Bộ Nội vụ cho biết, Luật Lưu trữ được Quốc hội khóa XIII, kỳ họp thứ 2 thông qua ngày 11/11/2011 (có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2012) và các văn bản hướng dẫn thi hành đã tạo hành lang pháp lý cho việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước về lưu trữ của Bộ Nội vụ và của các bộ, ngành, địa phương.
Bên cạnh những kết quả đạt được, Luật Lưu trữ năm 2011 đã bộc lộ những bất cập, hạn chế, một số quy định không còn phù hợp với tình hình thực tiễn.
Thứ nhất, do được ban hành từ năm 2011 nên Luật Lưu trữ hiện hành chưa thể chế hóa được những chủ trương, chính sách mới của Đảng về đẩy mạnh ứng dụng, phát triển công nghệ thông tin đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững và hội nhập quốc tế, trong đó có lĩnh vực lưu trữ.
Thứ hai, sau 10 năm thực hiện, bên cạnh các kết quả đạt được, Luật Lưu trữ đã bộc lộ những bất cập, hạn chế, nhiều vấn đề của thực tiễn chưa được Luật quy định hoặc đã được quy định nhưng chưa rõ ràng, chưa cụ thể, gây khó khăn trong quá trình thực hiện như: Vấn đề về quản lý tài liệu lưu trữ và cơ sở dữ liệu tài liệu lưu trữ điện tử Phông lưu trữ quốc gia Việt Nam.
Vấn đề về quản lý tài liệu lưu trữ điện tử đáp ứng yêu cầu hiện đại hóa nền hành chính, hội nhập quốc tế, phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số, bao gồm: các nguyên tắc, yêu cầu, chức năng của Hệ thống lưu trữ tài liệu điện tử để đáp ứng các quy trình nghiệp vụ lưu trữ đối với tài liệu điện tử; việc quản lý cơ sở dữ liệu tài liệu lưu trữ điện tử; nghiệp vụ lưu trữ tài liệu điện tử và quy định về xác thực tài liệu lưu trữ điện tử.
Thứ ba, từ năm 2015 đến nay, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành các chương trình, đề án, chiến lược thực hiện chủ trương của Đảng về "đẩy mạnh ứng dụng, phát triển công nghệ thông tin đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững và hội nhập quốc tế", trong đó có lĩnh vực lưu trữ.
Từ những lý do nêu trên, việc xây dựng, ban hành Luật Lưu trữ (sửa đổi) là hết sức cần thiết nhằm thể chế hóa chủ trương của Đảng về việc ứng dụng mạnh mẽ khoa học và công nghệ trong lĩnh vực lưu trữ, tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về lưu trữ, khắc phục những bất cập, hạn chế trong thực tiễn công tác lưu trữ hiện nay, góp phần thực hiện Chương trình Chuyển đổi số quốc gia và Chiến lược phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số, đáp ứng yêu cầu hiện đại hóa nền hành chính và hội nhập quốc tế.
Dự thảo Luật Lưu trữ (sửa đổi) gồm 55 điều (tăng 13 điều so với Luật Lưu trữ hiện hành), giữ nguyên 02 điều; sửa đổi, bổ sung 33 điều; bổ sung mới 13 điều và bãi bỏ 07 điều của Luật lưu trữ hiện hành.
Bố cục dự thảo Luật Lưu trữ (sửa đổi) gồm 06 chương (giảm 01 chương so với Luật Lưu trữ hiện hành), trong đó có 03 chương kế thừa, 01 chương được xây dựng trên cơ sở ghép 03 chương của Luật Lưu trữ hiện hành và 02 chương được bổ sung mới.
Mời bạn đọc xem toàn văn dự thảo và góp ý tại đây.
Minh Hiển