Phát biểu tại phiên họp, đại diện Bộ Khoa học và Công nghệ cho biết, việc sửa đổi, bổ sung Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa là cần thiết nhằm thi hành các cam kết về loại bỏ rào cản kỹ thuật đối với thương mại trong các Hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã ký kết, tham gia và đang đàm phán như Hiệp định CPTPP, Hiệp định EVFTA, Hiệp định RCEP, Hiệp định ASEAN; đồng thời rà soát, sửa đổi những điều khoản, quy định có vướng mắc lớn, chưa phù hợp với thực tiễn quản lý nhà nước và phát triển kinh tế - xã hội; đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
Một số nội dung sửa đổi đáng chú ý liên quan đến việc mở rộng cơ quan kiểm tra chất lượng sản phẩm, hàng hóa; đánh giá sự phù hợp của chất lượng sản phẩm hàng hóa; tiêu chuẩn của kiếm soát viên chất lượng...
Góp ý vào tờ trình của BộKhoa học và Công nghệ, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật Dân sự - Kinh tế (Bộ Tư pháp) Lê Đại Hải đề nghị đánh giá toàn diện tác động của việc mở rộng cơ quan kiểm tra chất lượng ở Trung ương và địa phương trên các mặt tổ chức, bộ máy, con người, ngân sách cho việc thực hiện nhiệm vụ.
Cơ quan chủ trì soạn thảo cần giải trình cách thức chỉ định tổ chức đánh giá sự phù hợp của chất lượng sản phẩm hàng hóa; đồng thời làm rõ hệ quả pháp lý sau hậu kiểm khi các tổ chức này không đảm bảo điều kiện hoạt động,
Đại diện Văn phòng Chính phủ cho rằng, đề xuất “sửa đổi, bổ sung nội dung về kiểm soát viên chất lượng”cần bổ sung các quy định về điều kiện, tiêu chuẩn, vai trò và trách nhiệm của chức danh kiểm soát viên chất lượng.
Tổng hợp các ý kiến của các thành viên Hội đồng thẩm định, Thứ trưởng Trần Tiến Dũng đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo đánh giá rõ ràng hơn sự cần thiết, tính cấp bách phải sửa đổi, bổ sung Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa; rà soát các nội dung chính sách đề xuất sửa đổi, bổ sung với các văn bản pháp luật đã ban hành để bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ với hệ thống pháp luật; đồng thời bổ sung đánh giá tác động thủ tục hành chính; trong đó hướng tới việc đơn giản hóa, cắt giảm thủ tục hành chính, thực hiện chủ trương phân cấp, phân quyền nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh.
Bộ Khoa học và Công nghệ tiếp thu tối đa các ý kiến của các thành viên Hội đồng thẩm định, rà soát kỹ, thu gọn lại nội dung để làm rõ hơn định hướng của từng chính sách; đánh giá nguyên nhân, tiêu chí, vai trò của lực lượng kiểm soát viên chất lượng; làm rõ những cam kết tại các Hiệp định CPTPP, EVFTA, RCEP để xác định nội dung và giải pháp thực hiện chính sách; bên cạnh đó cần cân nhắc tham khảo thêm kinh nghiệm quốc tế trong kiểm soát chất lượng sản phẩm, hàng hoá…
LS