các dịch vụ y tế, chăm sóc sức khỏe.

Hiện nay, toàn quốc đã có hơn 8,1 triệu trẻ em dưới 6 tuổi được cấp thẻ BHYT.

Theo tổng hợp của Cục Bảo vệ, chăm sóc trẻ em, đến tháng 12/2010, toàn bộ 63/63 Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh, thành phố đã hoàn thiện công tác bàn giao danh sách cho Bảo hiểm Xã hội Việt Nam (Bảo hiểm Xã hội) với tổng số 8.701.443 trẻ em dưới 6 tuổi đã được cấp thẻ khám chữa bệnh còn hạn và số hết hạn thẻ khám, chữa bệnh thời điểm này là 1.615.191 trẻ.

Hầu hết các tỉnh đã phối hợp chặt chẽ với ngành Y tế, Bảo hiểm Xã hội trong việc rà soát cung cấp thông tin và danh sách trẻ dưới 6 tuổi mới sinh để BHYT cấp phát thẻ BHYT kịp thời.

Tại một số tỉnh, tỷ lệ trẻ được cấp thẻ BHYT đạt tỷ lệ cao trên 90% như: Vĩnh Phúc, Hải Dương, Thái Bình, Nam Định, Quảng Bình, Thanh Hóa, Vĩnh Long, Cần Thơ, Quảng Bình, Quảng trị, Thừa Thiên Huế, Khánh Hòa, TP. Hồ Chí Minh...

Nhưng còn gần 2 triệu trẻ em chưa có thẻ BHYT

PV: Theo thông tin một số cơ quan báo chí thời gian qua, hiện vẫn còn gần 2 triệu trẻ em dưới 6 tuổi chưa được cấp thẻ BHYT, ông có thể cho biết rõ hơn về vấn đề này?

Ông Nguyễn Trọng An: Hiện mới có 8,1 triệu trẻ em dưới 6 tuổi được cấp thẻ BHYT theo Luật BHYT. Như vậy còn gần 2 triệu trẻ em chưa có thẻ bảo hiểm y tế. Trong số này có nhiều trẻ em theo gia đình lang thang kiếm sống hoặc thuộc các gia đình không có nơi cư trú ổn định tại các địa phương. Các em bé này sẽ rất thiệt thòi khi đi khám, chữa bệnh nếu không có thẻ BHYT.

Theo quy định, UBND xã, phường phải có trách nhiệm lập danh sách trẻ em mới được sinh ra trong tháng, đề nghị cơ quan Bảo hiểm Xã hội cấp huyện cấp thẻ BHYT cho các cháu. Nhưng cái khó hiện nay là ở các địa phương chưa có cán bộ chuyên trách về BHYT.

Thông thường, các phường, xã giao việc thống kê danh sách trẻ em dưới 6 tuổi cho cán bộ Hội Phụ nữ hoặc cán bộ dân số kế hoạch hóa gia đình. Sau đó, các cán bộ này giao về các tổ, khu phố thống kê. Do đó, tiến độ nhanh hay chậm còn tùy thuộc vào cán bộ này có tích cực hay không. Trong khi bản thân cán bộ được giao thống kê cũng kiêm nhiệm, lại không có chế độ chính sách, lương bổng gì cho việc thống kê.

Hơn nữa, đến nay vẫn chưa thống nhất được quy trình cấp phát thẻ tại các địa phương, chưa quy định rõ thời gian phải cấp thẻ BHYT cho trẻ dưới 6 tuổi; nhiều địa phương chưa có cơ chế giám sát, xử lý hoạt động này.

Ngoài ra còn có các nguyên nhân khác như chậm trễ tiến độ bàn giao danh sách trẻ em dưới 6 tuổi giữa Sở Lao động, Thương binh và Xã hội và cơ quan bảo hiểm các địa phương (có 15 tỉnh đến hết quý IV/2010 mới bàn giao xong).

