In bài viết

Cần sửa đổi, bổ sung một số Điều của Luật Điện ảnh

(Chinhphu.vn) – Chiều 22/5, các đại biểu Quốc hội đã thảo luận ở tổ về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Điện ảnh.

22/05/2009 16:30

Đoàn đại biểu TP. Hồ Chí Minh và Quảng Ngãi thảo luận tổ - Ảnh: Chinhphu.vn

Với việc Việt Nam trở thành thành viên chính thức của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), một số quy định của Luật Điện ảnh hiện hành không phù hợp với cam kết quốc tế của nước ta trong lĩnh vực này. Vì vậy, việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Điện ảnh là hết sức cần thiết.

Đa số các đại biểu, bày tỏ sự tán thành cao đối với việc sửa đổi, bổ sung 22 điều về sản xuất phim; lưu chiểu, lưu trữ phim; thanh tra và xử lý vi phạm của Luật Điện ảnh..

Việc sửa đổi Điều 13 về việc thành lập doanh nghiệp sản xuất phim thu hút sự quan tâm của các đại biểu: Điều 13 Luật Điện ảnh quy định không cho phép tổ chức, cá nhân nước ngoài, người Việt Nam ở nước ngoài thành lập và quản lý doanh nghiệp sản xuất phim.

Trong Dự thảo Luật sửa đổi cho phép và giới hạn “Tổ chức, cá nhân nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài được quyền hợp tác đầu tư với doanh nghiệp sản xuất phim, doanh nghiệp phát hành phim và doanh nghiệp phổ biến phim của Việt Nam dưới hình thức hợp đồng hợp tác kinh doanh hoặc liên doanh. Đối với hình thức đầu tư thành lập liên doanh thì phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài không vượt quá 51% vốn pháp định”.

Về vấn đề trên, đại biểu Trần Du Lịch, Nguyễn Việt Dũng (đoàn TP. Hồ Chí Minh) cho rằng, việc sửa đổi như vậy để bảo đảm thực hiện cam kết của Việt Nam với WTO. Việc giới hạn vốn góp của phía nước ngoài không vượt quá 51% là cần thiết để giới hạn quyền định đoạt của phía nước ngoài trong các hoạt động của doanh nghiệp.

Điện ảnh thuộc lĩnh vực văn hóa tư tưởng, tác phẩm điện ảnh mang tính đại chúng, có sức lan tỏa, tác động mạnh mẽ, ảnh hưởng sâu sắc đến đời sống tinh thần của nhân dân. Vì thế, chúng ta cần tăng cường các biện pháp quản lý nhằm bảo đảm  hoạt động điện ảnh phù hợp với định hướng tư tưởng của Đảng, đạo đức, thuần phong mỹ tục Việt Nam, đồng thời giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, đại biểu Trần Du Lịch đặt vấn đề.

Theo đại biểu Nguyễn Ngọc Hòa (đoàn TP. Hồ Chí Minh), Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Điện ảnh phải đảm bảo tạo hành lang pháp lý thông thoáng, rộng rãi, rõ ràng và minh bạch hơn, tạo cơ chế phát triển điện ảnh.

Các đại biểu Phạm Phương Thảo, Nguyễn Đăng Trừng, Trần Du Lịch (đoàn TP. Hồ Chí Minh) đề nghị cần làm rõ hơn đối với khoản 4, Điều 33 về bảo đảm tỷ lệ số buổi chiếu phim Việt Nam so với phim nước ngoài, bởi theo các đại biểu này, hiện nay số lượng phim ảnh nước ngoài phát hành trên các kênh truyền hình là quá nhiều. Các kịch bản phim Việt Nam còn ít, chất lượng phim chưa cao.

Một số đại biểu cũng đề nghị cân nhắc để sửa đổi lại chức danh người đứng đầu đài truyền hình, đài phát thanh-truyền hình tại các điều 25, 28, 29, 33... do người đứng đầu một số đài truyền hình, đài phát thanh-truyền hình hiện nay có thể là tổng giám đốc, không phải chỉ Đài Truyền hình Việt Nam mới có chức danh đó./.

Nguyễn Hoàng