Theo thống kê chưa đầy đủ của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), việc lạm dụng đồ uống có cồn gây ra hơn 2,5 triệu ca tử vong trên toàn thế giới, tương đương với khoảng hơn 6.000 người chết mỗi ngày, trong đó những người trẻ chiếm một tỉ lệ đáng kể. Hơn 50% các trường hợp tử vong trên toàn thế giới do các bệnh truyền nhiễm mà nguyên nhân đều bắt nguồn từ việc lạm dụng đồ uống có cồn.
Sự gia tăng số người chết do lạm dụng rượu bia tỷ lệ thuận với việc gia tăng sản lượng bia trên phạm vi toàn cầu.
Theo các báo cáo của Liên Hợp Quốc, sản lượng bia thế giới trong một thập kỷ qua tăng 35,6%, đến năm 2011 đạt 192.710 triệu lít. Riêng tại châu Á, sản lượng bia chiếm 34,5% toàn cầu, đạt mức tăng trưởng 8,6% năm. Có sản lượng lớn và luôn phát triển là Trung Quốc, kế đến là Nga và Brazil. Trong khi đó, năm 2001, Mỹ là nước dẫn đầu sản lượng bia thế giới với 23.300 triệu lít, đến năm 2011 giảm sản lượng còn 22.546 triệu lít, đứng vị trí thứ hai. Việt Nam, Ukraine và Trung Quốc có mức tăng trưởng cao trong mười năm qua, lần lượt là 240,4,%, 132,9% và 118%.
So với các nước trong khu vực như Thái Lan, Singapore..., Việt Nam có GDP bình quân đầu người thấp hơn nhiều, nhưng mức tiêu thụ bia lại cao hơn. Năm 2011, Việt Nam tiêu thụ 2,6 tỷ lít, trong khi Thái Lan 1,8 tỷ lít, Singapore 108 triệu lít. Theo thống kê của bộ phận điều tra nghiên cứu Kirin Holdings (Nhật Bản), Việt Nam tiêu thụ 3 tỷ lít bia trong năm 2013 - đứng vào hàng những nước tiêu thụ bia hàng đầu ở châu Á, chỉ sau Nhật Bản và Trung Quốc.
Tiêu thụ nhiều bia rượu tác hại không nhỏ đến sức khỏe và đời sống xã hội. Bệnh do bia rượu gây ra dẫn đến chết người nhiều nhất là bệnh gan và ung thư. Sống mà nghiện bia rượu thì gánh chịu hậu quả cũng không ít, có đến 46% nam và 44% nữ sử dụng nhiều bia rượu mắc các chứng bệnh tâm thần, 14% nam và 24,6% nữ sử dụng nhiều bia rượu bị bệnh về gan, kế đến là bị ung thư và các bệnh tim mạch. Đặc biệt, lạm dụng rượu bia liên hệ mật thiết đến các tai nạn giao thông và tình trạng bạo lực trong giới trẻ. Hệ quả của việc lạm dụng rượu bia dẫn đến say xỉn thường xuyên là tình trạng nghèo đói, gia đình ly tán...
Theo báo cáo gần đây của WHO, sức khỏe của người dân ở những quốc gia tiêu thụ nhiều rượu cũng kém hơn rất nhiều so với phần dân số còn lại trên thế giới. So với tuổi thọ trung bình 79,3 năm ở các quốc gia có thu nhập cao, tuổi thọ trung bình của người dân các nước "nghiện rượu" đều ở mức khá thấp: 68,7 năm ở Romania và 72 năm ở Nga, Ukraine. Không chỉ nam giới, nữ giới tại các quốc gia này cũng uống nhiều rượu hơn phụ nữ từ nước khác.
Sử dụng rượu bia là thói quen trong nếp sống của người châu Âu, thế nhưng chính phủ các nước châu Âu vẫn nỗ lực thực hiện các biện pháp để hạn chế sử dụng bia rượu. Trong đó, các biện pháp được nhiều nước lựa chọn là cấm quảng cáo rượu bia, cấm tài trợ và khuyến mãi rượu bia và cấm uống rượu bia nơi công cộng.
Đến nay, trên thế giới đã có 168 quốc gia có quy định thời gian cấm bán rượu bia và đa số thời gian cấm là từ 20 giờ hoặc 22 giờ đến 6 giờ hoặc 8 giờ ngày hôm sau.
Chẳng hạn Thái Lan và Singapore quy định 2 khung giờ cấm bán rượu bia là 14 giờ-17 giờ và 24 giờ-11 giờ. Còn một số nước châu Âu (như Phần Lan) quy định từ 21 giờ-9 giờ, Nga 22 giờ-10 giờ, Latvia 22 giờ-8 giờ. Đáng chú ý, tại các quốc gia sau khi có quy định về giờ cấm bán rượu bia, người dân đều dần chấp hành quy định và tỷ lệ sử dụng rượu bia có xu hướng giảm dần.
Theo khuyến cáo của WHO thì việc giảm tiếp cận rượu, bia tới công chúng là biện pháp hiệu quả nhất trong các biện pháp phòng chống tác hại do rượu bia gây ra. Hiện có 90 quốc gia quy định giờ bán lẻ rượu, 87 quốc gia quy định giờ bán lẻ rượu nhẹ và bia. Tại Đông Nam Á, có 9 quốc gia quy định về giờ cấm bán rượu bia. Trong đó, Thái Lan và Singapore giờ cấm bán là từ 14h-17 giờ và từ 24h hôm trước tới 11h trưa hôm sau.
Việc luật hóa những hạn chế đối với việc lạm dụng rượu bia đã trở thành một nguyên tắc tại nhiều nước văn minh. Và nhiều nước đang phát triển cũng đang đi theo hướng này nhằm giảm thiểu những tác hại của việc lạm dụng rượu bia - nguyên nhân của rất nhiều vấn nạn như sức khỏe kém, tai nạn giao thông, bạo lực trong gia đình và ngoài xã hội.
Hiện nay, Bộ Y tế đang xây dựng Dự luật Phòng chống tác hại của lạm dụng rượu, bia, trong đó có quy định việc cấm bán rượu, bia sau 22h và thời gian nghỉ giữa các ca trong giờ làm việc. Dư luận đang tỏ ra đồng tình với dự luật và được các chuyên gia quốc tế khuyến khích.
Nguyễn Chiến