In bài viết

Cần mạnh tay với 'xe dù, bến cóc'

(Chinhphu.vn) - Việc quản lý lỏng lẻo, xử phạt chưa nghiêm và không loại trừ có lợi ích nhóm nên tình trạng "xe dù, bến cóc" vẫn còn tiếp diễn nhiều năm nay, gây nhiều hệ lụy, ảnh hưởng đến cuộc sống của một bộ phận dân cư.

09/09/2022 13:06
Cần mạnh tay với 'xe dù, bến cóc' - Ảnh 1.

Hành khách không cần vào bến mà ngồi chờ ở văn phòng của nhà xe để lên xe - Ảnh: VGP/Vũ Phong

Trong vai hành khách, ngày 29/8, phóng viên Báo điện tử Chính phủ đến văn phòng của nhà xe Tâm Hạnh ở địa chỉ 161 Nguyễn Cư Trinh, Quận 1, TPHCM để hỏi mua vé đi Phan Thiết, Bình Thuận. Nhân viên nhà xe cho biết giá vé là 190.000 đồng/người, trong buổi sáng có các chuyến lúc 8h45', 10h, 11h; khách có thể ngồi chờ ở văn phòng để lên xe.

Khoảng 8h40', chiếc xe khách giường nằm đến đỗ trước cửa văn phòng để đón khách, sau đó chạy thẳng đến Xa lộ Hà Nội để vào cao tốc chứ không hề qua bến xe. Xe sẽ dừng ở số 133 Tôn Đức Thắng, TP. Phan Thiết để trả khách.

Cách địa chỉ nói trên vài trăm mét, cũng trên con phố Nguyễn Cư Trinh ở Quận 1 là văn phòng của nhà xe Hạnh Café. Giá vé từ TPHCM đi Bình Thuận mà nhà xe này đưa ra là 170.000 đồng. 

Ngoài địa chỉ 154 Nguyễn Cư Trinh, khi phóng viên gọi đến tổng đài chung để mua vé xe của nhà xe này, nhân viên tổng đài cho biết xe còn đón khách ở địa chỉ 273 Phạm Ngũ Lão, Quận 1. Đặt vấn đề nhà ở gần bến xe, có thể ra bến chờ xe được không thì người trực tổng đài này cho biết hầu hết xe của nhà xe này không vào bến mà đón khách ở địa chỉ nói trên.

Cần mạnh tay với 'xe dù, bến cóc' - Ảnh 2.

Những chiếc "vé" chỉ là tờ phiếu thông tin, không có hóa đơn chứng từ theo quy định - Ảnh: VGP/Vũ Phong

Cả hai nhà xe này đều có văn phòng ở những tuyến phố trung tâm của Thành phố, nhận chở hàng hóa và là nơi tập trung hàng hóa, đồng thời các nhà xe cũng tận dụng địa điểm trên để đón trả khách.

Một trường hợp khác, phóng viên đến văn phòng của nhà xe Phong Phú Limousine tại địa chỉ 522 Hoàng Văn Thụ, quận Tân Bình để mua vé từ TPHCM đi Đà Lạt. Nhân viên bán vé cho biết chuyến còn lại trong ngày vào lúc 23h45', giá vé là 420.000/người. Sau khi thanh toán tiền vé, nhân viên này gửi một tin nhắn vào số điện thoại của phóng viên và cho biết đó là "vé điện tử", nhà xe không có vé giấy.

Nhân viên này cho biết thêm khách có thể đến Trung tâm Triển lãm và Hội chợ Tân Bình để lên xe chứ không cần đến bến vì "bến nhà em ở đó". Trên trang web vexere.com, nhà xe này cũng công khai các điểm đón khách trong Thành phố, theo đó, xe sẽ đi qua các tuyến phố như Hoàng Văn Thụ, Điện Biên Phủ, Phạm Văn Đồng… để đón khách trước khi lên đường đi Đà Lạt mà không vào bến.

Khi đến Trung tâm Triển lãm và Hội chợ Tân Bình, nhân viên Trung tâm cho biết một số nhà xe sử dụng địa chỉ của Trung tâm để đón trả khách chứ Trung tâm không bán vé xe. Thực tế khi phóng viên có mặt tại cổng của Trung tâm này, nhà xe Cảnh Yến chạy tuyến TPHCM-Đà Lạt cũng đang dừng đỗ tại đây để đón khách.

Cần mạnh tay với 'xe dù, bến cóc' - Ảnh 3.

