In bài viết

Cần lan tỏa thông tin về thị trường nông, lâm, thủy sản

(Chinhphu.vn) - Xuất khẩu các sản phẩm nông, lâm, thủy sản chỉ có thể bền vững khi người dân và doanh nghiệp ngành nông nghiệp được thông tin đầy đủ và thường xuyên về các yêu cầu của các thị trường nhập khẩu.

23/11/2023 18:47
Cần lan tỏa thông tin về thị trường nông, lâm, thủy sản- Ảnh 1.

Ông Ngô Xuân Nam, Phó Giám đốc Văn phòng SPS Việt Nam - Ảnh: VGP/Đỗ Hương

Đây là một trong những thông điệp được đưa ra tại Hội nghị Phổ biến cam kết về an toàn thực phẩm và kiểm dịch động thực vật (SPS) trong Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và các nước thành viên trong Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RECP). Hội nghị do Văn phòng Thông báo và điểm hỏi đáp quốc gia về vệ sinh dịch tễ và kiểm dịch động thực vật (Văn phòng SPS Việt Nam) tổ chức hôm nay (23/11).

Ông Ngô Xuân Nam, Phó Giám đốc Văn phòng SPS Việt Nam cho biết, cho đến nay, Việt Nam đã và đang tham gia 19 Hiệp định thương mại song phương và đa phương, trong đó có 16 Hiệp định đã ký kết chính thức và 3 Hiệp định đang tiến hành đàm phán.

Theo đó, nhiều hiệp định thương mại tự do thế hệ mới với các cam kết bắt buộc áp dụng, quy định về an toàn thực phẩm và an toàn dịch bệnh động thực vật cần phải tuân thủ để đáp ứng yêu cầu của nước nhập khẩu.

Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) có hiệu lực từ ngày 1/1/2022, bao gồm các nước ASEAN, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia, New Zealand với nhiều cam kết, trong đó có cam kết về SPS mà Việt Nam tham gia.

"Việc cập nhật và phổ biến các quy định về SPS đối với các cơ quan quản lý, doanh nghiệp, hợp tác xã và hộ nông dân là đặc biệt quan trọng. Bởi quy định SPS là quy định bắt buộc áp dụng, nếu chúng ta vi phạm sẽ gây ảnh hưởng, thiệt hại cho doanh nghiệp và đặc biệt là ảnh hưởng đến cả ngành hàng, thương hiệu nông sản của Việt Nam trên trường quốc tế", ông Nam nhấn mạnh.

Ông Lò Xuân Quyết, Trưởng đại diện Văn phòng Xúc tiến thương mại Việt Nam tại Hàng Châu, Trung Quốc đã chia sẻ về xu hướng của thị trường tỷ dân này.

Theo ông Quyết, Việt Nam nằm trong nhóm 10 quốc gia, vùng lãnh thổ có số lượng hàng hóa nông sản, thực phẩm bị cảnh báo nhiều nhất. Nhóm hàng có tỷ lệ bị cảnh báo cao, gồm: thủy sản, nước trái cây, chưa tính cà phê, sản phẩm sữa, bánh các loại.

Về xu hướng của thị trường Trung Quốc trong thời gian tới, Trưởng đại diện Văn phòng Xúc tiến thương mại Việt Nam tại Hàng Châu nhấn mạnh, người Trung Quốc, nhất là người tiêu dùng đô thị đang ngày càng quan tâm đến các sản phẩm tốt cho sức khỏe, chất lượng cao và nguồn gốc xuất xứ rõ ràng.

Ngoài ra, thị trường Trung Quốc đang có xu hướng quy chuẩn hóa các quy định và hệ thống quản lý, giám sát về chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm, truy xuất nguồn gốc đối với hàng hóa thực phẩm theo tiêu chuẩn quốc tế.

Trước những thông tin cập nhật đó, ông Quyết khuyến nghị các doanh nghiệp Việt Nam khi xuất khẩu sang Trung Quốc cần tổ chức sản xuất theo các tiêu chuẩn trong nước và nước nhập khẩu, tăng cường quản lý, giám sát chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm, để khai thác và đáp ứng tối đa tiềm năng, nhu cầu to lớn của thị trường này.

Thông tin về Hiệp định RCEP, ông Đào Văn Cường, Đại diện Văn phòng SPS Việt Nam nhận định, đây là một hiệp định thương mại lớn, đại diện cho một trong những khối thương mại tự do lớn nhất thế giới. Đối với Việt Nam, các nghiên cứu chỉ ra Việt Nam sẽ được hưởng lợi nhiều từ RCEP.

Ông Cường lưu ý, quy định của một số thị trường trong khu vực RCEP tập trung vào các yêu cầu về kiểm dịch thực vật giúp loại bỏ nguy cơ lây lan dịch hại qua đường thương mại.

Văn phòng SPS cho biết hiện nay mỗi tháng đơn vị này nhận được khoảng 100 các thông báo, dự thảo về thay đổi các biện pháp SPS, gồm: các dự thảo về thay đổi về mức dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y, về đối tượng kiểm dịch, về quy định vật liệu tiếp xúc với sản phẩm.

Do đó, việc cập nhật và phổ biển thông tin quy định thị trường về các biện pháp an toàn thực phẩm, an toàn dịch bệnh động thực vật (SPS) theo các Hiệp định thương mại tự do (FTA) như CPTPP, UKVFTA, EVFTA, RCEP là rất quan trọng.

Hoạt động phổ biến các nội dung này được Văn phòng SPS Việt Nam triển khai rộng khắp từ các tỉnh miền Bắc, miền Trung, Tây nguyên, Đông Nam Bộ và Đồng bằng sông Cửu Long.

Đỗ Hương