Trình bày Tờ trình đề nghị xây dựng Luật Bản dạng giới, đại biểu Nguyễn Anh Trí nêu các căn cứ chính trị, pháp lý để xây dựng luật.
Đó là: Văn kiện Đại hội lần thứ XIII của Đảng đặt ra mục tiêu "tôn trọng, bảo đảm, bảo vệ quyền con người, quyền công dân"; Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 9/11/2022 của Ban Chấp hành Trung ương nêu rõ quan điểm: "Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam… lấy con người là trung tâm, mục tiêu, chủ thể và động lực phát triển đất nước; Nhà nước tôn trọng, bảo đảm, bảo vệ quyền con người, quyền công dân".
Kết luận số 19-KL/TW của Bộ Chính trị về Đề án Định hướng Chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV đã xác định nhiệm vụ nghiên cứu, xây dựng pháp luật về chuyển đổi giới tính để đề xuất đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022-2024.
Bên cạnh đó, Điều 37 của Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định "việc chuyển đổi giới tính được thực hiện theo quy định của luật". Sau khi Bộ luật Dân sự năm 2015 được thông qua, Việt Nam là quốc gia thứ 11 tại châu Á hợp pháp hóa quyền chuyển đổi giới tính. Tuy nhiên, sau hơn 6 năm Bộ luật Dân sự có hiệu lực, Luật về chuyển đổi giới tính vẫn chưa được ban hành.
Thay đổi nhận thức của cộng đồng, xã hội về chuyển đổi giới tính
Theo đại biểu Quốc hội Nguyễn Anh Trí, việc xây dựng luật khẳng định các dạng giới khác là một cấu phần tất yếu của xã hội bên cạnh 2 giới tính truyền thống là nam và nữ; đảm bảo những người không hợp giới được sống bình đẳng trong xã hội; khẳng định, tôn trọng quyền chuyển đổi giới tính của công dân.
Bên cạnh đó, việc xây dựng luật khẳng định các dạng giới khác nhằm hoàn thiện pháp luật về chuyển đổi giới tính, phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng và tình hình mới. Nội luật hóa các quy định, nguyên tắc quốc tế về bản dạng giới, chuyển đổi giới tính bằng đạo luật của Quốc hội.
Thay đổi nhận thức của cộng đồng, xã hội về chuyển đổi giới tính không phải là bệnh lý hay rối loạn tâm thần, lệch lạc về hành vi, nhận thức và lối sống…; phải được tôn trọng bằng pháp luật như một phạm trù về nhân quyền trong xã hội văn minh; khuyến khích người chuyển giới có thái độ và hành vi tích cực, hòa đồng với xã hội.
Thể hiện giá trị nhân bản, nhân văn và nhân đạo cao cả của Nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam; bảo vệ cộng đồng yếu thế và không để ai bị bỏ lại phía sau.
Về phạm vi điều chỉnh, đại biểu Quốc hội Nguyễn Anh Trí cho hay mặc dù có rất nhiều dạng giới khác nhau, tuy nhiên, để phù hợp với văn hóa, xã hội, phong tục, tập quán của Việt Nam và hệ thống pháp luật hiện hành, phạm vi điều chỉnh của Luật chỉ tập trung vào 2 dạng giới nam và nữ. Theo đó, Luật quy định về quyền và nghĩa vụ của người chuyển đổi giới tính từ nữ sang nam hoặc từ nam sang nữ; cơ quan có thẩm quyền, thực hiện xác nhận giới tính của người chuyển đổi giới tính; điều kiện, hồ sơ, thủ tục đối với người có nguyện vọng chuyển đổi giới tính; điều kiện, hồ sơ, thủ tục đối với tổ chức, cá nhân thực hiện can thiệp y học.
Đại biểu Nguyễn Anh Trí nêu 3 chính sách lớn khi xây dựng dự luật này. Cụ thể, chính sách 1 là quyền chuyển đổi giới tính của công dân "khẳng định công dân có quyền chuyển đổi giới tính", đồng thời đưa ra những tiêu chí để công dân thực hiện quyền này.
Chính sách 2 là quyền được công nhận giới tính mới khác giới tính khi sinh theo yêu cầu của công dân. Công dân đã can thiệp y học để chuyển đổi giới tính có quyền nhân thân phù hợp với giới tính đã được chuyển đổi; có quyền đề nghị cơ quan quản lý có thẩm quyền (cơ quan hộ tịch cấp huyện nơi công dân cư trú) thực hiện thủ tục công nhận giới tính mới thông qua việc đăng ký thay đổi hộ tịch.