Chiếc xe giường nằm khổ lớn dừng đỗ để đón trả khách vừa làm mất mỹ quan đô thị, vừa tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông, gây ùn tắc - Ảnh: VGP/Vũ Phong

Thất thu thuế, gây mất an ninh an toàn, bất bình đẳng giữa các doanh nghiệp

Nghị định 10/2020/NĐ-CP của Chính phủ ban hành năm 2020 quy định "xe chạy tuyến cố định phải xuất phát và kết thúc tại bến xe khách. Chỉ có xe hợp đồng và xe du lịch mới được đón trả khách trong nội thành". Trong khi đó, các nhà xe nói trên công khai bán vé các tuyến cố định qua tổng đài và qua trang web nhưng vẫn không vào bến để đón trả khách. 

Thực tế cho thấy, những chiếc vé xe mà những nhà xe này đưa cho khách chỉ là tờ phiếu thông tin mà không có hóa đơn chứng từ theo quy định, trong khi  vé xe chính là hóa đơn. Việc vi phạm này diễn ra công khai, trong khoảng thời gian dài nhưng các cơ quan quản lý không có biện pháp nào để quản lý, xử lý vi phạm hiệu quả. Vì thế, nhiều người đặt vấn đề buông lỏng quản lý để xe chở khách gây lộn xộn là do năng lực quản lý hay do vướng vào các nhóm lợi ích nào đó?

Theo ông Tạ Chương Chín, Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Bến xe miền Đông, ở TPHCM, câu chuyện "xe dù, bến cóc" tồn tại nhiều năm nay. Việc vi phạm rất ngang nhiên, trong thời gian dài, ở khắp các địa bàn của Thành phố. 

Trước đợt dịch, mỗi ngày có khoảng 1.000 lượt xe xuất bến. Còn hiện tại, mỗi ngày chỉ còn 700-800 lượt. Nguyên nhân của việc này, theo ông Chín, là do một số doanh nghiệp giảm quy mô chạy xe sau đợt dịch bệnh, một số khác chuyển ra ngoài hoạt động dưới mô hình khác, hoặc bỏ bến ra "chạy dù".

Cần mạnh tay với 'xe dù, bến cóc' - Ảnh 4.

Một số nhà xe đón trả khách ở địa điểm công cộng, trong ảnh là trước cổng Trung tâm Triển lãm và Hội chợ Tân Bình - Ảnh: VGP/Vũ Phong

Để "lách luật", nhiều doanh nghiệp mặc dù hoạt động tuyến cố định nhưng lại xin phù hiệu xe hợp đồng để không phải vào bến và "trốn" được một khoản phí dịch vụ ra vào bến xe. Việc có được phù hiệu để "làm phép màu bảo hộ" cho xe dù chạy khắp Thành phố là khá đơn giản, dễ tiếp cận.

Ví dụ, mỗi chuyến xe xuất bến tại Bến xe miền Tây phải đóng phí khoảng 150.000 đồng/chuyến nhưng những xe không vào bến sẽ không phải đóng khoản phí này. Mỗi ngày, nếu nhà xe hoạt động 100 chuyến thì đã "trốn" phí bến xe được 15 triệu đồng và mỗi tháng sẽ là 450 triệu đồng.

Nếu vào bến, các doanh nghiệp vận tải tuyến cố định còn phải chịu tiền hoa hồng bán vé, thuế thu nhập doanh nghiệp. Do các xe hoạt động tuyến vận tải cố định phải vào bến đi bến đến, đóng sổ nhật trình, nên tổng số lượt chuyến xe đi/đến đều được thống kê và nộp thuế đầy đủ.

Ví dụ, tuyến TPHCM-Đà Lạt, nếu bán hết vé thì doanh thu trên chuyến của doanh nghiệp vào khoảng 9 triệu đồng. Số tiền này sẽ được doanh nghiệp báo cáo đầy đủ và đóng 20% thuế thu nhập doanh nghiệp.

Còn đối với các "xe dù", họ sẽ kê khai giảm doanh thu bằng cách làm giả hợp đồng với khách hàng. Doanh thu thực tế có thể là 9 triệu, nhưng hợp đồng vận chuyển chỉ ghi là 2 triệu. Như vậy doanh nghiệp chỉ đóng thuế thu nhập doanh nghiệp trên số tiền 2 triệu đồng.

