Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng điều hành phiên họp. Ảnh: VGP/Nguyễn Hoàng |
Đồng thời tăng cường vai trò, trách nhiệm của các cơ quan quản lý Trung ương và địa phương; tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân hoạt động sáng tạo nghệ thuật, làm phong phú đời sống văn hóa, tinh thần của nhân dân đồng thời củng cố, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc. Các quy định tại Nghị định cũng là cơ sở để thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra.
Tuy nhiên, sau 7 năm triển khai thực hiện, Nghị định số 79 và Nghị định số 15 đã phát sinh một số hạn chế, vướng mắc trong quá trình thực thi như việc phân định thẩm quyền giữa các cơ quan quản lý Nhà nước và biện pháp quản lý cụ thể đối với từng hoạt động nghệ thuật biểu diễn chưa hiệu quả, dẫn đến nhiều trường hợp gây hậu quả nghiêm trọng nhưng không bị ngăn chặn, xử lý. Quy định cấp giấy phép trong lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn chưa thống nhất với hệ thống quy định pháp luật trong lĩnh vực khác (như xuất, nhập cảnh, lao động, thương mại, thi đua, khen thưởng...) đã tạo điều kiện cho các đối tượng lợi dụng sự chồng chéo giữa các quy định để trục lợi.
Biện pháp quản lý đối với hoạt động tổ chức cuộc thi, liên hoan các loại hình nghệ thuật biểu diễn chưa phù hợp với thực tiễn, trong khi nhu cầu của các tổ chức, cá nhân đối với hoạt động này có xu hướng tăng lên. Biện pháp quản lý đối với hoạt động kinh doanh dịch vụ tổ chức thi người đẹp, người mẫu và hoạt động dự thi người đẹp, người mẫu ở nước ngoài chưa phù hợp với thực tiễn, dẫn đến những vướng mắc, bất cập trong hoạt động này. Biện pháp quản lý tác phẩm âm nhạc, sân khấu còn nhiều bất cập, dẫn đến các tác động tiêu cực từ dư luận trong hoạt động công vụ của cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền…
Do vậy, việc ban hành Nghị định quy định về hoạt động nghệ thuật biểu diễn là cần thiết, phù hợp với thực tiễn phát triển của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập kinh tế quốc tế; bảo đảm sự thống nhất trong công tác quản lý Nhà nước; tạo thuận lợi cho các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong quá trình áp dụng, thực thi pháp luật.
Ảnh: VGP/Nguyễn Hoàng |
Dự thảo Nghị định được xây dựng trên cơ sở kế thừa những quy định còn phù hợp tại Nghị định số 79, Nghị định số 15 và sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ những quy định không còn phù hợp với thực tiễn quản lý.
Về bố cục, Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện cho hay, dự thảo Nghị định gồm 6 chương 31 điều. Cụ thể, Chương I (từ Điều 1-7) quy định chung về phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng; giải thích từ ngữ; điều kiện đối với hoạt động nghệ thuật biểu diễn; quyền và trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động nghệ thuật biểu diễn.
Chương II (từ Điều 8-13) quy định về biểu diễn nghệ thuật gồm 2 mục quy định về hình thức, thủ tục hành chính và biện pháp quản lý Nhà nước đối với hoạt động biểu diễn nghệ thuật và hoạt động tổ chức cuộc thi, liên hoan loại hình nghệ thuật biểu diễn.
Chương III (từ Điều 14-19) quy định về thi người đẹp, người mẫu gồm 2 mục quy định về hình thức, thủ tục hành chính và biện pháp quản lý Nhà nước đối với hoạt động tổ chức cuộc thi người đẹp, người mẫu và hoạt động của cá nhân từ Việt Nam ra nước ngoài dự thi người đẹp, người mẫu.
Chương IV (từ Điều 20-26) quy định quản lý đối với hoạt động lưu hành bản ghi âm, ghi hình có nội dung biểu diễn nghệ thuật; điều kiện, thủ tục hành chính lưu chiểu bản ghi âm, ghi hình có nội dung biểu diễn nghệ thuật; hoạt động lưu hành bản ghi âm, ghi hình có nội dung biểu diễn nghệ thuật trên hệ thống phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử; điều kiện về xuất khẩu, nhập khẩu bản ghi âm, ghi hình có nội dung biểu diễn nghệ thuật tại Việt Nam.
Chương V (từ Điều 27-29) quy định nhiệm vụ, quyền hạn của Bộ VHTT&DL, các bộ, cơ quan ngang bộ và UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Chương VI (từ Điều 30-31) quy định điều khoản thi hành Nghị định.
Thẩm tra dự thảo Nghị định, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Phan Thanh Bình khẳng định, Ủy ban tán thành với sự cần thiết ban hành Nghị định nhằm khắc phục những bất cập trong thực tiễn hoạt động nghệ thuật biểu diễn hiện nay, tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức, cá nhân trong hoạt động nghệ thuật biểu diễn cũng như đáp ứng yêu cầu quản lý Nhà nước, quản lý xã hội về lĩnh vực này.
Tuy nhiên, việc ban hành Nghị định chỉ là giải pháp trong điều kiện chưa thể xây dựng luật hoặc pháp lệnh, do vậy, Ban Soạn thảo cần lưu ý việc bảo đảm phù hợp với các nội dung về quyền hưởng thụ, tiếp cận văn hóa của mọi người dân đã được Hiến pháp 2013 ghi nhận.
Hồ sơ, quy trình xây dựng Nghị định trình UBTVQH đã được thực hiện theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Ông Phan Thanh Bình đánh giá, dự thảo Nghị định đã sửa đổi, bổ sung nhiều nội dung, quy định so với các nghị định liên quan; cắt giảm, đơn giản hóa nhiều thủ tục hành chính. Tuy nhiên, đây là văn bản dưới luật, nhưng còn một số nội dung giao Bộ VHTT&DL hướng dẫn có thể làm phát sinh thủ tục hành chính.
Ủy ban đề nghị Ban Soạn thảo đánh giá kỹ tác động của các chính sách mới để đảm bảo hiệu lực và tính khả thi. Đồng thời, lưu ý Ban Soạn thảo bổ sung quy định cụ thể hơn đối với trường hợp trẻ em tham gia hoạt động nghệ thuật biểu diễn, vì thực tế hiện nay nhiều chương trình biểu diễn nghệ thuật, chương trình giải trí có sự tham gia của trẻ em.
Ngoài ra, đề nghị Ban Soạn thảo nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của Ủy ban Về các vấn đề xã hội về việc lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong quá trình hoàn thiện dự thảo Nghị định.
Sau khi nghe ý kiến thảo luận của các thành viên UBTVQH, kết luận về nội dung này, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng đánh giá cao Chính phủ đã rất cân nhắc, thận trọng trong xây dựng các chương, điều của dự thảo Nghị định; đề nghị Chính phủ cùng các cơ quan hữu quan tiếp thu ý kiến của các thành viên UBTVQH tại phiên họp để bổ sung, hoàn thiện dự thảo Nghị định trước khi chính thức ban hành.
Nguyễn Hoàng