Bộ luật Dân sự (BLDS) năm 2005 quy định rõ về hai loại thời hiệu khởi kiện về thừa kế là thời hiệu khởi kiện về quyền thừa kế và thời hiệu khởi kiện yêu cầu người thừa kế thực hiện nghĩa vụ về tài sản do người chết để lại, thanh toán các khoản chi từ di sản.
Tuy nhiên, thực tiễn cho thấy, khi hết thời hiệu khởi kiện thừa kế, các tranh chấp giữa những người thừa kế vẫn đang diễn ra hết sức căng thẳng, thậm chí rất quyết liệt. Điều đó đã làm cho quan hệ pháp luật về thừa kế bản chất đã là quan hệ phức tạp lại càng trở nên phức tạp. Đã có rất nhiều yêu cầu giải quyết chia thừa kế khi thời hiệu khởi kiện đã hết mà xảy ra tranh chấp hiện tại chưa có phương thức xử lý dứt điểm.
Trước đòi hỏi cấp bách của các quan hệ pháp luật về thừa kế cần pháp luật điều chỉnh, Tòa án nhân dân Tối cao đã ban hành Nghị quyết số 02/2004/NQ-HĐTP ngày 10/8/2004 hướng dẫn áp dụng pháp luật trong việc giải quyết các vụ án dân sự, hôn nhân và gia đình. Nghị quyết này đã mở đường cho một số vụ án thừa kế đã hết thời hiệu khởi kiện được Tòa án thụ lý và giải quyết dưới hình thức loại vụ án tranh chấp về tài sản thuộc sở hữu chung.
Từ Nghị quyết này, một số Tòa án đã hướng dẫn các đương sự thỏa thuận xác nhận tài sản của người để lại di sản thừa kế không có tranh chấp và xác định đó là tài sản chung chưa chia. Tuy nhiên, khi chia loại tài sản chung này, Tòa án lại vẫn phải áp dụng pháp luật về thừa kế để xác định những người được chia (được thừa kế) và phần tài sản mà mỗi người được hưởng, chứ không thể đơn thuần xác định phần tài sản của từng người theo quy định về sở hữu chung. Như vậy, Tòa án vẫn phải giải quyết vụ tranh chấp trên cơ sở pháp luật thừa kế. Chính điều này khiến cho hướng dẫn trên mâu thuẫn với quy định về thời hiệu khởi kiện vụ án thừa kế: khi đã hết thời hiệu khởi kiện thì không giải quyết yêu cầu về thừa kế nữa.
Sửa quy định và những vướng mắc phát sinh
Trong bối cảnh những vấn đề đặt ra từ yêu cầu của cuộc sống, dự thảo BLDS sửa đổi quy định về thời hiệu thừa kế. Như vậy, vấn đề thời hiệu khởi kiện thực hiện nghĩa vụ do người chết để lại đã không được ghi nhận lại trong luật.
Nội dung sửa đổi theo hướng gắn kết quy định về thời hiệu và việc xác lập quyền sở hữu theo thời hiệu đối với quyền sở hữu và các vật quyền khác có đối tượng là bất động sản, động sản.
Có thể nói, quy định sửa đổi trên đã kéo dài thời hiệu khởi kiện về quyền thừa kế, phân lập theo tính chất của loại tài sản và bước đầu khắc phục được hệ quả pháp lý hiện hành về di sản thừa kế sẽ thuộc về ai khi hết thời hiệu khởi kiện.
Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là, quy định kéo dài thêm thời hiệu khởi kiện như dự thảo có giải quyết được những rào cản pháp lý mà người dân chờ đợi hay không?
Về vấn đề này, người viết cho rằng, quy định sửa đổi này tiềm ẩn nhiều vướng mắc và mâu thuẫn hơn khi đặt điều luật vào những bối cảnh áp dụng, thực thi trong cuộc sống.
Lý do đưa ra là, mặc dù mở rộng “Thời hạn yêu cầu Tòa án giải quyết việc thừa kế là ba mươi năm đối với bất động sản, 10 năm đối với động sản, kể từ thời điểm mở thừa kế”, thực tiễn xét xử phần lớn các tranh chấp xảy ra liên quan đến bất động sản, việc chia một phần di sản ít khi được đặt ra.