Đồng thời cũng còn có một nguyên nhân từ phía người dân, do chưa nhận thức được ý nghĩa của việc có thẻ BHYT cho con mình nên nhiều bậc phụ huynh - đặc biệt là ở vùng nông thôn vẫn tỏ ra khá thờ ơ với tấm thẻ này. Nhiều bà mẹ “quên” không làm giấy khai sinh hoặc không chủ động đổi thẻ khám chữa bệnh miễn phí trước đây để lấy thẻ BHYT.

Cần quan tâm đến nhóm trẻ em khó khăn, trẻ bị bất bình đẳng về cơ hội phát triển

PV: Vậy việc chậm cấp phát BHYT có ảnh hưởng đến việc khám và chữa bệnh cho trẻ em dưới 6 tuổi hiện nay không, thưa ông?

Trẻ em dưới 6 tuổi có quyền tham gia BHYT - Ảnh minh họa

Ông Nguyễn Trọng An: Nhìn chung việc cấp phát thẻ BHYT chậm không ảnh hưởng đến việc khám, chữa bệnh cho trẻ em dưới 6 tuổi nếu các cháu có Giấy khai sinh, Giấy chứng sinh hay Giấy xác nhận của UBND cấp xã.

Trường hợp chưa được cấp thẻ BHYT thì tiếp tục sử dụng thẻ khám-chữa bệnh miễn phí còn giá trị sử dụng cho đến khi được cấp thẻ BHYT.

Tuy nhiên, cả 3 loại giấy này chỉ được khám, chữa bệnh miễn phí trong phạm vi quận, huyện, thành phố  nơi cháu sinh sống. Nếu khám, chữa bệnh ở các bệnh viện thuộc quận, huyện và thành phố khác sẽ được coi như là trái tuyến.  

Điều đáng nói ở đây là quyền lợi được chăm sóc sức khỏe của mọi trẻ em. Chúng ta cần phải quan tâm đến nhóm trẻ em khó khăn, nhóm trẻ đang bị bất bình đẳng về cơ hội phát triển. Đó là số trẻ em theo gia đình lang thang kiếm sống hoặc thuộc các gia đình không có nơi cư trú ổn định tại các địa phương (ước tính Hà Nội có khoảng 20.000 em và TP. Hồ Chí Minh có khoảng hơn 40.000 em). Đây là nhóm trẻ gặp khó khăn nhất khi không có thẻ BHYT mà phải đi khám chữa bệnh, quyền lợi khám, chữa bệnh của các em bị ảnh hưởng và các em sẽ bị thiếu cơ hội tiếp cận những dịch vụ mà BHYT mang lại.

Hướng đến toàn bộ trẻ em dưới 6 tuổi đều có thẻ BHYT

PV: Vấn đề đặt ra hiện nay là để giải quyết việc cấp thẻ BHYT đầy đủ cho trẻ dưới 6 tuổi, nhất là với số 2 triệu thẻ chưa được cấp, cần phải giải quyết những vấn đề vướng mắc gì, thưa ông?

Ông Nguyễn Trọng An: Để giải quyết sớm tình trạng trên, đảm bảo quyền lợi cho trẻ em, theo tôi, chúng ta cần song song triển khai đồng bộ một số hoạt động sau:

Một là, tăng cường truyền thông giáo dục toàn dân về quyền lợi của trẻ em được chăm sóc sức khỏe và tính ưu việt của BHYT; những nội dung mới của Luật BHYT đồng thời xác định rõ trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân trong việc phổ biến và hướng dẫn, tổ chức triển khai thực hiện Luật BHYT.

Hai là, các Bộ ngành chủ quản, UBND xã phường phải làm tốt nhiệm vụ được giao trong các văn bản pháp luật hiện hành, có sự giám sát để khen thưởng động viên hoặc xử phạt nghiêm minh.

