Bộ Nội vụ cho biết, phối hợp với các Bộ và địa phương thực hiện đánh giá thực trạng việc thực hiện các nội dung về đạo đức công vụ của cán bộ, công chức trong cơ quan hành chính nhà nước, nhìn chung các Bộ, địa phương rất quan tâm, chỉ đạo xây dựng, ban hành văn bản cũng như triển khai thực hiện các quy định về đạo đức công vụ và kỷ luật, kỷ cương hành chính.
Do đó, nhận thức của đội ngũ cán bộ, công chức, ngày càng được nâng cao, việc chấp hành các quy định về đạo đức công vụ và kỷ luật, kỷ cương hành chính tại cơ quan, đơn vị, nơi công cộng và nơi cư trú ngày càng nghiêm túc hơn.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, việc triển khai thực hiện đạo đức công vụ vẫn còn tồn tại những hạn chế nhất định. Tại một số Bộ, địa phương công tác thông tin, tuyên truyền về đạo đức công vụ, quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức thực hiện chưa thường xuyên; hình thức tuyên truyền chưa thật sự đa dạng, phong phú, thiết thực; công tác lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện đạo đức công vụ, quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức chưa sâu sát, hiệu quả chưa cao...
Xuất phát từ tầm quan trọng của đạo đức công vụ cũng như thực trạng đạo đức công vụ của cán bộ, công chức, viên chức ở nước ta hiện nay, Bộ Nội vụ cho rằng cần phải nghiên cứu, xây dựng và ban hành Nghị định ban hành Bộ Quy tắc Đạo đức công vụ làm căn cứ để các Bộ và địa phương thực hiện nghiêm túc, thống nhất trong cả nước. Chính vì vậy việc xây dựng Nghị định ban hành Bộ Quy tắc Đạo đức công vụ là hết sức cần thiết.
Theo Bộ Nội vụ, mục đích xây dựng và ban hành Bộ Quy tắc Đạo đức công vụ nhằm đảm bảo sự liêm chính, văn minh, chuyên nghiệp, phù hợp với nghĩa vụ và trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức; là cơ sở để cán bộ, công chức, viên chức tu dưỡng, rèn luyện bản thân, nâng cao ý thức trách nhiệm trong công tác phòng, chống tham nhũng và các biểu hiện tiêu cực khác.
Dự thảo Nghị định gồm 5 chương, 25 điều. Trong đó, quy tắc đạo đức chung là cán bộ, công chức, viên chức phải thực hiện nghiêm túc, đầy đủ các quy định về nghĩa vụ, trách nhiệm của mình theo quy định của Luật Cán bộ, công chức, Luật Viên chức, Luật Phòng, chống tham nhũng, Luật Tiếp công dân, các văn bản pháp luật khác có liên quan và quy định của ngành.
Bên cạnh đó, dự thảo Nghị định quy định những chuẩn mực đạo đức của cán bộ, công chức, viên chức gồm: Tính chính trực; sự liêm chính; tính khách quan; tính công bằng, bình đẳng; sự đúng mực, tính thận trọng; sự tận tụy và kịp thời; tính bảo mật và giữ gìn hình ảnh tổ chức, cá nhân, năng lực và sự chuyên cần...
Mời bạn đọc xem toàn văn dự thảo và góp ý tại đây.
Minh Hiển