Chúng ta có thể dự liệu rõ sự phức tạp khi quy định sửa đổi này được áp dụng trong tương lai đối với vấn đề phân lập phần di sản còn thời hiệu và phần di sản hết thời hiệu khởi kiện. Chưa nói đến di sản thuộc tài sản chung của vợ chồng, phần di sản của vợ (hoặc chồng) còn thời hiệu, phần của chồng (hoặc vợ) hết thời hiệu khởi kiện.
Mặt khác, quy định sửa đổi này sẽ làm cho quy định của pháp luật hiện hành về hiệu lực pháp luật của di chúc chung của vợ chồng: “Di chúc chung của vợ chồng có hiệu lực từ thời điểm người sau cùng chết hoặc tại thời điểm hai vợ chồng cùng chết” (Điều 668 BLDS 2005) trở nên không nhất quán, không phù hợp với các nguyên tắc khi xác định ngày bắt đầu tính thời hiệu khởi kiện.
Đồng thời, quy định sửa đổi xác lập quyền sở hữu cho người đang chiếm hữu hoặc được lợi một cách ngay tình, liên tục, công khai nếu việc chiếm hữu, được lợi phù hợp với quy định tại Điều 177, Điều 178 BLDS sửa đổi, sẽ trở nên không phù hợp với khái niệm chiếm hữu có căn cứ pháp luật.
Vấn đề nữa là, nếu chưa đến thời hiệu 30 năm hay 10 năm để xác lập quyền sở hữu di sản của người chết mà những người quản lý di sản, người chiếm hữu, người được lợi về tài sản theo dự thảo này chết (đối với cá nhân), chấm dứt hoạt động (đối với pháp nhân) thì di sản sẽ được tiếp tục xử lý như thế nào? Ai là người được hưởng? Trình tự, thủ tục giải quyết ra sao?
Để xem xét và giải quyết các vấn đề về di sản thừa kế phải dựa trên bình diện chung nhất thể hiện bản chất pháp lý của di sản thừa kế với các yếu tố: Tài sản đó phải có giá trị; Tài sản đó phải thuộc quyền sở hữu của người đã chết; Tài sản sẽ được chuyển dịch cho những người có quyền hưởng di sản; Sự dịch chuyển nằm trong sự bảo hộ pháp lý của Nhà nước. Khái niệm về người có quyền hưởng di sản trong phần quy định chung đã không dẫn chiếu tới quy định tại Điều 177, 178 của dự thảo.
Đề xuất bỏ quy định về thời hiệu khởi kiện
Phần lớn các ý kiến đóng góp sửa đổi BLDS cho rằng, việc duy trì thời hiệu khởi kiện là vô cùng cần thiết, đặc biệt đối với đặc thù mô hình tố tụng dân sự của Việt Nam.
Một mặt, quy định về thời hiệu khởi kiện đảm bảo được trật tự công cộng, quyền được an toàn, quyền được ổn định của con người. Mặt khác, quy định góp phần nâng cao trách nhiệm của các bên trong việc yêu cầu Nhà nước bảo vệ quyền lợi cho mình, giảm bớt gánh nặng cho Tòa án đặc biệt với những vụ án đương sự nhờ tòa án thu thập chứng cứ.
Việc loại bỏ thời hiệu khởi kiện đương nhiên sẽ dẫn đến hậu quả khối lượng công việc của tòa sẽ nhiều hơn, án tồn đọng kéo dài nhiều năm mà không biết khi nào sẽ xử xong. Điều này còn có khả năng dẫn đến những xáo trộn nhất định trong thực thi pháp luật.
Tuy nhiên, trường hợp vẫn duy trì theo quan điểm truyền thống thì việc sửa đổi, bổ sung về thời hiệu khởi kiện về quyền thừa kế tại Điều 646 dự thảo BLDS sửa đổi vẫn tiếp tục đẩy quan hệ thừa kế hết thời hiệu khởi kiện vào tình trạng bất ổn.
Người viết cho rằng cần thiết phải bỏ quy định về thời hiệu khởi kiện trong Bộ luật Dân sự vì các lý do cơ bản sau:
Quyền khởi kiện là quyền của người dân, được nhà nước, pháp luật bảo hộ. Mọi chủ thể có quyền, lợi ích bị xâm phạm hay tranh chấp hoặc cần ghi nhận các quyền hay tình trạng pháp lý đều được pháp luật trao cho quyền yêu cầu Tòa án giải quyết các vụ việc. Do vậy, người dân khởi kiện thì tòa án phải thụ lý.
