Pháp lệnh được xây dựng nhằm bảo đảm người nghiện ma túy từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi được bảo vệ tốt nhất khi bị đề nghị đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc. Đồng thời, bảo đảm việc áp dụng đầy đủ các chuẩn mực và quy phạm quốc tế dành cho người dưới 18 tuổi. Thực hiện các cam kết quốc tế của Việt Nam về bảo vệ các quyền con người, quyền của người dưới 18 tuổi; đáp ứng tốt hơn yêu cầu bảo vệ, chăm sóc, giáo dục người dưới 18 tuổi bị nghiện ma túy;…
Báo cáo tại phiên họp, Phó Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Văn Du khẳng định việc ban hành Pháp lệnh nói trên là cần thiết.
Dự thảo Pháp lệnh hiện được xây dựng gồm 5 chương với 48 điều, quy định cụ thể về trình tự, thủ tục xem xét, quyết định đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc; trình tự, thủ tục xem xét, quyết định việc hoãn, miễn chấp hành quyết định đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc; khiếu nại, kiến nghị, kháng nghị; giải quyết khiếu nại, kiến nghị, kháng nghị trong việc đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc;…
Thảo luận tại phiên họp, đa số ý kiến nhất trí với sự cần thiết ban hành Pháp lệnh trình tự, thủ tục TAND xem xét, quyết định việc đưa người nghiện ma túy từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi vào cơ sở cai nghiện bắt buộc.
Các đại biểu cho rằng dự thảo Pháp lệnh cơ bản đảm bảo tính thống nhất trong hệ thống pháp luật, được cơ quan soạn thảo xây dựng khá chi tiết, đầy đủ. Tuy nhiên, các ý kiến đại biểu cũng đề nghị cơ quan trình tiếp tục rà soát lại các quy định trong dự thảo Pháp lệnh để bảo đảm trình tự, thủ tục; quy định cụ thể về chi phí, lệ phí xem xét, quyết định áp dụng biện pháp cai nghiện bắt buộc. Đồng thời, cần rà soát lại quy định về thời hiệu xem xét, quyết định đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc, thời điểm có hiệu lực quyết định của Tòa án, quy định kiểm sát việc xem xét, quyết định đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc,...
Kết luận phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cho biết qua thảo luận, đa số ý kiến đại biểu nhất trí với sự cần thiết ban hành Pháp lệnh. Trên cơ sở ý kiến của các đại biểu, Ủy ban Tư pháp sẽ khẩn trương hoàn thiện báo cáo thẩm tra, đồng thời đề nghị TAND Tối cao tiếp tục bổ sung hoàn thiện Hồ sơ dự thảo Pháp lệnh để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định./.
Nguyễn Hoàng