Tình trạng bất bình đẳng trên chưa phải đã hết đối với các đơn vị kinh doanh vận tải chân chính. Theo đó, những doanh nghiệp hoạt động tuyến cố định sẽ không thể cho xe khách vào trung tâm Thành phố mà chỉ có thể đón khách tại bến xe, trong khi những xe hợp đồng trá hình thì có thể cho xe vào đón khách trong trung tâm Thành phố. Vì vậy, các doanh nghiệp chân chính sẽ mất đi lợi thế cạnh tranh vì đa phần khách hàng đều muốn đi từ trung tâm hơn là phải ra bến xe.

Một vấn đề nữa là các doanh nghiệp nếu muốn tăng giá vé thì đều phải xin phép Sở GTVT và được Sở GTVT phê duyệt. Còn đối với xe hợp đồng trá hình thì có thể bán vé với mọi mức giá. Đặc biệt là vào các dịp lễ, Tết, giá vé của xe tuyến cố định chỉ được tăng tối đa 60%, trong khi các doanh nghiệp hoạt động dưới hình thức xe hợp đồng trá hình có thể tăng lên 200-300% tùy theo nhu cầu mà không cần xin phép.

Ngoài ra, việc các xe giường nằm khổ lớn dừng đỗ, đón khách ở các con phố không chỉ làm mất mỹ quan, gây ùn tắc mà còn tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông, gây mất an ninh trật tự tại các "bến cóc".

Cần mạnh tay với 'xe dù, bến cóc' - Ảnh 5.

Xe chạy tuyến cố định ngang nhiên đón trả khách trong Thành phố, đặt ra câu hỏi về trách nhiệm của cơ quan chức năng - Ảnh: VGP/Vũ Phong

Mạnh tay với "xe dù, bến cóc", tránh lợi ích nhóm

Đầu tháng 8 năm nay, nhằm hạn chế tình trạng "xe dù", "bến cóc", đồng thời hạn chế gây ảnh hưởng đến hoạt động vận chuyển hành khách trên địa bàn, Sở GTVT TPHCM đã đề xuất UBND Thành phố phương án cấm xe khách vào nội đô trong khung giờ từ 6h-22h và dự tính thực hiện theo 2 giai đoạn (từ nay đến 2025 và từ năm 2025 đến năm 2030).

Xung quanh đề xuất này có những ý kiến trái chiều. Có ý kiến đồng thuận với chủ trương này, cho rằng nó phù hợp với thực tế hiện nay bởi lưu lượng xe tham gia ngày càng lớn và tình trạng ùn tắc giao thông trong nội thành ngày càng gia tăng.

Trong khi đó, một số ý kiến khác lại cho rằng đề xuất của Sở GTVT là không hợp lý. Theo họ, không thể và cũng không nên cấm xe du lịch vào Thành phố đón khách vì du khách phải được hưởng quyền được đưa đón tới tận nơi lưu trú hoặc điểm tham quan theo đúng hợp đồng đã ký với công ty du lịch.

Theo đó, hành lang pháp lý đã có đầy đủ, xe chạy tuyến cố định vốn đã bị cấm vào Thành phố đón khách. Việc Sở GTVT Thành phố cần làm là thực hiện nghiêm các quy định hiện hành, nhất là nghiên cứu để cấm các xe giường nằm đi vào nội đô vì hầu hết xe giường nằm sử dụng giấy tờ không hợp lệ để vào đón trả khách mà không chịu vào bến. Thanh tra giao thông và cảnh sát giao thông rất dễ dàng phát hiện và hoàn toàn có thể xử lý nghiêm minh việc này. 

Xe giường nằm sử dụng giấy tờ giả mạo ồ ạt vào Thành phố mỗi ngày, gây tắc đường, gây mất an ninh trật tự, trốn thuế, gây ra nhiều hệ lụy, ảnh hưởng đến cuộc sống người dân. Trong khi đó, nhiều địa phương đã thực hiện nghiêm việc cấm xe giường nằm vào nội đô đón trả khách và được dư luận đồng tình.

Việc quản lý lỏng lẻo, xử phạt chưa nghiêm và không loại trừ có lợi ích nhóm khiến cho tình trạng "xe dù, bến cóc", mạo danh xe hợp đồng hằng ngày có thể ra vào nội đô, gây ra nhiều hệ lụy. Vì thế, đã đến lúc các cơ quan chức năng của TPHCM cần thực hiện nghiêm Nghị định 10/2020/NĐ-CP để tạo môi trường kinh doanh vận tải lành mạnh, giảm ùn tắc giao thông, hạn chế việc trốn thuế, hạn chế việc mất an ninh trật tự tại các điểm đón trả khách, xây dựng thành phố văn minh, hiện đại.

Vũ Phong