Quyền khởi kiện của đương sự là tiền đề làm phát sinh quan hệ tố tụng dân sự, là cơ sở để tiến hành các thủ tục tố tụng dân sự ở các giai đoạn tố tụng tiếp theo. Đó là lý do Bộ luật Tố tụng dân sự được sửa đổi, bổ sung năm 2011 hiện hành đã bỏ quy định về thời hiệu khởi kiện là điều kiện bắt buộc để Tòa án thụ lý giải quyết vụ án. Tuy nhiên, trong quá trình xem xét giải quyết vụ án, nếu hết thời hiệu khởi kiện thì đó là cơ sở để Tòa án đình chỉ giải quyết vụ án.
Thời hiệu khởi kiện đối với từng loại quan hệ pháp luật tranh chấp đã được quy định cụ thể trong pháp luật dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động. Từ góc nhìn của thực tiễn xét xử, khi vận dụng pháp luật, thực trạng một số Toà án đã xác định thời hiệu khởi kiện không đúng dẫn tới việc ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án sai làm cho đương sự mất quyền khởi kiện.
Qua nghiên cứu xu hướng sửa đổi pháp luật chung của nhiều nước trên thế giới, nhận thấy, BLDS phần lớn không quy định thời hiệu khởi kiện là rào cản pháp lý để đương sự mất quyền khởi kiện.
Đồng thời, vấn đề lo lắng hiện tại là nếu không quy định thời hiệu khởi kiện sẽ làm xáo trộn các lợi ích xã hội khác, người dân phải có ý thức thực hiện quyền của mình trong khoảng thời hạn do luật định, nếu không xem như đã tự từ bỏ quyền của mình và phải chịu hậu quả pháp lý bất lợi vì không nhận thức được đầy đủ về ý nghĩa của thời hiệu khởi kiện.
Xét về góc độ tố tụng thì một sự việc xảy ra đã quá lâu thì hệ quả dẫn đến khó khăn trong việc xác định sự thật khách quan, bên cạnh đó, cũng không hề đơn giản khi thu thập chứng cứ và việc giải quyết vụ án có thể sẽ dẫn đến tình trạng tồn đọng án. Một số ý kiến cho rằng nếu không có quy định về thời hiệu khởi kiện thì sẽ không hạn chế được những tranh chấp đã xảy ra quá lâu khiến cho việc thụ lý, giải quyết án của tòa không đạt được hiệu quả mà nhiều khi còn phát sinh tác dụng ngược.
Tuy nhiên, hiện nay án tồn đọng của tòa đã được giải quyết rất tốt. Công tác xét xử của Tòa án được nâng cao nên đã giảm đáng kể án tồn, án quá hạn. Vì vậy, việc bỏ thời hiệu khởi kiện sẽ không thể khiến án chồng án.
Mặt khác, việc loại bỏ quy định về thời hiệu khởi kiện sẽ thúc đẩy mạnh hơn việc thực hiện nghĩa vụ chứng minh của đương sự. Khi đó, thay vì Tòa án ban hành quyết định đình chỉ giải quyết vụ án do hết thời hiệu khởi kiện, Tòa án sẽ ban hành quyết định không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của đương sự nếu đương sự không thực hiện được, không thực hiện đúng, đầy đủ quyền và nghĩa vụ chứng minh của mình.
Trong các giao dịch dân sự, chủ thể tham gia quan hệ dân sự được hưởng các quyền và thực hiện các nghĩa vụ dân sự. Sự ổn định của các quan hệ dân sự là một trong những mục đích điều chỉnh của pháp luật dân sự.
Việc ghi nhận quyền khởi kiện tuyệt đối của đương sự, không hạn chế về mặt thời gian là một phương thức bảo đảm quyền khởi kiện một cách hợp lý, chặt chẽ, và còn giảm thiểu được những tranh chấp mà do áp lực về thời hiệu khởi kiện họ buộc phải khởi kiện ra tòa.
Từ những phân tích trên, chúng tôi mạnh dạn đề xuất bỏ quy định về thời hiệu khởi kiện trong dự thảo BLDS (sửa đổi).
PGS. TS Nguyễn Minh Hằng
Trưởng Khoa Đào tạo Luật sư, Học viện Tư pháp