Đội ngũ nhân lực chất lượng là năng lực nội tại quan trọng nhất của nền kinh tế. |
Trong các năng lực nội tại của nền kinh tế, đội ngũ nhân lực chất lượng là năng lực nội tại quan trọng nhất. Tại bất cứ thời điểm nào, trong bất kỳ lĩnh vực nào sự thành - bại đều do yếu tố con người quyết định.
Việt Nam đang trong thời kỳ cơ cấu dân số vàng, tỷ lệ dân số từ 15 – 64 tuổi chiếm 67,8%, lực lượng lao động dồi dào với trên 3/4 dân số từ 15 tuổi trở lên tham gia lực lượng lao động. Tỷ lệ lao động có việc làm năm 2020 chiếm 97,7%. Mức độ phát triển con người ngày càng cải thiện, chỉ số Phát triển con người của Việt Nam tăng từ 0,683 năm 2015 lên 0,702 năm 2020.
Cơ cấu lao động theo khu vực kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực. Năm 2015 tỷ trọng lao động khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm 43,56% trong tổng số lao động có việc làm, đến năm 2020 tỷ lệ này đã giảm xuống còn 33,06%.
Bên cạnh đó, đội ngũ nhân lực nghiên cứu khoa học đã có bước phát triển đáng kể về số lượng, chiếm khoảng 0,3% trong tổng số lao động đang làm việc của nền kinh tế, đóng góp thiết thực cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, một số lĩnh vực có thứ hạng cao trong khu vực ASEAN. Khoa học kỹ thuật và công nghệ đã dần thâm nhập vào hoạt động sản xuất, giúp nâng cao chất lượng, hiệu quả sản xuất kinh doanh và năng lực cạnh tranh của một số sản phẩm, hàng hoá và dịch vụ.
Đội ngũ nhân lực giáo dục đào tạo cơ bản đủ về số lượng, đạt chuẩn và trên chuẩn đào tạo, nghề nghiệp ở nhiều mức độ. Ngành Giáo dục và Đào tạo đã triển khai nhiều chương trình đào tạo chất lượng cao, góp phần tích cực trong quá trình hội nhập quốc tế của đất nước.
Mạng lưới cơ sở Giáo dục nghề nghiệp (GDNN) được sắp xếp tinh gọn, đảm bảo tính bao phủ toàn quốc, đa dạng về loại hình, trình độ đào tạo và mô hình hoạt động. Số lượng và kỹ năng nghề, nghiệp vụ sư phạm của hệ thống giáo viên và cán bộ quản lý GDNN được tăng lên và nâng cao. Quá trình xã hội hóa GDNN có nhiều chuyển biến tích cực, tăng tính chủ động, linh hoạt cho hoạt động của hệ thống GDNN. Hợp tác quốc tế lĩnh vực GDNN được đẩy mạnh cả về quy mô, hiệu quả, hình thức và đa dạng hóa về nội dung.
Đội ngũ nhân lực công nghệ thông tin có sự phát triển cả về số lượng và chất lượng, từng bước đáp ứng yêu cầu ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin hiện nay. Nước ta là một trong 20 quốc gia sử dụng Internet cao nhất thế giới, với tỷ lệ người sử dụng khoảng 70%. Tỷ lệ sử dụng điện thoại thông minh tại Việt Nam chiếm trên 45% dân số, xếp thứ 15 trong các quốc gia có lượng người dùng điện thoại thông minh lớn nhất thế giới. Ứng dụng trí tuệ nhân tạo và robot có những tiến bộ đáng kể…
Hiện nay nước ta có khoảng 4,5 triệu người đang sống, lao động và học tập ở nước ngoài, khoảng 3-3,5 triệu người trong độ tuổi lao động. Trong đó những người có trình độ cao chiếm khoảng 10-15% dân số cộng đồng Việt Nam ở nước ngoài, tương đương với 450-600 nghìn người. Khoảng 25% người Việt tại Mỹ có trình độ đại học hoặc trên đại học; trí thức người Việt tại Pháp có khoảng 40 nghìn người; tại Australia và Canada mỗi nước có trên 30 nghìn người; tại Nga và Đông Âu có khoảng 10 nghìn; tại Nhật, có tới 80 nghìn du học sinh người Việt Nam, tăng 15 lần trong chín năm qua, trong đó số nghiên cứu sinh bậc tiến sĩ ước tính lên tới 3 nghìn người, và có ít nhất 1 nghìn người đã lấy bằng tiến sĩ và đang nghiên cứu trình độ sau tiến sĩ.