Chính sách 3 là quyền được lựa chọn hình thức can thiệp y học để chuyển đổi giới tính của công dân, trong đó quy định: công dân có quyền lựa chọn hình thức can thiệp y học; điều kiện đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh được thực hiện can thiệp y học; các nguyên tắc bắt buộc khi thực hiện can thiệp y học.
Theo Tờ trình, đại biểu Quốc hội Nguyễn Anh Trí đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, đưa dự án luật này vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024.
Đánh giá cao sự nỗ lực, tâm huyết của đại biểu Quốc hội
Thẩm tra dự án Luật Bản dạng giới, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Thanh Tùng cho biết Ủy ban Pháp luật và Thường trực Ủy ban Xã hội đánh giá cao sự nỗ lực, tâm huyết của đại biểu Quốc hội trong việc chuẩn bị hồ sơ đề nghị xây dựng Luật.
Việc đại biểu Quốc hội trình đề nghị xây dựng Luật là thực hiện quyền sáng kiến lập pháp theo quy định của Hiến pháp (Điều 84), Luật Tổ chức Quốc hội (Điều 29), Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (Điều 33), đồng thời, phù hợp với chủ trương được Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề ra từ nhiệm kỳ khóa XIV về phát huy quyền sáng kiến pháp luật của đại biểu Quốc hội.
Việc xây dựng, ban hành luật để quy định về vấn đề chuyển đổi giới tính là cần thiết nhằm cụ thể hóa quy định tại Điều 37 của Bộ luật Dân sự, đáp ứng yêu cầu của thực tiễn. Việc xây dựng Luật này cũng là thực hiện nhiệm vụ lập pháp đã được đề ra. Hồ sơ đề nghị xây dựng Luật cơ bản bảo đảm các thành phần theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Qua nghiên cứu hồ sơ đề nghị xây dựng Luật theo Tờ trình của đại biểu Quốc hội, Ủy ban Pháp luật và và Thường trực Ủy ban Xã hội của Quốc hội cho rằng Báo cáo đánh giá tác động của chính sách và Báo cáo thực trạng pháp luật và xã hội liên quan đã bảo đảm các yêu cầu về hình thức văn bản. Tuy nhiên nội dung chưa đánh giá tổng thể, đầy đủ thực trạng quan hệ xã hội có liên quan, chưa đánh giá hết và có giải pháp xử lý các khía cạnh tác động của chính sách, nhất là các vấn đề phát sinh về mặt pháp lý, nhiều số liệu chưa toàn diện.
Bên cạnh đó, phạm vi điều chỉnh của dự án Luật như đại biểu Quốc hội đề xuất rộng hơn so với định hướng xây dựng Luật Chuyển đổi giới tính để cụ thể hóa Điều 37 của Bộ luật Dân sự; nhiều nội dung chính sách do đại biểu Quốc hội đề xuất có sự giao thoa với các chính sách của dự án Luật Chuyển đổi giới tính do Bộ Y tế đang chủ trì nghiên cứu lập đề nghị xây dựng Luật theo phân công của Thủ tướng Chính phủ.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng cũng cho biết một số ý kiến trong Ủy ban Pháp luật và Thường trực Ủy ban Xã hội của Quốc hội băn khoăn cho rằng đây là dự án Luật khó, nhạy cảm, còn nhiều ý kiến khác nhau, hồ sơ đề nghị xây dựng Luật chưa làm rõ cơ sở chính trị và cơ sở thực tiễn cho việc xây dựng, ban hành Luật; phạm vi điều chỉnh trùng lặp với dự án Luật Chuyển đổi giới tính đang được Chính phủ nghiên cứu, đề xuất và Chính phủ cũng chưa có ý kiến chính thức.
Do đó, đề nghị đại biểu Quốc hội tiếp tục nghiên cứu, đánh giá tác động kỹ lưỡng để hoàn thiện hồ sơ đề nghị xây dựng Luật, trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội xem xét, quyết định bổ sung vào Chương trình khi đủ điều kiện.
Sau khi nghe các ý kiến thảo luận, phát biểu kết luận về nội dung này, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định nêu rõ qua các ý kiến phát biểu, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá rất cao và ghi nhận sự cố gắng, nỗ lực, nhiệt tình, trách nhiệm của đại biểu Quốc hội Nguyễn Anh Trí.
Tuy nhiên, ý kiến các cơ quan còn khác nhau nên Ủy ban Thường vụ Quốc hội giao Ủy ban Pháp luật chủ trì, phối hợp với Ủy ban Xã hội của Quốc hội, Bộ Tư pháp, Bộ Y tế làm việc với đại biểu Nguyễn Anh Trí và báo cáo xin ý kiến Chính phủ để thống nhất nội dung và đại biểu báo cáo lại Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét trong phiên họp tháng 5/2023.
Nguyễn Hoàng