Thị trường chứng khoán tại Việt Nam đã tăng trưởng tích cực trong 3 năm trở lại đây. Nhưng thời gian qua, thị trường chứng kiến sự sụt giảm liên tục trong nhiều ngày, thậm chí thị trường ghi nhận thủng mốc 1.000 điểm, vốn hóa của thị trường bốc hơi mạnh, nhiều nhà đầu tư mất vốn, niềm tin cũng dần trở nên lung lay.
Trên các diễn đàn mạng xã hội là lời than của nhà đầu tư "của đau con xót". Dù dự báo rằng việc thị trường sẽ tiếp tục điều chỉnh đã được đưa ra nhưng không ai có thể ngờ rằng đà lao dốc lại diễn ra nhanh như vậy. Điều đáng nói, thị trường lao dốc giai đoạn hiện tại là vô lý và yếu tố niềm tin vào thị trường đang có vấn đề.
Có thể khẳng định, kinh tế vĩ mô nước ta giữ ổn định với những con số hết sức tích cực. GDP quý III/2022 ước tính tăng khá cao ở mức 13.67% so với cùng kỳ năm trước, bình quân GDP 9 tháng đầu năm tăng 8,83%, đây là mức tăng cao nhất của 9 tháng kể từ năm 2011 đến nay. Theo dự báo của nhiều tổ chức quốc tế, Việt Nam sẽ có mức tăng trưởng kinh tế cao nhất khu vực châu Á-Thái Bình Dương trong năm nay. Trong khi đó, lạm phát được kiểm soát tốt. Việt Nam được đánh giá là một trong những nước có mức lạm phát thấp nhất thế giới (lạm phát (CPI) 10 tháng năm 2022 chỉ tăng 2,89%). Tình hình kinh doanh của doanh nghiệp khả quan. Lợi nhuận sau thuế so với cùng kỳ của hơn 500 doanh nghiệp vừa công bố tăng 20,8%...
Vậy câu hỏi được đặt ra tại sao thị trường chứng khoán lại giảm điểm mạnh? Theo nhiều chuyên gia, một nguyên nhân quan trọng là niềm tin bị lung lay, tâm lý bị dao động. Nhà đầu tư hoang mang khi nhiều tin đồn đua nhau xuất hiện trên thị trường chứng khoán, nào là vị lãnh đạo doanh nghiệp A, B đang bị điều tra, công ty C đang nằm trong hồ sơ theo dõi của công an, rồi hình ảnh cảnh sát đứng trước cổng một tập đoàn nào đó…
Tin đồn thất thiệt, thiếu kiểm chứng cứ âm thầm lan truyền trên mạng khiến nhà đầu tư lo ngại, thậm chí hoang mang và tất nhiên, tác động mạnh đến các quyết định đầu tư của họ. Không ít người trong tâm lý buông xuôi với kế hoạch "tắt app", xóa bỏ ứng dụng giao dịch chứng khoán, không quan tâm đến giá cổ phiếu cho đến khi danh mục hòa vốn, hay theo cách gọi của đám đông là "về bờ".
Các thông tin đồn thổi rỉ tai nhau hoặc đâu đó cứ len lỏi trong các hội nhóm trên mạng xã hội, khiến nhiều mã chứng khoán chịu cảnh bán tháo, gây tổn thất cho doanh nghiệp, ảnh hưởng đến hoạt động của thị trường chứng khoán và cả nền kinh tế.
Vừa qua, Trung tướng Tô Ân Xô, Chánh Văn phòng, Người phát ngôn Bộ Công an đã thông tin đến báo chí: Từ việc các cơ quan bảo vệ pháp luật đã xử lý một số vụ án sai phạm, vi phạm pháp luật trên lĩnh vực kinh tế, các thế lực thù địch, phần tử xấu đã đăng tải, phát tán nhiều tin giả, tin sai sự thật liên quan đến kinh tế, tài chính, tiền tệ. Mục đích của những việc làm này nhằm gây hoang mang dư luận, gây rối loạn, mất an ninh, an toàn thị trường, ảnh hưởng tiêu cực đến lợi ích, hoạt động bình thường của người dân, nhà đầu tư, doanh nghiệp.
Hơn lúc nào hết, đã đến lúc các nhà đầu tư cần thật tỉnh táo trước các tin đồn, phải kiểm tra, kiểm chứng kỹ, chính xác các thông tin liên quan đến mã chứng khoán của mình, trái phiếu của mình để đưa ra quyết định phù hợp.
Các cơ quan chức năng cần mạnh tay hơn, quyết liệt hơn, nhanh hơn trong xử lý việc vi phạm pháp luật, việc tán phát các tin xấu độc, thiếu kiểm chứng, sai sự thật của một số cá nhân. Các cơ quan chức năng cần cung cấp sớm nhất, chính xác nhất, khách quan nhất thông tin về tình hình hoạt động các doanh nghiệp để người dân có điều kiện tiếp cận thông tin.
Có thể nói, việc vực dậy lòng tin của nhà đầu tư là điều kiện tiên quyết để làm lành mạnh hóa thị trường, để thị trường là kênh huy động vốn thiết thực phục vụ phát triển kinh tế-xã hội, giúp dòng tiền sớm quay trở lại thị trường.
Bên cạnh việc bảo đảm sự minh bạch, yếu tố có vai trò rất quan trọng, như ánh sáng mặt trời đối với vi trùng thì cần kiên quyết xử lý nghiêm đối tượng tung tin đồn phá hoại thị trường, phá hoại doanh nghiệp, làm mất niềm tin của nhân dân. Cộng đồng xã hội cũng cần tỉnh táo trước tin đồn, không vội tin vào những tin đồn và đừng tiếp tay chia sẻ lan truyền những tin tức đó. Bởi khi mất an ninh tài chính, tiền tệ, thị trường, doanh nghiệp, nền kinh tế bị thiệt hại thì bất cứ ai cũng có thể bị ảnh hưởng, dù trực tiếp hay gián tiếp.
Không để tin đồn có đất sống, khi đó niềm tin sẽ lớn mạnh.
Đức Tuân