Bên cạnh những ưu điểm, nguồn nhân lực của Việt Nam cũng còn không ít những tồn tại. Cụ thể là, lực lượng lao động dồi dào nhưng chất lượng lao động thấp. Năm 2020 tỷ lệ lao động đã qua đào tạo có chứng chỉ ở mức 23,6%; trên 60% việc làm thuộc khu vực nông nghiệp và phi chính thức với năng xuất lao động thấp; kỷ luật lao động của người Việt Nam nhìn chung kém, thiếu các kỹ năng mềm, thiếu khả năng hợp tác và gánh chịu rủi do, ngại phát huy sáng kiến và chia sẻ kinh nghiệm.
Mặc dù cơ cấu lao động chuyển dịch theo hướng tích cực nhưng so với các nước trong khu vực, chuyển dịch cơ cấu lao động của nước ta còn khá chậm. Lao động trong ngành dịch vụ có tính “huyết mạch” của nền kinh tế như tài chính, ngân hàng chiếm tỷ trọng rất thấp, ở mức 0,8% năm 2020.
Chất lượng của đội ngũ cán bộ khoa học công nghệ còn hạn chế, thiếu các nhà khoa học giỏi, đầu ngành, chuyên gia trong các lĩnh vực công nghệ cao. Nhân lực khoa học và công nghệ phân bố không đều, một bộ phận sử dụng nhiều thời gian cho công tác quản lý; tinh thần hợp tác nghiên cứu và kỹ năng làm việc nhóm còn yếu, khó hình thành các nhóm nghiên cứu mạnh và các nhóm nghiên cứu liên ngành hoạt động lâu dài, bền vững. Chính sách thu hút, đãi ngộ chưa tạo thành động lực để phát huy hiệu quả năng lực sáng tạo của đội ngũ trí thức khoa học có trình độ cao, tài năng trẻ. Chưa có chính sách thỏa đáng để thu hút và sử dụng các trí thức tài năng là người Việt Nam ở nước ngoài tham gia hoạt động nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ tại Việt Nam.
Năng lực nghề nghiệp của một bộ phận giáo viên còn yếu, chậm đổi mới phương pháp giảng dạy, chưa đáp ứng yêu cầu dạy học theo định hướng phát triển năng lực của học sinh. Năng lực quản lý và quản trị nhà trường của một bộ phận cán bộ quản lý còn yếu, chưa đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục.
Đáng lưu ý, chất lượng của hệ thống giáo dục và đào tạo cũng còn nhiều điều đáng suy nghĩ. Năm 2020, Ngân hàng Thế giới xếp hạng 1.000 trường đại học theo ba bảng xếp hạng uy tín Webometrics, QS và THE, Việt Nam đứng cuối cùng, sau cả Philippines, Indonesia, Malaysia và Thái Lan. Tại mỗi bảng QS và THE, Việt Nam chỉ có hai trường góp mặt trong top 1.000 và không có trường nào được xếp hạng theo bảng Webbometrics. Trong khi đó Indonesia có 9, 3 và 2; Thái Lan có 8, 5 và 6; Trung Quốc đứng đầu bảng xếp hạng khi có đến 40 đại diện ở top 1.000 xếp theo QS, 63 đại diện xếp theo THE và 103 đại diện theo Webometrics.
Tỷ lệ nghiên cứu của Việt Nam cũng còn khoảng cách xa so với các nước trong khu vực và trên thế giới. Giai đoạn 2010-2017, tỷ lệ nghiên cứu trên một triệu dân của Việt Nam tăng từ 23 lên 63, thấp hơn mức 71 của Indonesia, 212 của Thái Lan và còn kém xa mức 4.813 của Thuỵ Sĩ, quốc gia đứng đầu danh sách. Trong 10 năm 2008-2018, Việt Nam tăng từ vị trí 64 lên 45 về chỉ số đổi mới toàn cầu nhưng vẫn đứng chót về hầu hết chỉ số khác".
Công tác quản lý nhà nước về GDNN còn bộc lộ khá nhiều bất cập, chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển đất nước. Mạng lưới cơ sở GDNN chưa hợp lý giữa các vùng miền, ngành nghề, trình độ đào tạo; chất lượng, hiệu quả GDNN chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, chưa tạo được cơ chế gắn bó chặt chẽ với doanh nghiệp và đơn vị sử dụng lao động. Mất cân đối về số lượng người học ở các trình độ cao đẳng, trung cấp và sơ cấp; cơ cấu và chất lượng nguồn nhân lực đầu ra của GDNN chưa đáp ứng được yêu cầu của cách mạng công nghiệp lần thứ tư...
