In bài viết

Cần thiết xây dựng Luật Tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc

(Chinhphu.vn) - Chiều 5/10, Bộ Tư pháp tổ chức cuộc họp Hội đồng thẩm định đề nghị xây dựng Luật Tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc. Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Khánh Ngọc chủ trì cuộc họp.

05/10/2023 19:27
Cần thiết xây dựng Luật Tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc - Ảnh 1.

Việt Nam là một thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế, đã tích cực, chủ động trong việc tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc - Ảnh: VGP

Phát biểu tại cuộc họp, đại diện Bộ Quốc phòng cho biết, hoạt động gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc (GGHBLHQ) thể hiện dưới hình thức các Phái bộ được Liên hợp quốc cử đến các khu vực đã tạm dừng xung đột hoặc đã có thỏa thuận hòa bình để GGHB tại các khu vực này. Đây là cơ chế đặc biệt trong khuôn khổ LHQ dựa vào nguồn lực và lực lượng do các nước thành viên đóng góp, thể theo những quy định về an ninh tập thể của Hiến chương LHQ.

Là một thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế, Việt Nam đã tích cực, chủ động trong việc tham gia hoạt động GGHBLHQ. Đến nay, Việt Nam đã cử 786 lượt sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp đi thực hiện nhiệm vụ GGHB của LHQ tại Phái bộ UNMISS (Nam Sudan), Phái bộ MINISCA (Cộng hòa Trung Phi), Phái bộ UNISFA (khu vực Abyei),… Các lực lượng Việt Nam đã và đang hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, được lãnh đạo LHQ, chỉ huy phái bộ, chính quyền nước sở tại và cộng đồng quốc tế đánh giá cao.

Tuy nhiên, qua tổng kết thực tiễn, quá trình tham gia lực lượng GGHBLHQ vẫn còn một số vướng mắc, hạn chế, như: Hiến pháp năm 2013 mới chỉ quy định chủ trương về việc "tham gia hoạt động góp phần bảo vệ hòa bình ở khu vực và trên thế giới"; chưa quy định rõ tiêu chí, tiêu chuẩn, trần quân hàm, chế độ, chính sách cho chức danh Chỉ huy trưởng lực lượng Việt Nam tại phái bộ; ….

Vì vậy, việc xây dựng Luật Tham gia lực lượng GGHBLHQ là cần thiết nhằm hoàn chỉnh khung pháp lý về việc Việt Nam tham gia hoạt động GGHBLHQ để triển khai lực lượng tham gia theo đúng đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, Hiến pháp, pháp luật và các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên. Đồng thời nâng cao hiệu quả quản lý, chỉ huy, điều hành, thực hiện nhiệm vụ; đảm bảo hợp lý chế độ chính sách; rút ngắn quy trình, thủ tục pháp lý trong việc cử, điều chỉnh, rút lực lượng; xử lý những vấn đề phát sinh tại địa bàn.

Theo đó, đề nghị xây dựng Luật bao gồm 3 chính sách lớn: Hoàn thiện thể chế về xây dựng lực lượng Việt Nam tham gia hoạt động GGHBLHQ. Theo đó, quy định rõ cơ quan quản lý, chỉ huy, chỉ đạo điều hành lực lượng tham gia hoạt động GGHBLHQ và quy định cụ thể nội dung điều phối quốc gia đối với hoạt động GGHBLHQ. Quy định hình thức, cơ chế xây dựng lực lượng, quy trình, điều kiện, tiêu chuẩn tuyển chọn lực lượng, đào tạo, huấn luyện, chỉ huy trưởng lực lượng; quy định rõ và phân công trách nhiệm cụ thể cho Bộ Quốc phòng và Bộ Công an đối với công tác xây dựng, chuẩn bị lực lượng tham gia hoạt động GGHBLHQ theo cả hình thức cá nhân và đơn vị.

Hoàn thiện cơ chế triển khai lực lượng tham gia hoạt động GGHBLHQ: Quy định cụ thể, thống nhất về thẩm quyền quyết định và quy trình cử mới, cử luân phiên, cử thay thế đột xuất, điều chỉnh, rút lực lượng đang tham gia hoạt động GGHBLHQ; trách nhiệm của Chính phủ, các ban, bộ, ngành và các tổ chức Việt Nam. Quy định thẩm quyền, trình tự, thủ tục giải quyết các vấn đề phát sinh, đền bù thiệt hại khi mất, hỏng tài sản hoặc gây thương vong cho LHQ hoặc bên thứ ba. Quy định thẩm quyền, quy trình rút lực lượng trong trường hợp khẩn cấp.

Hoàn thiện pháp luật về bảo đảm nguồn lực, chế độ chính sách đối với hoạt động GGHBLHQ.

Tại cuộc họp, các đại biểu đã góp ý về sự cần thiết xây dựng Luật, phạm vi điều chỉnh, tên và nội dung các chính sách, tính hợp Hiến, hợp pháp, tính đồng bộ với hệ thống pháp luật…

Phát biểu tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Khánh Ngọc nhấn mạnh, đây là vấn đề phức tạp, cần tính toán kỹ để phù hợp với đường lối đối ngoại của nước ta, các chính sách đề nghị xây dựng Luật cần phù hợp với chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, phù hợp Hiến pháp, quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, tương thích với các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.

Đồng thời, cơ quan chủ trì soạn thảo cần làm rõ nguồn lực về con người, tài chính để sẵn sàng thực hiện công việc này; đặc biệt cần thiết lập cơ chế quản lý thống nhất để vừa đảm bảo đặc thù của các lực lượng khác nhau khi tham gia GGHB vừa đảm bảo kỷ luật, kỷ cương trong công tác chỉ huy.

LS