Trong phiên họp thứ 2 của Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số diễn ra hôm nay (27/4), Chủ tịch CMC - đại diện doanh nghiệp ICT đã đề xuất với Thủ tướng Chính phủ về phương hướng thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia, đó là tập trung phát triển nguồn nhân lực số.
Theo thống kê từ CMC, nhu cầu về nguồn nhân lực số rất cao nhưng các trường đại học chưa đáp ứng được. Về số lượng, thực tế mới đáp ứng khoảng 25% nhu cầu, còn chất lượng chỉ đạt 30% đáp ứng yêu cầu.
Ông Nguyễn Trung Chính dẫn chứng Tập đoàn Samsung Hàn Quốc đã đầu tư trung tâm nghiên cứu và phát triển tại Việt Nam, xem Việt Nam là trung tâm (Hub) cung cấp dịch vụ số cho toàn cầu. Năm 2021, thị trường bị ảnh hưởng nặng nề từ dịch bệnh song nhu cầu nhân lực của Samsung vẫn rất cao. Tập đoàn này yêu cầu CMC cung ứng đến hàng nghìn nhân sự.
"Dù chúng tôi đã nỗ lực đáp ứng nhưng thực tế chỉ có 30% nhân lực đạt yêu cầu Samsung đề ra. Điều này cho thấy chất lượng nhân sự của Việt Nam còn thiếu và yếu. Trong khi đó, đến năm 2030, thị trường cần đến 1,5 triệu nhân lực công nghệ thông tin. Như vậy, chúng ta phải cần bổ sung một lượng lớn nhân sự đáp ứng nhu cầu của thị trường", Chủ tịch CMC nhấn mạnh.
Theo đề xuất của Chủ tịch Tập đoàn Công nghệ CMC, để khắc phục được thực trạng trên, chúng ta cần xây dựng thí điểm đại học số để giải quyết bài toán tăng quy mô nhân sự mà vẫn bảo đảm chất lượng.
Để triển khai đại học số, CMC đề xuất Bộ GD&ĐT có một số quy chế, quy định cần phải thay đổi. Chẳng hạn như hiện nay, số học phần đào tạo trực tuyến theo quy định chiếm khoảng 30% thời gian đào tạo. Đây là điểm hạn chế khi triển khai đại học số và xu hướng học trực tuyến lên ngôi.
Quy mô tuyển sinh năm 2021 là 82.000 sinh viên trên tổng số 300.000 sinh viên có nhu cầu nhập học. Số lượng đầu vào chỉ đáp ứng 24% nhu cầu nhập học. Vì vậy, Bộ GD&ĐT cần tăng quy mô tuyển sinh để đáp ứng nhu cầu ngày càng lớn của thị trường.
Báo cáo tình hình triển khai chuyển đổi số quý I/2022 do Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Huy Dũng trình bày tại phiên họp cho hay tính đến hết tháng 3/2022, có 22/22 bộ, ngành và 63/63 địa phương đã thành lập Ban Chỉ đạo chuyển đổi số; 17/22 bộ, ngành và 57/63 địa phương đã ban hành chương trình/kế hoạch/đề án chuyển đổi số giai đoạn 5 năm. Thời gian qua, kinh tế số đóng góp 10,2% GDP.
Cũng trong khuôn khổ cuộc họp, lãnh đạo Bộ TT&TT đã đề xuất Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính - Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số, ủng hộ chủ trương và chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương triển khai các nội dung để kiện toàn bộ máy tổ chức, bảo đảm nguồn nhân lực, nguồn kinh phí cho chuyển đổi số và tạo bước đột phá trong thời gian tới.
Các thành viên Ủy ban cũng thảo luận về nội dung Báo cáo tình hình triển khai chuyển đổi số quý I/2022 và thông tin những nhiệm vụ đã đạt được của các bộ, ngành, đồng thời đề xuất các kiến nghị, giải pháp thúc đẩy quá trình chuyển đổi số trong thời gian tới.
Hiền Minh