Trong những năm qua, Đảng và Nhà nước, Chính phủ luôn quan tâm đến việc xây dựng đội ngũ nhân lực, đặc biệt việc đào tạo, thu hút, trọng dụng nhân tài. Về cơ bản, chủ trương, luật và các chính sách về phát hiện, đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng và trọng dụng nhân tài đã khá đầy đủ, phản ánh rõ nét nhận thức của Đảng và Nhà nước về vai trò, tầm quan trọng của nhân tài và sự cần thiết phải thu hút, trọng dụng nhân tài trong sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Để các chủ trương, luật, chính sách về phát triển đội ngũ nhân lực có năng lực chuyên môn tốt, về phát hiện, đào tạo, thu hút, trọng dụng và sử dụng nhân tài, cần đẩy mạnh thực hiện một số giải pháp sau:
Thứ nhất, khẩn trương hoàn thiện thể chế về phát triển, quản lý, sử dụng hiệu quả đội ngũ nhân lực của đất nước. Cụ thể hóa luật pháp, cơ chế, chính sách về giáo dục, đào tạo; GDNN; lao động tiền lương; thị trường lao động; tuyển dụng công chức.
Thứ hai, tổ chức thực hiện hiệu quả các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục, đào tạo theo hướng chuẩn hóa, hiện đại và hội nhập quốc tế. Đổi mới và phát triển giáo dục, đào tạo, GDNN phải đi đôi và gắn kết chặt chẽ với phát triển khoa học và công nghệ, với nhu cầu của thị trường lao động.
Thứ ba, đổi mới công tác quản lý, sử dụng đánh giá và đào tạo lại đội ngũ nhân lực. Đặc biệt đổi mới căn bản và toàn diện chính sách tuyển dụng, đánh giá, sử dụng và đề bạt đội ngũ nhân lực trong bộ máy nhà nước.
Thứ tư, nghiên cứu đổi mới chế độ tiền lương theo nguyên tắc thị trường; xây dựng và thực hiện chế độ đãi ngộ tương xứng với kết quả công việc, trình độ và năng lực của người lao động.
Thứ năm, nghiên cứu và học tập kinh nghiệm quốc tế trong phát hiện, bồi dưỡng, thu hút, trọng dụng và sử dụng hiệu quả nhân tài. Trước mắt có chính sách và giải pháp đặc thù, hiệu quả để giữ chân nhân tài trong nước và thu hút nhân tài là người Việt Nam ở nước ngoài yên tâm trở về làm việc trong “môi trường chuyên môn trong lành” để họ chuyên tâm phát huy tài năng, trí tuệ.
Thứ sáu, nhân rộng chính sách và kinh nghiệm thu hút nhân tài người Việt Nam ở nước ngoài của các tập đoàn kinh tế lớn của Việt Nam. Đặc biệt các tập đoàn kinh tế Nhà nước có tiềm lực tài chính cần tích cực thực hiện chủ trương thu hút nhân tài hàng đầu thế giới. Cơ quan chức năng cần lập danh sách các chuyên gia, nhà khoa học là người Việt Nam ở nước ngoài và công bố rộng rãi đến các cơ quan, doanh nghiệp trong nước để thu hút, mời hợp tác trong các lĩnh vực phù hợp.
Việt Nam rất cần một chiến lược bài bản, chuyên nghiệp, cụ thể và đột phá để xây dựng hệ sinh thái vững mạnh nhằm tạo dựng đội ngũ nhân lực - Năng lực nội tại quan trọng nhất, quyết định sự phát triển của đất nước, trong đó phải xây dựng và vận hành hiệu quả hệ sinh thái cho đào tạo, thu hút và sử dụng nhân tài. Chúng ta hy vọng trong một, hai thập kỷ tới, Việt Nam thực sự có đội ngũ nhân lực có tính chuyên nghiệp, năng lực, trình độ và kỹ năng cao, có đội ngũ nhân tài hùng hậu, trí tuệ để xây dựng một nước Việt Nam hùng cường phồn vinh, có vị thế cao trên trường quốc tế./.
TS. Nguyễn Bích Lâm