Ba là, quan tâm hỗ trợ vật chất và tinh thần cho đội ngũ cán bộ thôn bản, những người chịu trách nhiệm trực tiếp thu thập thông tin, lập danh sách trẻ em dưới 6 tuổi. Tùy theo khả năng của từng địa phương chế độ bồi dưỡng thêm cho đội ngũ này tính theo số lượng trẻ được cấp thẻ.

Đồng thời, giao nhiệm vụ cụ thể cho cộng tác viên phụ trách từng cụm dân cư, phối hợp cùng cán bộ tư pháp xã rà soát và lập danh sách, sau đó làm thẻ và có thể kết hợp cấp Giấy khai sinh cùng với thẻ BHYT cho trẻ em mới sinh luôn trong một lần làm thủ tục.

Bốn là, phải tiếp tục hướng dẫn, giải quyết một số vướng mắc về khám chữa bệnh bằng BHYT như: Ðăng ký khám chữa bệnh ban đầu; thủ tục thanh toán đối với trường hợp tai nạn giao thông, một số quyền lợi của trẻ em dưới 6 tuổi... Ðồng thời nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, cải tiến quy trình thủ tục thực hiện khám, chữa bệnh để giảm bớt các thủ tục phiền hà, đáp ứng sự hài lòng của người bệnh BHYT nói chung và trẻ em dưới 6 tuổi nói riêng.

Năm là, tiếp tục rà soát, hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật về BHYT, trên cơ sở đánh giá các quy định của Luật BHYT để có những đề xuất sửa đổi, bổ sung.

Chúng ta phải lấy trẻ em làm trọng tâm, không vì khó khăn của người lớn mà để các em thiệt thòi. Các cơ quan chức năng, nhất là các đơn vị chịu trách nhiệm chính trong lĩnh vực này cần có các giải pháp tháo gỡ kịp thời, đảm bảo quyền lợi chăm sóc sức khỏe của trẻ em.

PV: Vậy với chức năng của mình, Cục Bảo vệ, chăm sóc trẻ em đã có những biện pháp gì để đảm bảo quyền lợi cho trẻ nhỏ, đặc biệt là quyền được hưởng BHYT?

Ông Nguyễn Trọng An: Với chức năng của Cục Bảo vệ, chăm sóc trẻ em, ngay từ tháng 10/2009, chúng tôi đã tham mưu cho lãnh đạo Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội ban hành công văn số 3940/LĐTBXH- BVCSTE với 3 nội dung chính: Hướng dẫn các địa phương bàn giao danh sách trẻ em dưới 6 tuổi; đẩy mạnh công tác phối hợp để xây dựng dự toán ngân sách để đóng BHYT 3 tháng cuối năm 2009 và tăng cường công tác kiểm tra giám sát các hoạt động khám, chữa bệnh của trẻ em dưới 6 tuổi tại các địa phương.

Trong thời gian qua, Cục đã có nhiều hoạt động chỉ đạo, đôn đốc các địa phương đẩy nhanh công tác bàn giao danh sách trẻ, tăng cường công tác giám sát việc khám, chữa bệnh cho trẻ em dưới 6 tuổi.

Đồng thời đã phối hợp với Vụ Bảo hiểm Y tế của Bộ Y tế và các Ban của Bảo hiểm Xã hội tổ chức các cuộc kiểm tra giám sát, các hội thảo, hội nghị chia sẻ kinh nghiệm và đề xuất giải pháp thực hiện có hiệu quả Luật BHYT và Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em.

Trong thời gian tới Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội sẽ tiếp tục thực hiện chức năng quản lý nhà nước về trẻ em, sẵn sàng  phối hợp với Bộ Y tế, Bảo hiểm Xã hội và các Bộ, ngành chức năng để cùng thảo luận bàn giải pháp tháo gỡ các khó khăn vướng mắc, nhằm đảm bảo cho mọi đối tượng trẻ em đều được hưởng quyền lợi, được chăm sóc sức khỏe và toàn bộ trẻ em dưới 6 tuổi đều có thẻ BHYT.

PV: Trân trọng cảm ơn ông!

Trần Thơm – Thanh Hoài thực hiện